Có nên uống thuốc kháng sinh để trị mụn nhọt hay không?

Em bị mọc nhọt ở khuỷu tay, tại chỗ mụn mọc sưng đỏ, đau và phần đầu nhọt có mủ vàng. Em nghe nói mụn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nên rất lo lắng. Xin hỏi quý báo, em có nên uống thuốc kháng sinh để trị mụn không ạ?

Nguyễn Văn Thái (Hòa Bình)

Nhọt là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh. Đây là bệnh thường gặp trong mùa hè, nam nhiều hơn nữ. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng thường gặp ở trẻ em nhiều hơn.

Nguyên nhân do khi cơ thể mệt mỏi sức đề kháng kém kèm theo lao động nặng nhọc, ra nhiều mồ hôi da bị gãi xước… tạo điều kiện cho tụ cầu, liên cầu xâm nhập cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông tạo ra nhọt. Khi nhọt bắt đầu hình thành chỉ là những nốt nhỏ nổi trên da rồi lan rộng dần, tại chỗ mọc nhọt da thường nóng, đỏ và đau

Sau vài ngày, trên nốt đỏ xuất hiện đốm vàng, khi vỡ có mủ chảy ra, ở giữa có ngòi. Kích thước của nhọt rất đa dạng, có khi bằng hạt ngô, hạt đỗ nhưng cũng có thể to như quả mận quả trứng gà chứa nhiều mủ. Khi bị nhọt trên da, điều quan trọng nhất bạn cần nhớ là vệ sinh sạch sẽ cơ thể bằng cách rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn để tránh tự lây lan… Tại chỗ mọc mụn trong giai đoạn nhọt khởi phát có thể sử dụng cồn iod 3%, betadin hoặc nước muối để sát khuẩn. Bên cạnh đó, có thể sử dụng kháng sinh như clindamycin hay các mỡ kháng sinh bôi.

Trong trường hợp bị nhọt nặng, nhiều và có nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn lan rộng thì cần sử dụng kháng sinh toàn thân như amoxycillin, cephalosporin…, thậm chí có thể kết hợp hai loại kháng sinh hoặc tiêm truyền vào tĩnh mạch Tuy nhiên, đã cần sử dụng kháng sinh hay chưa, sử dụng kháng sinh loại nào, liều lượng ra sao… thì bạn cần đến khám tại chuyên khoa da liễu để được bác sĩ hướng dẫn cụ thể và dùng thuốc hiệu quả vì hiện nay tụ cầu vàng đã kháng một số kháng sinh nên nếu dùng kháng sinh đã bị vi khuẩn kháng lại thì sẽ không có tác dụng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật