Nguyên nhân của thói hung hãn và bạo lực ở người trẻ hung hãn

Dư luận gần đây rúng động vì nhiều vụ bạo lực học đường trong khi hầu hết những người xung quanh có xu hướng tập trung vào việc giúp đỡ nạn nhân, rất ít người quan tâm đến người có hành vi bạo lực - những người gặp phải những khó khăn nhất định về mặt tâm lý và cũng rất cần được giúp đỡ.

Vì sao mà những người trẻ ấy lại chọn cách hành xử hung hãn để rồi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho người khác lẫn bản thân, và đâu là cách xử trí đúng đắn cho những tình huống bạo lực như thế?

Nguyên nhân của thói hung hãn và bạo lực

Thói hung hãn hay bạo lực thường xuất hiện khi người ta không có đủ những kỹ năng cần thiết để quản lý những cảm xúc tiêu cực, nỗi sợ và sự lo lắng của bản thân. Họ thực hiện các hành vi bạo lực như một cách để giải phóng những cảm xúc đó mỗi khi cảm thấy không ổn trong lòng. Những hành vi này thường xuất hiện ở những người thường xuyên chịu đựng những sự đau đớn về thể xác, những đau khổ dai dẳng về mặt tinh thần hoặc những người đang trải qua một hoặc vài rối loạn nhất định về mặt thể chất (chẳng hạn như: cai bia rượu đau tim chấn thương đầu hoặc mắc bệnh Alzheimer). Hành vi hung hãn hoặc bạo lực cũng có thể là hệ quả của một số liệu pháp điều trị (chẳng hạn như sử dụng corticosteroids).

Một số chứng rối loạn thần kinh có thể gây ra sự thay đổi trong tính cách của người bệnh, khiến họ có hành vi bạo lực. Trong nhiều trường hợp, nguy cơ hung hãn và bạo lực thường tăng cao ở những người có triệu chứng tâm thần (nhạy cảm và dễ có phản ứng đối với các ảo giác hoặc ảo tưởng), những người bị sang chấn do bản thân từng bị bạo hành, và bệnh nhân của nhiều loại rối loạn tâm lý khác. Người có hành vi bạo lực có thể là nam hoặc nữ. Riêng trong lĩnh vực hình sự, một nghiên cứu của Viện Tội Phạm Học Australia cho thấy phần lớn thủ phạm của các vụ bạo lực thường là nam giới từ 18 - 30 tuổi.

Một số người ưa thích “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” bởi vì sự hung hãn cho họ cảm giác được nắm quyền lực trong tay, bù đắp cho những cảm giác tự ti, bất lực hoặc lo âu trong cuộc sống thường ngày.

Bạo lực học đường

Bạo lực học đường

Xử trí khi người trẻ hung hãn

Những chiến lược sau được thiết lập nhằm mục đích giúp bạn giải quyết các tình huống mâu thuẫn và làm dịu những cái đầu nóng, xác định được nguyên nhân của bạo lực và tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với những người trẻ đó, để từ đó mọi người hiểu nhau hơn, đảm bảo một môi trường học tập cũng như làm việc hài hòa và hiệu quả về lâu dài.

Kiểm soát ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của mình:

Khi bạn đối mặt với một người trẻ đang hành xử hung hãn, việc đầu tiên bạn cần làm chính là làm chủ ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của mình.

Những điều bạn nên làm:

- Giữ cho giọng nói của mình trầm ổn.

- Hạn chế tối đa việc biểu cảm quá rõ ràng trên khuôn mặt.

- Nhìn thẳng vào đối phương để họ biết là bạn đang tập trung vào việc giúp họ giải quyết vấn đề, nhưng đừng ép buộc đối phương phải nhìn bạn như thế. Họ cần thời gian để bình tĩnh.

- Đảm bảo rằng đối phương có đủ không gian để lấy lại cân bằng về mặt cảm xúc.

- Bạn cũng cần đảm bảo rằng bản thân mình giữ được bình tĩnh và thái độ công tâm trước khi bước vào giải quyết mâu thuẫn.

Những điều bạn không nên làm:

- Chỉ ngón tay về phía đối phương, hoặc có những động tác tay khó hiểu trước mặt họ.

- Chống nạnh.

- Nhìn trừng trừng vào đối phương, cười nhếch mép, tỏ vẻ khó chịu hoặc cau mày.

- Đứng quá gần đối phương.

- Mắng nhiếc hoặc thở dài một cách bực dọc.

- Đóng sập cửa, đập bàn hoặc gây tiếng động lớn.

Giữ bình tĩnh:

Khi bạn đối mặt với một đứa trẻ ngỗ nghịch hay một thiếu niên đang hung hãn, bạn cũng dễ có nguy cơ bị “lây nhiễm” cảm xúc tiêu cực của các em ấy, trở nên nóng nảy và hung hãn theo. Đây là một hiện tượng bình thường của con người, nhưng chính vì vậy, nếu bạn không kịp thời làm chủ bản thân mình, mâu thuẫn chỉ càng thêm tồi tệ khi cả hai bên đều mất bình tĩnh. Tiếp cận đối phương một cách nhẹ nhàng và dẫn dắt em ấy lưu tâm đến những cảm nhận của chính mình. Sử dụng những lời nói khách quan như: “Cô biết là em đang gặp khó khăn, nhưng em không cần phải hành động như thế đâu. Mọi chuyện rồi sẽ ổn!”. Luôn sẵn sàng cho tình huống rằng người trẻ đó sẽ công kích lại bạn, lớn tiếng hoặc chửi thề với bạn khi bạn can thiệp vào vấn đề của em ấy. Cách phản ứng tốt nhất chính là bình tĩnh và lờ đi. Đừng để bụng những gì em ấy nói!

Bạn cần tập trung cho đối phương thấy là bạn đang quan tâm đến em ấy, thực sự lo lắng về những gì đang xảy ra và thật lòng muốn giúp đỡ em ấy vượt qua tình cảnh đó.

Luôn luôn cho đối phương một lối thoát:

Khi người trẻ đang hung hãn, đừng bao giờ dồn ép các em vào đường cùng. Cho các em những sự lựa chọn đi kèm với giới hạn phù hợp. Bằng cách này, bạn giúp cho người trẻ đó duy trì được khả năng kiểm soát cảm xúc. Bạn có thể tạo điều kiện cho em ấy lấy lại được sự cân bằng và suy nghĩ tích cực về bản thân. Chẳng hạn, bạn có thể hỏi: “Em có cần nghỉ ngơi một chút để bình tâm suy nghĩ về sự việc ngày hôm nay?”.

Giải tán người ngoài hoặc đám đông hiếu kỳ:

Lý do là bởi sự có mặt của đám đông có thể khiến cho người bạo lực tăng thêm khí thế hoặc mức độ hung hãn để tiếp tục hành vi của mình.

Không đe dọa:

Đừng đe dọa, cảnh cáo hay đưa ra những hình phạt cho những người trẻ có hành vi hung hãn nếu bạn không sẵn sàng thực hiện chúng. Người trẻ không dễ dàng đáp lại những lời cảnh cáo nếu các kinh nghiệm trong quá khứ của chúng cho thấy người lớn chỉ giỏi dọa chứ chẳng mấy khi phạt thật.

Không mỉa mai hay phán xét:

Những lời nói có tính chât ám chỉ, mỉa mai hoặc cạnh khóe như: “Cô biết mà, em luôn trở chứng như thế này...” hoặc: “Bộ không biết làm gì khác ngoài đánh bạn hay sao?” chỉ khiến cho đối phương thêm tự ti, kích thích thêm hành vi hung hãn nơi họ.

Đảm bảo an toàn cho bản thân và những người có liên quan:

Cần đảm bảo rằng cả những người trẻ tham gia vụ mâu thuẫn lẫn những người có mặt xung quanh lúc đó đều được an toàn trong thời gian giải quyết sự việc. Nếu bạn cảm thấy mình không thể một mình kiểm soát hết những tình huống có thể xảy ra, luôn trong tư thế sẵn sàng gọi giúp đỡ từ những nhân viên khác, từ phòng bảo vệ, báo cảnh sát hoặc gọi xe cứu thương tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Xử trí khéo léo trước những lời đe dọa:

Trong hầu hết các trường hợp người trẻ hung hãn và bốc đồng đến mức đưa ra lời đe dọa, chẳng hạn như dọa nhịn ăn hoặc trốn đi bụi, chúng thường không thực sự có ý đó. Bạn có thể linh hoạt vận dụng các chiến lược kể trên để xử lý lời đe dọa và giúp làm dịu những cảm xúc tiêu cực đang chi phối em ấy. Hãy nhớ, mục tiêu chính của bạn vẫn là dẫn dắt em ấy tập trung vào những cảm nhận bên trong bản thân thay vì giải phóng một cách tiêu cực lên nạn nhân. Bạn có thể làm điều này bằng những câu hỏi thăm chân tình như: “Hẳn là em đang cảm thấy rất buồn khi phải nói ra những lời như vậy. Cô có thể biết chuyện gì đang xảy ra không?”.

Chúng ta không thể nào đoan chắc được liệu người trẻ đó có hiện thực hóa những lời đe dọa của mình hay không, kể cả khi bạn từng có kinh nghiệm xử lý những sự việc tương tự trong quá khứ. Nếu người trẻ hung hãn từng có tiền án tiền sự về hành vi bạo lực, phá hoại tài sản, đốt nhà, làm tổn thương vật nuôi và nhiều hành động tiêu cực khác, khả năng em ấy hiện thực hóa lời đe dọa có thể cao hơn người bình thường. Trong những trường hợp như vậy, bạn có thể báo cảnh sát hoặc liên hệ với bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia về sức khỏe tinh thần tùy từng tình huống.

Xử trí sau khi sự việc đã qua:

Một khi hành vi bạo lực đã được giải quyết xong và tất cả mọi người đều đã bình tĩnh trở lại, giờ là lúc bạn cần trò chuyện với những người trẻ góp mặt trong vụ việc. Bạn có thể giúp các em hiểu biết hơn về nguồn cơn mâu thuẫn và rút kinh nghiệm để nó không tái diễn. Sau đây là vài chiến lược về cách thức trò chuyện với người trẻ sau khi xung đột đã qua:

- Nói chuyện riêng với từng người và với thái độ tôn trọng. Hỏi thăm suy nghĩ của các em về sự việc vừa qua cũng như những hậu quả nó để lại cho bản thân em đó và những người khác. Hãy lắng nghe câu chuyện từ nhiều góc độ khác nhau của những người có liên quan.

- Hỏi xem những người trẻ đó có muốn biết những gì bạn đã nhìn thấy và cảm nhận trong suốt sự việc vừa qua. Cho mỗi em một cơ hội để tự nhận xét xem những cảm nhận của bạn có đúng đắn và khiến chúng phải suy nghĩ hay không.

- Chia sẻ cho các em biết những sự quan tâm và lo lắng của bạn về hành vi hung hãn vừa qua của chúng.

- Thẳng thắn trình bày cho những người trẻ đó biết những thiệt hại mà các em đã gây ra cũng như những hậu quả và biện pháp xử lý mà các em ấy sẽ phải tiếp nhận.

- Cùng các em ngồi xem lại và giải quyết xung đột đã qua. Giúp cho những người trẻ đó nhận ra rằng chúng luôn có nhiều cách thức giải quyết vấn đề khác hiệu quả hơn, êm đẹp, lợi cả đôi đường mà chẳng cần phải dùng đến bạo lực, rồi chỉ cho các em biết cách ứng dụng những cách giải quyết mới mẻ đó trong tương lai.

- Nếu một người trẻ yêu cầu bạn làm trung gian hòa giải cho một chút mâu thuẫn còn lại giữa em đó với một bạn khác, hãy có mặt và giữ thái độ bình tĩnh và công tâm hết sức có thể.

Cần thận trọng tối đa với những trường hợp người trẻ đưa ra lời đe dọa nguy hiểm đến tính mạng như: tự tử đòi giết người hoặc phá hoại tài sản

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật