Một số bài thuốc điều trị chứng phế khí hư trong y học cổ truyền

Chứng phế hư thường gặp ở người cao tuổi, thể lực suy kém, là do công năng của tạng phế bị giảm sút, phế mất chức năng tự tiết và tuyên giáng, làm cho tông khí suy yếu, phế khí nghịch lên, làm cho sự đóng mở của phế bị tổn thương, sự bảo vệ bên ngoài không bền, nguyên nhân là do phú bẩm bất túc, nội thương quá mệt mỏi, hoặc do bệnh tật lâu ngày làm cho thể trạng hư yếu mà sinh ra bệnh.

Sách Linh Khu viết: "Phế khí hư thì tắc mũi khó thở thiếu khí, phế khí thực thì bị suyễn, ngực tức nghẽn, phải ưỡn người mà thở".

Sách Chư bệnh nguyên hậu luận lại viết: "Phế khí bất túc thì khí ít không đủ để thở, tai điếc họng khô, đó là phế khí hư, khi điều trị thì phải dùng phép bổ".

Chứng phế khí hư thường gặp trong các bệnh khái thấu, hư hao, háo suyễn. Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng:  suyễn, đoản hơi, tiếng nói nhỏ, sợ gió, tự ra mồ hôi rất dễ cảm mạo mặt nhợt nhạt, hay mệt mỏi lưỡi bệu, chất lưỡi nhợt rêu lưỡi trắng mạch hư nhược, cần phân biệt chẩn đoán với các chứng: Phế dương hư, tâm phế khí hư, chứng phế tỳ khí hư, chứng phế khí âm đều hư, chứng phế không nạp khí.

Sau đây là một số bài thuốc điều trị chứng phế khí hư để bạn đọc tham khảo và áp dụng:

Do phế khí hư sinh ra chứng ho.

Nguyên nhân: Do phế khí hư yếu mất vai trò làm chủ, mất chức năng túc giáng mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng: ho nhiều đoản hơi, chất đờm trong, loãng , tiếng nói nhỏ, mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, tự ra mồ hôi

Phép trị: Bổ phế khí, kiện tỳ, hóa đàm.

Dùng bài Lục quân tử thang gia giảm. Nhân sâm 8g bán hạ 10g, phục linh 12g, trần bì 12g, bạch truật 12g, chính thảo 4g. Ngày một thang sắc uống 3 lần trước khi ăn, uống khi thuốc còn ấm.

Do phế khí hư xuất hiện chứng háo suyễn.

Nguyên nhân: Do phế khí bất túc, phế mất chức năng túc giáng, phế khí nghịch lên mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Có triệu chứng đặc trưng về hư suyễn, suyễn gấp, đoản hơi, khi có cơn suyễn thì há miệng so vai do thiếu khí để thở.

Phép trị: Bổ phế khí, liễm phế, bình suyễn.

Dùng bài Tứ quân tử thang. Nhân sâm 8g; phục linh 10g; bạch truật 12g; chích thảo 4g. Có thể gia hoàng kỳ để bổ khí bạch quả ngũ vị tử, anh túc xác để liễm phế. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn, uống khi thuốc còn ấm.

Chứng tự ra mồ hôi do phế khí hư.

Nguyên nhân: Do phế khí hư yếu, tấu lý không kín đáo, sự đóng mở kém mà sinh ra bệnh.

Triệu chứng: Sợ gió, không chịu được phong hàn nên dễ cảm mạo, tự ra mồ hôi, hễ lao động thì suyễn tăng.

Phép trị: Ích khí, cổ biểu, liễn hãn, chỉ hãn.

Dùng bài Ngọc bình phong tán. Phòng phong 12g, bạch truật 16g, hoàng kỳ 16g. Ngày uống một thang, sắc 3 lần, uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn uống thuốc khi còn ấm.

Do hư lao xuất hiện chứng phế khí hư.

Nguyên nhân: Do phú bẩm bất túc, ốm lâu ngày nguyên khí bị hao tổn, dẫn đến phế khí bất túc, tấu lý không kín đáo mà sinh bệnh.

Triệu chứng: Cơ thể lúc rét lúc nóng, tự ra mồ hôi, đoản hơi, ho, tiếng nói nhỏ, hay cảm mạo, bệnh thường kéo dài không khỏi.

Phép trị: Bổ phế khí.

Dùng bài Bổ phế thang. Nhân sâm 12g, thục địa 16g, hoàng kỳ 12g, tang bạch bì 12g, tử uyển 8g ngũ vị tử 6g. Ngày uống một thang, uống trước khi ăn, lúc còn ấm.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật