Tìm hiểu một số phương pháp điều trị bệnh teo thần kinh thị

Bệnh teo thần kinh thị là do sợi thần kinh thị giác (TKTG) ở người bệnh vì nguyên nhân nào đó mà phát sinh biến chứng làm ảnh hưởng đến công năng truyền dẫn các xung động của nó về trung ương thần kinh, làm cho người bệnh có thị lực giảm đi rõ rệt hoặc mất hẳn.

Nguyên nhân của bệnh rất phức tạp, theo Đông y thì không ngoài 3 loại: hư chứng, thực chứng và hư thực giáp tạp. Hư chứng thường do can thận lương khuy; thực chứng thường do can khí uất kết, khi cơ không thông, khí huyết ứ trệ; hư thực giáp tạp thì thấy cả 2 chứng trên cùng phát tác.

Y học hiện đại cho rằng, nguyên nhân teo thần kinh thị thường do tổn thương thần kinh chi phối vùng mặt như giao thoa thị và bó thị cũng có thể do nhiễm độc một số chất có độc tố cao như chì, thạch tín... Hoặc do viêm gai thị viêm màng mạch, lạc võng mạc do di truyền...

Đông y phân thành các thể sau:

Can thận khuy hư: Vùng mắt khô rít, nhìn vật mờ tối, sức nhìn giảm dần, có thể kèm theo mù màu, thậm chí mù hẳn. Kèm theo đau đầu ù tai mồ hôi trộm, lưỡi hồng ít rêu, mạch nhanh nhỏ.

Khí trệ huyết ứ: Nhìn vật mờ tối, thậm chí mất sáng tinh thần uất ức, ngực sườn đau dạ buồn ăn ít, lưỡi hồng rêu lưỡi trắng mạch căng như dây đàn.

Tam doanh khuy tổn: Người bệnh mí mắt màu trắng, mắt mờ dần, thậm chí mù hẳn. Chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mạch nhỏ, yếu, không có sức.

Phương pháp trị liệu: Nguyên tắc của Đông y là sơ can lý khí dưỡng huyết thông lạc.

Sau đây xin giới thiệu thủ pháp xoa ấn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh.

Người bệnh nằm ngửa, lấy ngư tế nhỏ của bàn tay trái làm động tác cuộn day ở trước trán, trên cung lông mày và quanh hai huyệt thái dương chừng 2 phút, phép này cũng có thể tiến hành cùng lúc cả 2 tay; dùng cạnh quay của bụng ngón tay cái, cạnh trụ bụng ngón tay giữa ấn huyệt toản trúc, ngư yêu cùng phía của người bệnh, đồng thời day 4 huyệt đối nhau chừng 1 phút. Dùng ngón trỏ, ngón cái thực hiện véo, kéo theo thứ tự của huyệt toản trúc - ngư yêu - ty trúc không ở phía trên hốc mắt, làm 8 lần. Sau đó cũng dùng ngón cái và ngón trỏ thực hiện động tác chùi, miết trên hốc mắt 8 lần. Hai phép kể trên có thể tiến hành xen kẽ.

Hoặc dùng đầu ngón tay ấn điểm huyệt cầu hậu chừng 1 phút. Sau đó dùng ngón giữa hai bàn tay day ấn huyệt ế minh, phong trì mỗi huyệt 1 phút. Lực day ấn ở các huyệt kể trên lấy cảm giác buốt căng ở người bệnh làm chuẩn.

Giải thích thủ thuật

Phép chùi (xoa miết): Dùng bụng ngón tay cái hoặc ngón tay nào đó đặt ở nơi vùng thực hiện chữa bệnh, dùng sức của bụng ngón tay di động sang trái, sang phải hoặc đi lại gọi là phép chùi.

Phép day: Lấy ngón tay hoặc gốc bàn tay đặt cố định ở nơi thực hịên chữa bệnh, tiến hành phương pháp day động về phía trước, về sau hoặc theo vòng tròn từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong gọi là phép day.

Xoa: Dùng bàn tay xoa đi xoa lại nhẹ nhàng trên bề mặt cơ thể.

Vị trí huyệt cần tác động

Toản trúc: Giữa chỗ lõm đầu lông mày.

Ngư yêu: Chính giữa lông mày.

Ty trúc không: Giữa hố lõm chỗ đuôi lông mày.

Cầu hậu: Chỗ giao giới 1/4 ngoài và 3/4 trong bờ dưới hốc mắt, khe bờ hốc mắt và cầu mắt.

Thái dương: Giữa đuôi lông mày và khóe mắt ngoài lùi về phía sau chừng 1 thốn, giữa chỗ lõm.

Ế minh: Ở phía trước và dưới mỏm chũm, ngay mé dưới dái tai, chỗ phía sau hố lõm 1 thốn.

Phong trì: Ở chỗ lõm giữa cơ ức - đòn - chũm và phần trên cơ thang. Nói cách khác, ở giữa chỗ lõm thẳng phía dưới ụ chẩm và xương chũm.

Chú ý: Ấn - xoa đối với các bệnh ở vùng mắt không chỉ là một phương pháp trị liệu hiệu quả, mà nó còn là một trong các phương pháp dự phòng tốt đối với các bệnh nhãn khoa. Ưu điểm là không đau không để lại dấu vết, không có tác dụng phụ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật