Dùng lươn sống để hạ sốt cho trẻ: Không có cơ sở khoa học

Gần đây, trên mạng xã hội một bà mẹ có con nhỏ đã chia sẻ kinh nghiệm dùng lươn sống lăn cho con khi bị sốt phát ban thu hút lượng lớn các chị em chia sẻ kinh nghiệm này. Theo các chuyên gia trong ngành y tế cho rằng: dùng lươn sống để chườm cho trẻ khi bị sốt phát ban và việc lươn chuyển sang màu đỏ và chết do hút hết chất độc trong ban là hoàn toàn bịa đặt, không có cơ sở khoa học, thiếu hiểu biết!

Phản khoa học!

Trong Đông y không chữa sốt bằng lươn, lươn có thể dùng để chữa một số bệnh bổ âm, chưa bao giờ dùng lươn sống để chườm cho trẻ khi bị sốt phát ban Với đông y truyền thống người ta vẫn dùng địa long (giun đất) để trị sốt phát ban và sốt xuất huyết nhưng phải qua chế biến tiệt trùng. Vì vậy, khi trẻ có triệu trứng sốt phát ban điều đầu tiên là phải kiêng nước, kiêng gió, dùng một số loại thuốc để lương huyết tiêu độc tùy từng loại sốt phát ban để dùng các loại thuốc khác nhau. Nên tìm cách làm mát cho trẻ bằng việc cho uống các loại nước thanh nhiệt, giải độc, các loại nước lá giải nhiệt trị ban sởi như kinh giới kim ngân hoa ké…, không nên dùng các cách chưa được kiểm chứng khoa học, lương y Phùng Tuấn Giang nói.

Trong Đông y không chữa sốt bằng lươn

Trong Đông y không chữa sốt bằng lươn

Giải thích về việc lươn chuyển sang màu đỏ và chết do hút hết chất độc trong ban, theo Lương y Tuấn Giang là không có cơ sở khoa học, có thể nguyên nhân có thể do khi lươn chết, máu tích tụ biến sang màu đỏ, càng không liên quan tới ban trong người bệnh nhân.

Theo Dược sĩ Lê Tiến – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng cho rằng: chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cho thấy dùng lươn lăn có thể khiến chất độc từ cơ thể trẻ truyền sang con lươn. Đôi khi việc làm này lại gây nguy hại cho trẻ khi làm mất đi thời gian chữa bệnh cho trẻ. Chưa kể, khi cha mẹ sử dụng cho con biện pháp chữa bệnh này có thể trẻ bị sốc, hoảng sợ,… Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên áp dụng.

Các bà mẹ không nên tùy tiện áp dụng các biện pháp theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn để tránh xảy ra những điều đáng tiếc. Việc dùng lươn lăn lên người trẻ để hạ sốt là không nên và phản khoa học vì lươn là loại sống dưới bùn, nhớt trên da lươn có thể nhiễm nhiều loại vi khuẩn hoặc ký sinh trùng khi lăn lên da trẻ là da non sức bảo vệ kém có thể gây kích ứng, nhiễm các loại vi sinh vật này mà lâu dài chúng mới gây ra tác hại.

Ai cũng biết lợi ích của mạng xã hội facebook, tuy nhiên nếu người đọc không kiểm chứng được tính đúng đắn của sự việc sẽ dẫn đến cảnh nhà tan cửa nát hoặc gây hại cho sức khỏe thậm chí mất mạng. Bởi vậy, câu chuyện dùng lươn để hạ sốt cho trẻ đang lan tràn trên facebook trong những ngày gần đây là rất nguy hiểm và thiếu hiểu biết.

Hạ sốt thế nào cho đúng?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: Sốt là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể để chống lại mầm bệnh khi xâm nhập vào cơ thể. Sốt phát ban nguyên nhân thường do virus trong đó virus nhiễm theo đường hô hấp là chủ yếu (70-80%), có nhiều loại virus gây sốt phát ban như sởi rubella adeno virus, echo virus, enterovirus…

Sau khi bị nhiễm khoảng 5-7 ngày trẻ xuất hiện hắt hơi chảy nước mũi rát họng ho sau đó vài giờ hoặc 1 ngày thì sốt, có thể sốt cao 39 – 400C. Sốt phát ban do các virus trên thường lành tính, tự khỏi, không có thuốc đặc trị, chỉ cần cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng hợp lí, uống đủ nước, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Sau khi giảm sốt, trẻ sẽ bị phát ban, hồng ban dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích trên da trẻ.

PGS.TS Hà Hoàng Kiệm cho biết, trẻ sốt do rất nhiều nguyên nhân khác nhau khi không rõ nguyên nhân cha mẹ không nên tự chữa cho con. Phải tìm được nguyên nhân gây bệnh để trị dứt điểm thì cơn sốt mới hạ, nếu chúng ta chỉ tìm cách hạ sốt mà không tìm được nguyên nhân bệnh thì hạ xong sẽ lại sốt.

Nên chườm ấm cho trẻ, dùng khăn nhúng vào nước bằng nhiệt độ cơ thể trẻ (37 – 40oC), đắp vào vùng bẹn, nách, cổ sẽ giúp lỗ chân lông mở, thoát nhiệt nhanh. Khi chườm cần thay khăn liên tục, hết ấm lại thay để khăn không bị lạnh, không làm trẻ có cảm giác rét run do nước lạnh ngấm vào người. Và nguyên tắc vô cùng quan trọng là cho trẻ uống đủ nước (tốt nhất là oresol) sẽ giúp hạ sốt hiệu quả. Nếu trẻ không giảm sốt nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị đúng.

Đã có nhiều trường hợp trẻ nhập viện bệnh nặng hơn do cha mẹ chữa sốt sai cách như thấy con sốt lại tránh gió và bịt kỹ con, chườm đá lạnh cạo gió. Thực tế biện pháp này làm co mạch khiến nhiệt càng khó thoát ra ngoài. Sờ thấy trẻ mát bên ngoài chỉ là cảm giác do đá lạnh mang lại còn thực tế trẻ vẫn sốt cao. Đặc biệt đối với các trẻ sốt cao do viêm đường hô hấp viêm phổi thì càng không nên chườm lạnh vì có thể khiến trẻ gặp lạnh đột ngột và viêm phổi nặng hơn. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu trầm trọng hơn như: sốt cao không hạ, thay đổi tri giác co giật thở mạnh, thở nhanh... cần kịp thời cho trẻ đi khám bác sĩ để được thăm khám gấp và điều trị dứt điểm, tránh biến chứng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật