Thực hư chuyện tránh tà trong tháng "cô hồn" ít ai biết

Theo quan niệm dân gian, tháng “cô hồn” hay tháng “mở cửa mả” được coi là thời điểm dễ gặp xui xẻo nhất trong năm. Chính vì vậy, nhiều người đua nhau đi tìm các chiêu tránh tà, trừ tà...

Nước tẩy uế, trừ tà được rao bán trên mạng.

Nước tẩy uế, trừ tà được rao bán trên mạng.

Đủ chiêu trừ tà

Trái với quan niệm của nhiều người, vào “tháng cô hồn”, hoạt động buôn bán, kinh doanh thường ế ẩm thì trên các trang mạng, sản phẩm vòng dâu tằm, bột tẩy uế, nước trừ tà… được rao bán khá nhộn nhịp. Nhiều người tìm mua với mong muốn được khỏe mạnh, không bệnh tật, đặc biệt là tránh được tà ma.

Chị Nguyễn Thị Hường (ở Trung Văn, Hà Nội) cho biết: “Từ xưa mình thấy ông bà lấy cành dâu tằm làm vòng đeo tay cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để tránh tà ma, tránh giật mình tránh khóc dạ đề khóc đêm sài đẹn. Tháng 7 là “tháng cô hồn” nên có nhiều xui xẻo, ma quỷ “lộng hành” dễ bị “ám quẻ” nên mình nghĩ mua cho con một chiếc vòng dâu tằm để tránh tà”.

Dù hoài nghi về sự hiệu nghiệm của chiếc vòng dâu tằm nhưng chị Phạm Oanh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn hào hứng mua cho con qua một diễn đàn làm cha mẹ. Chị Oanh cho biết: “Dù chưa tin lắm nhưng đầu “tháng cô hồn” thấy mấy chị cùng cơ quan sốt sắng hỏi mua cho con, mình cũng mua theo phong trào. Giá bán cũng rẻ từ 30.000 - 100.000đồng, phụ thuộc vào kiểu dáng, mẫu mã và độ cầu kỳ. Dù sao có kiêng, có lành mà cũng chẳng có hại gì đến bé, nhất là trong tháng “cô hồn” thường dễ gặp xui xẻo này”.

Không chỉ vòng dâu tằm, các mặt hàng “bột tẩy uế”, “bột trừ tà”, “nước cầu bình an” cũng hút khách không kém. Chúng được quảng cáo xuất xứ từ Thái Lan, Hồng Kông với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/1 lọ. Khi chúng tôi liên hệ với một số địa chỉ bán bột tẩy uế, trừ tà được biết sản phẩm này chủ yếu nhập từ nước ngoài. Thành phần được lấy từ một số lá, rễ, cành, vỏ cây bồ đề xay nhuyễn trộn thêm các thành phần khác để tạo lên mùi thơm đặc trưng. Sản phẩm này được dùng khá phổ biến để tẩy uế căn nhà mới xây, nhà mới mua hoặc dịp “tháng cô hồn” mong được tránh tà ma.

Người bán hàng cũng nhiệt tình hướng dẫn cách sử dụng. Theo đó, khi dùng thì gia chủ chỉ cần đổ bột vào một cái đĩa sứ, đốt cháy bột từ từ và khi bột cháy tỏa khói thì mang đi xông mọi ngóc ngách trong nhà. Khi hoàn tất việc xông khắp nhà, gia chủ sẽ đặt đĩa tại phòng khách rồi mọi người trong nhà bước qua (nam 7 lần, nữ 9 lần). Để đĩa bột giữa phòng cho đến khi bột cháy tàn, đem đổ ra ngoài ngã ba đường để tránh tà ma. Khi đốt bột tẩy uế, trừ tà cần đọc câu “thần chú”: Tống khứ hung khí, uế khí, tà khí yêu khí, cởi dị phong long, tiêu sản, ma mới, ma cũ, người quá khứ, khô cốt cấp cấp tẩu tán...

Ngoài ra, nhiều chị em còn “rỉ tai” nhau đủ cách phòng trừ ma quỷ theo dân gian như treo một củ tỏi hay cành dâu trước cửa nhà để tránh gió, đuổi tà ma, quỷ dữ vào nhà. Giới kinh doanh thì cúng một chùm tỏi trên bàn thờ để xua đi những vận hạn, rủi ro, giúp “kéo” khách…

Trừ tà chỉ là tín ngưỡng dân gian

Trao đổi với PV về những sản phẩm “tránh tà” trên, nhà phong thủy Nguyễn Cung Hà (Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) cho biết, trên thực tế thì trong từng tôn giáo và nghi lễ tín ngưỡng khác nhau, người ta cũng có những lễ nghi trừ tà khác nhau. Để thực hiện trừ tà, đầu tiên phải xác định là có tà hay không? Và tà đấy có nên trừ hay không? Một vật trừ tà có tác dụng phải qua tay một người am hiểu về nó và phải là những thầy pháp, cao tăng đắc đạo có những bí quyết sử dụng thì mới có thể thực hành các nghi lễ đó. Bởi vậy, không phải ai cũng có thể sử dụng những loại bột, nước, vòng dâu tằm đó mà xua tan ám khí, trừ tà.

Thực chất đây chỉ là một hình thức quảng cáo làm thương mại. Việc dùng theo phong trào không có tác dụng, đôi khi lại “lợi bất cập hại” như bột tẩy uế, tẩy trùng khi dùng không biết vệ sinh lại gây hại sức khỏe

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Cung Hà cho rằng, trong dân gian có một số vật liệu, hương liệu, linh vật ở một số quốc gia sử dụng vào mục đích cụ thể liên quan đến trừ tà. Ví dụ, liên quan đến “vía”, sợ “vía độc” họ hay chặt cành xương rồng treo ở trước cửa ra vào để người nào vía độc vào sẽ không làm trẻ khóc.

Hay ở Thái Lan, Campuchia có linh vật đeo người trừ tà, mang lại phúc lộc hoặc một số rễ cây hương liệu khi đốt cháy hoặc đun sôi, dùng để lau chùi có mùi hương thơm… được cho là có khả năng xông độc, xua tan ám khí như trầm hương rượu gừng… Tuy nhiên, chưa có ai kiểm chứng được tác dụng của nó.

“Ngay cả việc người dân truyền nhau dùng tỏi để trên bàn thờ để xua đi những vận hạn rủi ro cũng không có tác dụng. Củ tỏi có tính sát trùng nhưng để tỏi trên bàn thờ còn làm uế tạp tổ tiên. Hơn nữa, nghi lễ trừ tà là một nghi lễ rất phức tạp. Phải là một pháp sư cao tăng lập một đàn tràng với những lễ vật rất phức tạp. Nghi lễ này có thể thực hiện trong một ngày nhưng có khi vài ngày mới xong. Không phải gia chủ cứ mua về đốt rồi đọc thần chú là có thể xua uế khí, trừ tà ma. Nó phụ thuộc vào từng tôn giáo, tín ngưỡng và phải có những nghi thức nhất định tùy vào từng nghi lễ cụ thể”, chuyên gia phong thủy Cung Hà nhấn mạnh.

Theo GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam), trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có những quan niệm và nghi lễ trừ tà ma được thực hiện bởi các thầy phong thủy, thầy pháp có pháp thuật trừ tà. Đây là tín ngưỡng con người duy trì từ xưa đến nay, giải quyết vấn đề tâm lý cho nhiều người. Các sản phẩm như vòng dâu tằm, các loại bột nước được trì chú để trừ tà ma thì không tồn tại trong tín ngưỡng của người Việt Nam. Mọi người không nên sa đà vào mê tín.

Bỏ hàng chục triệu mua đồ trừ tà

Giới doanh nhân rất thích loại vòng gỗ sưa, được coi là vòng tay may mắn, giúp gia chủ phát lộc, làm ăn thuận lợi, may mắn, bình an… Loại vòng này đã trở thành món quà tặng độc đáo cầu may, thể hiện tình cảm quý, lời chúc tốt lành. Món quà này đặc biệt được săn tìm trong “tháng cô hồn”, dù giá của một chiếc vòng lên tới hàng chục triệu đồng.

Theo đồn đại dân gian, vòng gỗ sưa có thể trừ tà khí, ma quỉ, có thể dùng làm bàn thờ, đồ thờ để gia chủ phát lộc, trừ sạch tà khí. Mạt gỗ sưa đỏ người Trung quốc xưa dùng để ướp xác không bị phân hủy. Các thầy cúng dùng gỗ sưa đỏ để làm phương tiện trừ tà (kiếm, đồ trấn yểm…) trừ tà, mạt gỗ sưa cho vào cốt bát hương, lõi tượng phật, tràng hạt… để trấn yểm… Có lẽ vì những lời đồn này mà nhiều người dịp Rằm tháng 7 hối hả mua vòng gỗ sưa về để… trừ tà.

Sống thánh thiện, vị tha thì không phải lo sợ điều gì cả

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Thơ (Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Dự án Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) thì niềm tin tâm linh có ở tất cả các dân tộc trên hành tinh này. Nó đậm hay nhạt là tùy thuộc vào tính chất tâm lý, lối nhận thức của từng dân tộc, song chung quy nó xuất phát từ những khát vọng, ước vọng tưởng chừng như khó khăn lắm mới đạt được. Niềm tin này cũng xuất phát từ sự bất lực của con người, trước những khắc nghiệt của tự nhiên và xã hội, hay từ sự bí ẩn của cái chết và thế giới sau cái chết. Như vậy, niềm tin tâm linh gắn liền với sự hiểu biết về thế giới còn hạn chế và sự thiếu tự tin vào năng lực của bản thân mình.

Dân gian coi tháng 7 là tháng “cô hồn”, tức là tháng của những “vong hồn cô đơn”, là dịp để cúng thí, “chăm lo” cho những linh hồn chưa có nơi thờ cúng. Trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam và Đông Á, ngày Rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân. Người xưa tin vào ngày này, mọi tù nhân ở địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Còn trong văn hóa Phật giáo, ngày Rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan, dịp để con cháu báo hiếu cha mẹ, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn.

Ông Nguyễn Ngọc Thơ cho rằng, mỗi người tiến bộ cần đủ tự tin để làm chủ vận mệnh của mình, của gia đình mà không cần phải lo sợ về những điều mơ hồ, thiếu cơ sở khoa học như quan niệm sợ “cô hồn” quấy phá hay làm tổn hại đến mình.

Hãy nhớ rằng, Rằm tháng 7 là ngày xá tội vong nhân, là dịp để thể hiện và giáo dục lòng nhân từ, vị tha. Hãy sống thánh thiện, đức độ, nhân từ và vị tha, chúng ta sẽ sống an lành, hạnh phúc, sẽ chẳng phải lo sợ điều gì cả.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật