Viêm khớp dạng thấp - điều trị càng sớm, khả năng khỏi bệnh càng cao

0,55% dân số Việt nam mắc phải, 70% số bệnh nhân được phát hiện có tổn thương khớp trên  X-quang trong 3 năm đầu tiên, viêm khớp dạng thấp (VKDT) là một trong những bệnh khớp viêm thường gặp và nếu không được phát hiện và điều trị, có thể dẫn đến tàn phế, đồng thời, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, loãng xương hoặc các bệnh lý ác tính khác.

Việc đưa ra chẩn đoán cũng như phương pháp điều trị hợp lý và đúng cách có thể cải thiện tình trạng bệnh cũng như nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Tại hội thảo “Ứng dụng những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị viêm khớp dạng thấp” do tập đoàn dược phẩm Hoffman La Roche phối hợp với Hội Thấp Khớp Học Việt Nam và Hội Thấp Khớp TP.HCM vừa tổ chức, các chuyên gia đầu ngành Cơ Xương Khớp đã cập nhật tình hình bệnh cũng như những phương pháp tối ưu trong việc điều trị.

Theo đó, VKDT là bệnh tự miễn và tiến triển không ngừng. Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau nhất thời không thể ngăn cản quá trình tiến triển của bệnh.

Theo BS. Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, “VKDT là bệnh tự miễn phổ biến nhất trong các bệnh viêm khớp tự miễn mạn tính. VKDT dẫn đến tổn thương biến dạng khớp, nặng nề hơn có thể dẫn đến tàn phế, suy giảm chất lượng cuộc sống

Việc chỉ định ngoại khoa tái tạo khớp trong VKDT là cần thiết khi bệnh nhân có: mặt khớp hư biểu hiện bằng hẹp khe khớp; biến dạng khớp; mất chức năng khớp”. Cũng theo BS. Nam Anh, VKDT cần được điều trị sớm trước khi hư hại hoàn toàn sụn khớp và sự phối hợp nội ngoại khoa sẽ giúp việc điều trị VKDT đạt được kết quả tốt nhất.

 “Cửa sổ cơ hội” cho bệnh nhân VKDT

Dựa trên những bằng chứng và kết quả nghiên cứu lâm sàng, các chuyên gia đã chứng minh lợi ích của việc điều trị sớm VKDT và vai trò của các thuốc sinh học tác động đến các mắt xích quan trọng trong cơ chế bệnh sinh phức tạp (điều trị trúng đích) đối với bệnh nhân VKDT.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan - Trưởng khoa Cơ Xương Khớp BV. Bạch Mai, và PSG.TS.BS. Lê Anh Thư - Nguyên trưởng Khoa Cơ Xương Khớp BV. Chợ Rẫy, điều trị sinh học là biện pháp “cách mạng” trong điều trị VKDT thông qua những kết quả khảo sát và nghiên cứu cụ thể về hiệu quả và khả năng đáp ứng của thuốc trên bệnh nhân VKDT. Đồng thời, dữ liệu thuyết phục từ các nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả và độ an toàn của các thuốc sinh học.

Các dữ liệu này chứng minh rằng, điều trị sinh học là an toàn và mang lại hiệu quả lui bệnh tốt hơn nhóm cổ điển trước đây. Hơn nữa, thời điểm tốt nhất để điều trị VKDT (còn gọi là “cửa sổ cơ hội”) chính là thời gian khoảng 4 tháng (12 tuần) khi bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của VKDT.

Một số thuốc sinh học đang được phép sử dụng tại Việt Nam được các chuyên gia đưa ra gồm có: rituximab (MabThera®); tocilizumab (Actemra®); etanercept (Enbrel®); infliximab (Remicade®). Trong đó, tocilizumab được chứng minh là có nhiều hứa hẹn nhất trong việc điều trị VKDT dù ra đời muộn hơn thông qua hiệu quả của nó trong việc cải thiện các triệu chứng và biểu hiện của VKDT; giảm đáng kể tiến triển trên X-quang; cải thiện chức năng vận động và ngăn ngừa tàn phế dù dùng đơn trị hay phối hợp với methotrexate (MTX).

Tocilizumab là thuốc sinh học đầu tiên ức chế thụ thể Interleukin-6 (IL-6R), giảm tác động của IL-6 giúp ngăn tiến triển xấu của VKDT cả tại khớp và toàn thân (bao gồm cả thiếu máu và mệt mỏi). Tocilizumab là đơn trị liệu duy nhất vượt trội hơn MTX, có hiệu quả điều trị nhanh và tăng theo thời gian được chứng minh qua các thử nghiệm lâm sàng. Tocilizumab cũng đã được FDA Mỹ (1/2010) và châu Âu (1/2009) chấp thuận.

Các chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam trong lĩnh vực Cơ Xương Khớp cũng khẳng định việc ứng dụng những phương pháp điều trị mới và những tiến bộ trong chẩn đoán điều trị VKDT có ý nghĩa quan trọng giúp hỗ trợ các bác sĩ trong quản lý tốt hơn bệnh VKDT cũng như mở ra cơ hội cho bệnh nhân VKDT tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật