Cách theo dõi chảy máu sau sinh để tránh biến chứng nguy hiểm

Chảy máu sau đẻ là một tai biến sản khoa thường gặp tuy không nhiều nhưng dễ gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bình thường khi chuyển dạ và trước khi thai xổ, thai phụ có thể ra ít máu (từ âm đạo) do cổ tử cung bị rạn nứt khi mở. Sau khi thai xổ thường có ít máu từ tử cung ra và sau khi rau xổ, máu từ vùng rau bám chảy ra. Lượng máu mất trong suốt thời kỳ sinh và xổ rau thường chỉ 300ml, gọi là chảy máu sinh lý Nếu lượng máu chảy quá 500ml là bệnh lý cần xử lý kịp thời.

Theo dõi sát sản phụ khi đẻ để phát hiện kịp thời chảy máu (Ảnh minh họa: Internet)

Theo dõi sát sản phụ khi đẻ để phát hiện kịp thời chảy máu (Ảnh minh họa: Internet)

Nhận biết vị trí chảy máu sau sinh

Máu có thể chảy từ nhiều vị trí khác nhau của bộ phận sinh dục nên cần tìm đúng nguyên nhân để xử trí:

Chảy máu do rách tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ: Thường máu chảy ra màu đỏ tươi, chưa kịp đông, nhìn thấy ngay vết rách và chỗ chảy máu.

Chảy máu do rách cổ tử cung: Máu đỏ tươi chảy ra từ âm đạo, phải đặt van âm đạo và dùng hai kẹp hình tim kéo cổ tử cung ra ngoài mới nhìn thấy chỗ rách.

Chảy máu do rau không bong: Máu tươi lẫn cục ra nhiều nhưng ấn đáy tử cung rau vẫn không bong.

Chảy máu do sót rau, sót màng: Sau khi rau ra, máu tiếp tục chảy qua âm đạo, mỗi lần ấn đáy tử cung lại thấy máu tươi và máu cục.

Chảy máu do đờ tử cung: Sau khi rau ra, tử cung không co hồi mà vẫn mềm nhão, máu tươi và cả máu cục ra nhiều. Thường gặp ở sản phụ đẻ nhiều lần cơ tử cung mất tính đàn hồi, gặp ở người đẻ sinh đôi đa ối do cơ tử cung bị giãn quá mức khi có thai nên co hồi không tốt, còn gặp ở sản phụ chuyển dạ lâu, cơ tử cung mệt mỏi không co hồi được. Đôi khi còn gặp ở người thể trạng suy kiệt do một bệnh toàn thân.

Hãn hữu gặp trường hợp chảy máu sau sinh do rau bong quá sớm hoặc bong không hoàn toàn do nữ hộ sinh kéo vào cuống rau hoặc ấn đáy tử cung một cách thô bạo.

Cuối cùng cũng đừng quên chảy máu sau sinh có thể do vỡ tử cung, bong rau non... là những bệnh lý xảy ra trong khi đẻ nhưng đẻ xong máu mới chảy ra ngoài.

Các bác sĩ, hộ lý phải đặc biệt chú ý, cẩn thận trong quá trình đỡ đẻ cho sản phụ (Ảnh minh họa: Internet)

Các bác sĩ, hộ lý phải đặc biệt chú ý, cẩn thận trong quá trình đỡ đẻ cho sản phụ (Ảnh minh họa: Internet)

Cách theo dõi chảy máu sau sinh

Để xác định tình trạng chảy máu, cần theo dõi lượng máu chảy ra ngoài âm đạo (nên cho sản phụ nằm trên một săng vải hấp màu trắng để tiện theo dõi). Chú ý các trường hợp chảy máu ri rỉ nhưng liên tục và ước đoán khối lượng máu chảy bằng cách cân số lượng máu chảy ra ngoài.

Theo dõi tử cung, thấy tử cung quá to, quá mềm. Cuối cùng phải dựa vào thể trạng chung để phát hiện các máu chảy trong tử cung (máu không ra ngoài): sản phụ vật vã, hốt hoảng hoặc nằm li bì, mặt tái, chân tay lạnh, thở nông, mạch nhanh huyết áp hạ.

Điều chủ yếu là phải theo dõi sát sản phụ sau sinh để khi phát hiện lượng máu mới chảy với khối lượng còn ít để việc điều trị được kịp thời và có hiệu quả. Nếu để tới khi mất máu trên 500ml và thể trạng chung đã xấu mới phát hiện được thì việc điều trị trở thành khó khăn, dễ dẫn tới tử vong

Phòng chống thế nào?

Phát hiện sớm những sản phụ có nguy cơ chảy máu sau sinh để gửi lên tuyến trên: những sản phụ sinh đôi, thai to, đa ối, đẻ từ lần thứ 5 trở đi, có bệnh nội khoa, chuyển dạ kéo dài, tiền sử có chảy máu sau sinh. Theo dõi sát các sản phụ sau sinh: đếm mạch, đo huyết áp quan sát toàn thể trạng, vùng âm hộ, sự co hồi tử cung để phát hiện sớm chảy máu.

Đối với những sản phụ có nguy cơ chảy máu sau sinh thì sau khi rau ra và kiểm tra không thấy sót rau, tiêm vào đáy tử cung oxytoxin 5 đơn vị.

Không kéo vào dây rốn không ấn thô bạo vào đáy tử cung Sau khi đỡ rau kiểm tra kỹ, đề phòng sót rau gây chảy máu.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật