Clopromazin: Cần biết rõ tính năng, dùng đúng thuốc

Clopromazin là thuốc chữa tâm thần phân liệt, được cấp miễn phí trong “chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần”. Nếu không biết rõ hiệu lực chữa bệnh chắc chắn của nó thì cho là loại thuốc cổ, không muốn dùng. Nếu không biết rõ tác dụng không mong muốn thì cho là độc, bỏ dở liệu trình điều trị. Hai điều đó đều không lợi.

Clopromazin có hiệu quả chắc chắn, giá thấp

Khi mới phát minh (năm 1952), clopromazin (biệt dược: aminazin) được đánh giá là đã tạo ra bước ngoặt trong việc tìm thuốc chữa bệnh tâm thần - thần kinh; được dùng rộng rãi để chữa bệnh tâm thần phân liệt (TTPL), chống co giật chống nôn, an thần giảm đau chống dị ứng Nay có nhiều thuốc mới có các công dụng này tốt hơn, nên phạm vi dùng của clopromazin thu hẹp lại song trong tâm thần phân liệt chopromazin vẫn còn là thuốc điều trị chủ yếu.

TTPL là bệnh xã hội với tỉ lệ mắc ở nước ta khoảng 0,7% dân số, có xu hướng tăng ( ở các nước khác tỉ lệ này khoảng 1 - 1,5% dân số).

Theo triệu chứng chính, chia TTPL thành hai ra 2 thể lớn: thể dương tính với triệu chứng chủ yếu là: ảo giác, ảo thanh, hoang tưởng, rối loạn ý nghĩ, rối loạn tổ chức, kích động, hung bạo. Thể âm tính với triệu chứng chủ yếu: tư duy cùn mòn, nghèo nàn, khô cứng, mất khả năng nói, mất hứng thú, suy sụp ý chí, vô cảm. Clopromazin có hiệu quả chắc chắn trên thể dương tính, được xếp vào nhóm cố điển (còn gọi là nhóm điển hình).

Clopromazin là thuốc chữa tâm thần phân liệt

Clopromazin là thuốc chữa tâm thần phân liệt

Ngày nay, còn có các thuốc mới (gồm: Resperidon, Olanzapin, Clozapin, Quitiapin, Ziprasidon) có tác dụng chủ yếu trên thể âm tính và cả trên thể dương tính, được xếp nhóm thế hệ mới (hay còn gọi là nhóm không điển hình).

Thuốc nhóm thế hệ mới được chọn dùng trong 3 trường hợp: bệnh thuộc loại âm tính dùng loại thuốc cổ điển không có hiệu quả; kém dung nạp và không đáp ứng được với loại thuốc cổ điển; khi dùng loại thuốc cổ điển bị triệu chứng ngoại tháp không chịu được. Trong thực tế, chỉ có khoảng 20 - 30% số người bệnh TTPL rơi vào 3 trường hợp trên. Phần lớn (khoảng 70 - 80%) người bệnh TTPL thuộc vào thể dương tính, đáp ứng tốt với thuốc nhóm cổ điển. Chữa bệnh TTPL phải dùng thuốc kéo dài (điều trị và củng cố). Giá thuốc nhóm thế hệ mới khá cao, người có thu nhập thấp khó có thể đủ tiền theo đủ liệu trình. Trong khi đó, thuốc nhóm cổ điển có giá thấp hơn nhiều lần. Đứng trên quan điểm phục vụ số đông trong cộng đồng, trên quan điểm kinh tế chọn thuốc nhóm cổ điển như clopromazin để cấp miễn phí cho người bệnh là phù hợp.

Clopromazin có tác dụng không mong muốn nhưng không đáng sợ

Gây hạ huyết áp: lúc điều trị nhất là dùng liều cao tấn công trong giai đoạn cấp, clopromaxin gây hạ huyết áp mạnh làm cho người bệnh thấy mệt.

Gây hội chứng ngoại tháp, rối loạn vận động muộn: biểu hiện là có sự rối loạn vận động và phối hợp vận động dẫn đến mất thăng bằng, đi lại khó khăn, dễ bị té ngã, dễ va chạm vào các phương tiện giao thông khác, sờ vào vật gì cũng lóng ngóng, nói không lưu loát, rời rạc, từng tiếng một.

Gây thèm ăn: ăn nhiều, béo ra, béo đến nứt da.

Gây mất tập trung buồn ngủ: ngủ lơ mơ, chập chớn, không ngủ sâu như giấc ngủ sinh lý

Tất cả các tác dụng không mong muốn nói trên sẽ giảm, mất hẳn khi giảm liều, khi ngừng thuốc; không để lại di chứng gì về thần kinh nên không đáng sợ.

Liều gây tác dụng không mong muốn tương đương với liều điều trị đặc biệt trong giai trong giai đoạn cấp, ở nội trú với liều dùng khá cao (khoảng 10 - 20 viên /ngày, viên có hàm lượng 0,025mg).

Để giảm thiểu ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn cần: cho người bệnh dùng thuốc ngay tại giường bệnh khi dùng liều cao hay khi tiêm, sau khi dùng phải nằm nghỉ, khoảng 3 - 4 giờ mới có thể đứng đậy (tránh ảnh hưởng xấu của hạ huyết áp). Sau khi dùng thuốc giữ không cho người bệnh ra đường; nếu người bệnh cần đi lại chút ít trong nội viện thì điều dưỡng cần theo sát nâng đỡ (nhằm tránh tai nạn và tai biến do hội chứng ngoại tháp). Người nhà, nhân viên bệnh viện cần thông cảm với người bệnh trong lúc giao tiếp, kiên nhẫn lắng nghe, hiểu họ. Tư vấn cho họ trước khi dùng thuốc để khi xảy ra các tác dụng không mong muốn, họ không hoang mang, yên tâm điều trị.

Người có thai cho con bú: trong 3 tháng cuối thai kỳ dùng clopromazin sẽ làm cho trẻ sơ sinh bị hội chứng ngoại tháp, có thể hồi phục song cũng có thể rất nặng. Clopromazin tiết qua sữa gây hại cho trẻ. Người TTPL trong độ tuổi sinh đẻ nên điều trị cho bệnh ổn định rồi mới có thai. Trong thời gian dùng thuốc cần có các biện pháp hữu hiệu nhằm tránh có thai ngoài ý muốn.

Không nên dùng clopromazin khi: cơn hen cấp; phì đại lành tính tuyến tiền liệt; glaucoma góc hẹp; tắc cổ bàng quang; loét dạ dày chít tắc môn vị; đang dùng thuốc trầm cảm IMAO hay đã ngừng dùng nhưng chưa đủ 14 ngày.

Các thuốc gây ức chế thần kinh trung ương (an thần gây ngủ) các thuốc kháng histamin thuốc phiện rượu sẽ làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương và hô hấp của clopromazin, rất nguy hiểm. Tránh dùng chung clopromazin với các thuốc này.

Thuốc trầm cảm 3 vòng, thuốc điều trị Parkinson khi dùng chung với clopromazin sẽ làm tăng tính kháng cholinergic chung gây độc. Không nên dùng chung.

Thuốc barbiturat làm tăng chuyển hóa giảm nồng độ máu nên làm giảm hiệu lực của clopromazin.

Dùng thuốc TTPL nói chung cũng như dùng clopromazin phải kéo dài. Nếu bỏ dở liệu trình, bệnh sẽ tái phát nặng hơn. Cơ thể quen với quá trình ức chế do các thuốc này tạo ra, nên khi bệnh đã giảm, cần giảm liều dần dần, khi bệnh đã ổn định thì cho dùng liều duy trì (chỉ khoảng 2 viên/ngày) để củng cố kết quả thu được.

Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được theo dõi liên tục, cần khám định kỳ, để thầy thuốc xem xét lại tình trạng bệnh, điều chỉnh thuốc liều lượng cho phù hợp.

Trong điều trị TTPL cần có sự hỗ trợ của gia đình cộng đồng: không được cho người bệnh là người điên, kỳ thị, mà phải gần gũi giúp đỡ họ. Thái độ thân tình, hành động hỗ trợ thiết thực sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Hiệu quả điều trị sẽ được tăng lên nhờ vào điều này.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật