Quyết liệt tìm giải pháp giảm ca mắc, giảm tử vong

Tại Đà Nẵng, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Tham dự hội thảo có các chuyên gia đầu ngành về da liễu, các bệnh viện da liễu, BV TW Huế và Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nhiều biện pháp điều trị, hội chẩn, ngăn ngừa người mắc mới đã được đưa ra bàn thảo.

hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân

Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân

Bệnh tiến triển chậm nhưng diễn tiến xấu bất ngờ

BS. Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc BV TW Da liễu Quy Hòa, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2011 đến nay, BV đã điều trị cho hơn 100 bệnh nhân, tất cả đều khỏi bệnh, nhưng khi trở về nhà nhiều bệnh nhân lại tái phát. Đặc điểm của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân là điều trị rất dai dẳng, tiến triển chậm nhưng khi có diễn biến xấu thì lại rất bất ngờ nên bác sĩ điều trị phải theo dõi bệnh nhân chặt chẽ.

 
Các nhà khoa học đều thống nhất hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi do nhiễm độc gây ra nhưng chưa phát hiện được nguyên nhân nhiễm độc và tên loại độc tố. Theo báo cáo tại hội thảo, lũy kế số ca mắc bệnh ở huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi tính từ ca mắc bệnh đầu tiên vào ngày 19/4/2011 - 5/6/2012 là 215 ca, trong đó đã ghi nhận chính thức 12 ca tử vong và 44 ca tái phát. Thời điểm tăng cao nhất là tháng 5/2011 với tổng số 35 ca.
 
Bệnh này đang xuất hiện tại 5 xã của huyện Ba Tơ là Ba Điền, Ba Ngạc, Ba Xa, Ba Tô, Ba Vinh. Trong đó tập trung chủ yếu tại làng Rêu của xã Ba Điền (chiếm tỷ lệ 55,67%). Tỷ lệ nhóm tuổi mắc bệnh cao nhất từ 25 - 45 tuổi, chiếm hơn một nửa, trong đó 100% bệnh nhân mắc bệnh là người dân tộc H’Re. BS. Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hai ngày qua, trung tâm đã tiếp nhận 13 trường hợp nghi có biểu hiện của hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Không ăn gạo mốc và uống rượu

Nhiều chuyên gia và các nhà khoa học đều thống nhất loại bỏ nhiều yếu tố là nguyên nhân dẫn đến bệnh như dị ứng do viêm da cơ địa nhiễm trùng do tiếp xúc với nấm vi khuẩn virut viêm da do dị ứng thuốc nhiễm độc kim loại nặng. Bộ Y tế cũng đã thực hiện biện pháp kiểm tra dịch tễ lâm sàng, dịch tễ cộng đồng và đã loại bỏ tất cả các yếu tố này. Tại hội thảo, PGS.TS. Trần Hậu Khang, Giám đốc bệnh viện Da liễu TW đưa ra gợi ý về nguyên nhân gây bệnh có thể do dioxin Vì chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh nên ngành y tế khuyến cáo tiếp tục cải tạo môi trường, khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm để có hướng điều trị kịp thời cho người dân; đồng thời cấp phát thuốc điều trị vitamin và các vi chất theo phác đồ của Bộ Y tế.

Các nhà khoa học đưa ra kiến nghị đối với trường hợp nghi mắc bệnh (do tăng men gan) nên uống vitamin và khoáng chất, các loại thuốc bổ gan… đặc biệt không được ăn gạo mốc và uống rượu (hai thói quen của người dân tộc tại huyện Ba Tơ). BS. Đặng Thị Phượng cho biết, hiện nay các thầy thuốc của Trung tâm y tế huyện Ba Tơ đang tập trung vào công tác điều trị bệnh nhân để giảm thiểu tử vong trường hợp bệnh chuyển biến nặng sẽ chuyển lên tuyến trên để được can thiệp kịp thời.

Tại hội thảo, Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng đã công bố Dự thảo Kế hoạch can thiệp giảm tử vong do hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân tại huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi để lấy ý kiến các chuyên gia đầu ngành trước khi ban hành chính thức. Bộ Y tế sẽ giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho y bác sĩ tham gia điều trị cũng như trang thiết bị y tế tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi và Trung tâm y tế huyện Ba Tơ. Đồng thời hỗ trợ chuyển tuyến điều trị các trường hợp nặng, hướng đến triển khai điều trị tại chỗ với sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật