Thói quen thường ngày khiến bạn hỏng tai lúc nào không hay

Nhiều người cho rằng ráy tai là nguyên nhân gây ngứa, làm bẩn tai, nên phải thường xuyên ngoáy tai và dùng mọi biện pháp để móc, lấy ráy tai.

Các hình thức lấy ráy tai phổ biến là tự sử dụng tăm bông, các vật cứng hoặc dùng chung các dụng cụ lấy ráy tại các tiệm cắt tóc Thói quen này thực tế đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí để lại nhiều hệ lụy lâu dài cho sức khỏe thính giác.

Dùng tăm bông, các vật cứng, nhọn để ngoáy tai

Ngoáy tai là thói quen thường gặp ở rất nhiều người, thậm chí có người còn thực hiện hàng ngày sau mỗi khi tắm hay gội đầu hoặc bất kỳ lúc nào tai thấy ngứa với lý do là để cho tai sạch. Họ thường dùng tăm bông hoặc các vật dụng cứng, nhỏ để ngoáy tai. Tuy nhiên, ngoáy tai nhiều gây rách, trầy xước lớp da bảo vệ thành ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào tổ chức liên kết nằm bên dưới lớp da gây viêm ống tai, đặc biệt là khi người bệnh tắm gội ở những ao, hồ bể bơi có nước bẩn.

Tất cả mọi người đều phải rất thận trọng với tăm nhọn, vật dụng nhọn khi dùng để lấy ráy tai cứng. Tai nạn dùng tăm bông, vật dụng ngoáy tai quá sâu, gây thủng màng nhĩ không phải là hiếm. Mặt khác, lấy ráy tai không đúng cách có thể khiến ráy tai bị đẩy vào sâu bên trong ống tai, áp sát vào màng nhĩ gây ù tai đau tai và giảm thính lực.

Sử dụng máy hút ráy tai, dung dịch bơm xịt vệ sinh tai không đảm bảo

Trên thực tế, để tránh các vật dụng cứng nhọn, nhiều người lựa chọn sử dụng máy hút ráy tai, kết hợp thêm dung dịch vệ sinh tai nếu ráy tai bị khô. Tuy nhiên, bất kỳ sự can thiệp nào cũng có thể gây ảnh hưởng xấu tới quá trình tự làm sạch của ống tai ngoài và gây ra bệnh lý cho tai. Chưa kể làm vệ sinh tai sạch sẽ quá cũng không tốt vì có thể khiến những tế bào lông bị tổn thương.

Hơn nữa, nếu dùng dung dịch bơm xịt vệ sinh tai mà người sử dụng đang bị thủng màng nhĩ sẽ vô tình đẩy vi khuẩn từ ngoài ống tai xâm nhập vào trong tai giữa dễ dàng, rồi từ đó theo đường thông đi lên não gây nhiễm trùng não rất nguy hiểm.

Dịch vụ ngoáy tai chung ở tiệm cắt tóc, gội đầu

Tuy thói quen lấy ráy tai khi cắt tóc bằng bộ dụng cụ kim loại khiến nhiều người thích thú, nhưng có thể khiến tai mắc các bệnh lý nguy hiểm. Nguyên nhân là do người lấy ráy tai không có chuyên môn, không nắm được cấu trúc tai nên việc sử dụng các dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại sẽ dễ gây ra những tổn thương cho các bộ phận của tai.

Trường hợp nhẹ thì làm trầy ống tai gây chảy máu dẫn đến nhiễm trùng và gây ra các bệnh như viêm tai ngoài viêm tai giữa nguy hiểm hơn có thể gây thủng màng nhĩ làm giảm thính lực nặng dần sẽ thành điếc. Mặt khác, dụng cụ lấy ráy tai tại các tiệm cắt tóc thường không vô trùng, vì vậy rất dễ truyền bệnh từ người này sang người khác mà phổ biến nhất là bệnh về nấm

Vệ sinh tai như thế nào cho đúng?

Tai có cơ chế tự làm sạch, do vậy, bình thường chúng ta không nên ngoáy tai hàng ngày vì sẽ làm mất đi yếu tố bảo vệ tự nhiên giúp tai tránh khỏi bụi bặm và vi khuẩn. Trong điều kiện tai bình thường, chúng ta chỉ nên ngoáy tai nhẹ nhàng từ 2-3 lần/tháng.

Khi tắm, hãy dành vài phút kỳ cọ nhẹ ngoài vành và ống tai. Sử dụng tăm bông sạch thấm nước muối loãng ấm, cọ nhẹ phần ráy tai bám bên ngoài, không cọ sâu bên trong. Cuối cùng, dùng khăn mềm sạch lau khô để tránh các bệnh nhiễm khuẩn hoặc nấm tai.

Khi bị ngứa tai, không nên vội ngoáy tai mà chỉ nên xoa bóp nhẹ vành tai, day day vào nắp tai. Nếu không thấy bớt ngứa có thể dùng thuốc nhỏ tai hoặc nước muối sinh lý nhỏ vào ống tai, đợi 5-10 phút sau, nghiêng đầu sang bên tai nhỏ thuốc day nhẹ vào nắp tai cho thuốc còn dư chảy ra, dùng tăm bông khô, sạch thấm nhẹ cho khô tai. Nếu sau 1 tuần không ngoáy tai mà vẫn thấy ngứa thì nên đến bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng để khám.

Riêng với những người có ráy tai khô cứng, tuyệt đối không lấy dụng cụ có đầu nhọn để lấy ráy tai mà có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý để làm mềm ráy tai, sau đó mới lấy ra. Nhưng nếu ráy tai quá sâu không được cố lấy mà nên đến bác sĩ chuyên khoa để được xử lý thích hợp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật