Thường xuyên bị chuột rút nguyên nhân do đâu, cần uống thuốc gì?

Tôi là Nguyễn Hoàng Liên, 36 tuổi, hiện đang ở Bắc Ninh. Khoảng hai năm nay tôi hay bị chuột rút, nhiều nhất là ở chân, thỉnh thoảng ở tay và bụng. Vậy tình trạng chuột rút này do đâu và cần uống thuốc gì để chữa?

Độc giả

Chuột rút là tình trạng co cứng các bắp cơ cấp tính, liên tục và ngoài ý muốn chủ quan, gây nên các cơn đau dữ dội, mất khả năng cử động. Chính vì vậy, không chỉ gây đau chuột rút còn có thể đe dọa đến sự an toàn của tính mạng trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như khi đang bơi lội, đang điều khiển các phương tiện giao thông, điều khiển máy móc… Thời gian bị co cứng cơ thường chỉ thoáng qua vài giây tuy nhiên cũng có khi kéo dài đến nửa tiếng, thậm chí một tiếng. Bắp chân là vị trí co cơ thường gặp nhất. Ngoài ra, cũng có thể gặp ở những vị trí khác trên cơ thể, như trường hợp của bạn là tay và bụng.

Bắp chân là vị trí co cơ thường gặp nhất

Bắp chân là vị trí co cơ thường gặp nhất

Có rất nhiều lí do khác nhau gây nên hiện tượng chuột rút Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chuột rút có thể do xảy ra những yếu tố bất thường trong quá trình điện phân (quá trình điện phân cần có sự tham gia của các nguyên tố hóa học hay những dạng vật chất của hóa học trong cơ thể bạn), thường có liên quan tới những rối loạn điện giải

Các nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị chuột rút là: sự căng cơ quá mức; ngồi lâu một tư thế mà không vận động; do mất nước dẫn đến rối loạn về điện giải, đặc biệt là mất kali calci và magie; khi mang thai (nhất là từ tháng thứ 6 trở lên); bệnh tiểu đường; dùng thuốc: như các loại thuốc albuterol, niacin thuốc lợi tiểu thuốc trị chứng tâm thần; do việc sử dụng đồ uống có cồn; rối loạn chức năng thần kinh thực vật; cơ bắp phải làm việc nhiều.

Khi bị chuột rút, việc đầu tiên cần làm là phải ngay lập tức ngừng hoạt động và kéo duỗi cơ 15 – 20 giây cho đến khi cơ giãn hoàn toàn (bạn thường quan sát thấy khi các cầu thủ bóng đá bị chuột rút trên sân, các bác sĩ làm động tác căng cơ ngược lại). Sau đó, không nên vận động lại ngay mà cần nghỉ ngơi khoảng một giờ để cơ bắp và hệ thần kinh trung ương đủ hồi phục.

Để khắc phục tình trạng chuột rút, bạn có thể lựa chọn các cách: massage vùng chân và cơ; áp dụng các bài tập kéo căng cơ đối với đôi chân; chườm đá lạnh lên vùng bị chuột rút; tắm nước nóng; uống một số thuốc bổ sung điện giải (viên panangin chứa cả magie và kali uống từ 2 – 4 viên/ngày kết hợp với viên calci).

Panangin

Panangin

Để phòng ngừa tình trạng chuột rút, bạn cần nhớ uống đủ lượng nước cơ thể cần mỗi ngày. Vào mùa hè, lượng nước cần uống nhiều hơn mùa đông. Những người cao tuổi cần đặc biệt chú ý uống đủ nước, không đợi khát mới uống vì cảm giác khát của người cao tuổi bị giảm đi. Nếu không tích cực uống nước thì cơ thể sẽ bị thiếu nước cũng dễ dẫn đến tình trạng chuột rút. Ngoài uống nước đầy đủ, tạo thói quen tập thể dục cho đôi chân trước khi đi ngủ; điều chỉnh hài hòa lượng kali thu nạp vào trong cơ thể qua thực phẩm; tập thể dục thường xuyên và khởi động kỹ trước khi tập luyện; hạn chế các chất kích thích (thuốc lá, cà phê…) cũng là những biện pháp hữu hiệu trong việc phòng ngừa tình trạng chuột rút.

Nếu đã tự tìm hiểu các nguyên nhân và áp dụng tất cả các biện pháp trên mà các triệu chứng chuột rút vẫn không giảm thì bạn nên đến khám bệnh và làm đầy đủ các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Từ các kết quả khám và xét nghiệm, bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên cụ thể và cần thiết để chấm dứt tình trạng này.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật