Chứng nghiện mua sắm, nguyên nhân và cách điều trị

Từ thói quen mua sắm, bạn có thể bị "nghiện", mất khả năng kiểm soát chi tiêu, dẫn đến nợ nần, ảnh hưởng các mối quan hệ cá nhân, thậm chí là trầm cảm. Dưới đây là nguyên nhân, dấu hiệu bạn có nguy cơ mắc bệnh "nghiện" mua sắm đó!

Việc mua sắm không chỉ cần thiết mà còn là một hoạt động có tính chất thư giãn và giải trí đối với nhiều người. Khi một người chi tiêu mua sắm một cách quá mức và dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, đó là một chứng bất ổn về mặt tâm lý hoặc tinh thần cần phải được lưu tâm và điều trị.

“Chứng nghiện mua sắm được định nghĩa là một tình trạng bất thường mà trong đó, con người thường xuyên bị ám ảnh bởi nhận thức và hành vi mua sắm đến mức dẫn đến xung đột hay khủng hoảng”, kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Donald Black - giáo sư tâm thần học đến từ Khoa Y Đại học Iowa - được đăng trên tạp chí khoa học World Psychiatry năm 2007. Nếu không được can thiệp và khắc phục kịp thời, chứng nghiện mua sắm có thể khiến một người rơi vào tình trạng nợ nần, khủng hoảng tài chính sức khỏe suy sụp, gây đổ vỡ các mối quan hệ gia đình và xã hội của người đó.

Nguyên nhân của chứng nghiện mua sắm

Từ góc độ xã hội học, chứng nghiện mua sắm có thể xuất phát từ nền văn hóa tôn sùng chủ nghĩa vật chất mà trong đó, nhiều người trong chúng ta quan niệm rằng việc sở hữu một chiếc ô-tô đẳng cấp, thiết bị công nghệ mới nhất hay sử dụng thời trang hàng hiệu mới là chìa khóa của thành công hay hạnh phúc.

Theo các nhà tâm lý học, phần lớn những người nghiện mua sắm sẵn sàng chi tiền sở hữu món đồ này hay món hàng kia chỉ để có cảm giác tự tin hơn, khẳng định giá trị bản thân, thể hiện đẳng cấp, nâng cao vị thế xã hội hoặc giành được sự công nhận của một hội nhóm danh giá nào đó. Ở góc độ y học, tình trạng nghiện mua sắm gắn liền với nhiều vấn đề phức tạp mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu và giải mã.

Tiến sĩ Ruth Engs, giáo sư ngành khoa học sức khỏe Đại học Indiana, đã và đang dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu tình trạng nghiện mua sắm và tiêu xài của con người. Theo bà, những người nghiện mua sắm kỳ thực bị hấp dẫn bởi cảm giác hưng phấn mà hoạt động mua sắm mang lại và tác động lên não của họ. Mỗi khi mua được một món đồ ưng ý, não của họ tiết ra các endorphindopamine - chất dẫn truyền thần kinh gắn liền với mọi chứng nghiện của con người. Theo khảo sát của giáo sư Engs, khoảng từ 10 - 15% dân số Hoa Kỳ chịu sự chi phối đáng kể của hiện tượng này trong cuộc sống hàng ngày của mình.

“Nhiều người cảm thấy khoan khoái mỗi khi vung tiền mua sắm,” giáo sư Engs diễn giải - “Một lượng lớn các endorphin và dopamine được tiết ra trong não của họ đã gây nên hiệu ứng đó. Khi hành vi mua sắm khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ hay tích cực, chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại hành vi đó, hình thành chứng nghiện”.

Những dấu hiệu để nhận biết chứng nghiện mua sắm

Tiêu tiền vượt khả năng chi trả: “Hết lần này đến lần khác, người nghiện mua sắm liên tục tiêu xài nhiều hơn số tiền mình có, tự đẩy bản thân vào khó khăn tài chính hoặc nợ nần”, giáo sư Engs nhận định. Bà lưu ý rằng hầu hết những người nghiện mua sắm không biết thế nào là đủ, không còn nhận thức được giới hạn của việc vung tiền mua sắm.

Mua sắm không kiểm soát: “Khi một người nghiện mua sắm đi mua sắm, họ nói bạn rằng họ muốn mua một đôi giày. Nhưng kết quả là họ trở về với mười đôi giày”, giáo sư Engs ví von.

Tình trạng nghiện mua sắm kéo dài: “Hiếm người chỉ nghiện mua sắm một lần rồi thôi. Chứng nghiện mua sắm có thể kéo dài hai, ba tháng hoặc hơn, với vô số lần mua hàng “vung tay quá trán” trong một năm”, Engs nhận định.

Che giấu tình trạng nghiện của mình: “Người nghiện rượu thường giấu chai rượu Tương tự, người nghiện mua sắm thường có thói quen giấu biệt bằng chứng về những lần vung tay quá trán của mình. Họ cũng thường có nhiều thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng bí mật. Họ sợ bị người khác phát hiện và chỉ trích”, giáo sư Engs tiết lộ.

Các mối quan hệ đổ vỡ: đây là hệ quả phổ biến mà hầu hết người nghiện mua sắm nhận lãnh - phát biểu của Rick Zehr, phó chủ tịch trung tâm dịch vụ cai nghiện và kiểm soát hành vi của bệnh viện Proctor, một cơ quan trực thuộc Viện phục hồi chức năng sau Cai nghiện bang Illinois. “Mâu thuẫn xảy ra vì người nghiện mua sắm thường xuyên bận rộn hoặc vắng nhà để mua sắm và tiêu tiền, liên tục lừa dối mọi người về các khoản nợ, dần dần tự cô lập bản thân khỏi gia đình và các mối quan hệ xã hội tích cực”.

Điều trị chứng nghiện mua sắm

Nếu chứng nghiện mua sắm đang chi phối cuộc sống của bạn hoặc gia đình bạn, hãy ngay lập tức tìm kiếm sự giúp đỡ. Việc điều trị chứng nghiện mua sắm đòi hỏi sự tiếp cận vấn đề từ nhiều phía thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. “Bạn cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và những người thân thiết. Bên cạnh đó, cá nhân tôi đề xuất bạn nên bắt đầu bằng việc tham vấn bác sĩ tâm lý”, giáo sư Engs chia sẻ.

“Không có một công thức chuẩn mực nào cho việc điều trị chứng nghiện mua sắm”, tiến sĩ Black lưu ý. “Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cho phép người nghiện mua sắm dùng thuốc chủ yếu là những loại thuốc chống trầm cảm Đó là những trường hợp mà tình trạng nghiện mua sắm của bệnh nhân có nguyên nhân xuất phát từ chứng trầm cảm hoặc vài chứng tâm lý khác. Nhưng việc dùng thuốc không phải lúc nào cũng hiệu quả như mong muốn. Các chuyên gia tâm lý thường ưa chuộng các liệu pháp nhận thức - hành vi đối với những bệnh nhân cần được tư vấn về việc khắc phục các vấn đề tài chính của họ”.

Tiến sĩ Black nhấn mạnh rằng trong phần lớn các trường hợp, chứng nghiện mua sắm không dễ dàng được điều trị dứt điểm trong một sớm một chiều. Mặc dù việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ và chuyên gia là cần thiết, nhưng đồng thời, ý thức và sự tự giác của bản thân người nghiện mua sắm cũng đóng vai trò quan trọng đối với kết quả điều trị. Black đề xuất người nghiện mua sắm cần tự mình thay đổi, điều chỉnh hành vi của mình trong khả năng có thể nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất. Cụ thể, người nghiện mua sắm cần:

- Thừa nhận chứng nghiện mua sắm của mình cùng những hậu quả mà nó đã và đang gây ra.

- Ngừng ngay việc sử dụng thẻ tín dụng và séc ngân hàng. Theo kinh nghiệm của các nhà tâm lý học và giới chuyên gia tài chính, thẻ tín dụng và séc là những công cụ có tính chất khuyến khích chúng ta tiêu tiền và mang nợ, hoàn toàn không có lợi cho những người đang điều trị chứng nghiện mua sắm.

- Không bao giờ đi mua sắm một mình: Hầu hết những người nghiện mua sắm đều đi mua sắm một mình. Sự xuất hiện của một người đồng hành tử tế giúp chúng ta hạn chế khả năng tiêu tiền vượt quá khả năng chi trả.

- Dành thời gian cho những hoạt động hoặc thú vui lành mạnh khác thay cho việc đi mua sắm hoặc tiêu tiền.

ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật