Những lưu ý cần thiết khi bị cận thị bạn chớ nên bỏ qua

Cận thị là hiện tượng rối loạn thị giác, khi đó người bệnh chỉ có khả năng phân biệt các chi tiết nhỏ của các vật và hình ảnh nằm trong cự ly gần.

Cận thị chiếm một vị trí đáng kể trong nhóm tật về thị giác đặc biệt ở học sinh và người lao động trẻ. Cận thị làm giảm sức nhìn, gây cản trở, khó khăn trong công việc hàng ngày. Vật càng nằm ở xa bao nhiêu thì mắt người bệnh nhìn thấy vật đó càng kém bấy nhiêu.

Các em học sinh từ 7-16 tuổi rất dễ mắc chứng cận thị, mà độ cận thị tiến triển nhanh do mức độ làm việc nhìn gần bằng mắt nhiều. Đây là một điều nguy hiểm vì cận thị xuất hiện càng sớm thì mức độ tăng số kính càng nhanh.

Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân gây cận thị nhưng có thể kể đến một số lí do sau:

- Đọc sách hoặc làm việc phải dùng mắt nhìn chăm chú thời gian dài ở khoảng cách gần, trong điều kiện ánh sáng kém.

- Di truyền: Do một số đặc điểm cấu trúc nhãn cầu hoặc khác biệt về trao đổi chất trong cơ thể.

- Củng mạc yếu: Do cấu trúc đặc biệt của các sợi mô liên kết của người bệnh nên không giữ được thành nhãn cầu ổn định.

- Cơ thể mi kém phát triển, không đủ khả năng điều tiết để làm cho đôi mắt thích ứng với các cự ly nhìn khác nhau. Cơ thể mi yếu phải gắng sức thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ bị cận thị.

Điều trị: Đeo kính là cách thông dụng, rẻ tiền, dễ áp dụng. Tùy theo mức độ cận thị, cần đeo kính thường xuyên hay chỉ cần đeo kính khi nhìn xa. Nếu cận thị được chỉnh kính đúng thì tiến triển cận thị sẽ chậm lại, không bị tăng độ. Tuy nhiên khi đeo kính, góc nhìn bị thu hẹp, hình ảnh bị thu nhỏ và gây vướng víu.

Chế độ vệ sinh thị giác: Cần bố trí hợp lý giữa thời gian học, xem sách báo, với thời gian hoạt động ngoài trời. Cần tập thói quen nhìn xa, tập nhìn xa 15-30 phút/ngày. Giờ ra chơi nên chơi ở nơi thoáng rộng. Học 40-45 phút nên cho mắt nghỉ ngơi 5-10 phút. Thường xuyên mát-xa quanh mắt để thư giãn điều tiết cho mắt.

Dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất, đặc biệt là rau củ, quả có màu xanh thẫm hoặc màu đỏ. Ăn đủ thịt, cá trứng sữa Có thể uống các loại thuốc bổ về mắt hoặc thực phẩm chức năng để chống thoái hóa cho các thành phần của mắt.

Để xác định chính xác, các bạn nên đi khám chuyên khoa mắt, bác sĩ sẽ khám, tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nếu phải đeo kính thì nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ nhãn khoa.

Ngoài ra, khi ngồi học nên điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng, khoảng cách từ mắt đến quyển sách là 30-50cm, bật đèn để đủ ánh sáng trong phòng học và nên dùng thêm đèn bàn. Sau 45-60 phút học nên thư giãn bằng cách đi uống nước tiểu tiện, hoặc đơn giản là chỉ ngồi tại chỗ và nhắm mắt lại.

Khi dùng máy tính nên ngồi sao cho mắt cách màn hình ít nhất 50cm. Nếu xem tivi thì sau 30-40 phút nên cho mắt nghỉ ngơi, tránh để mắt phải làm việc liên tục trong thời gian dài.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật