Phương pháp vật lý trị liệu hô hấp trị ứ đọng đờm nhớt ở trẻ nhỏ

Vật lý trị liệu hô hấp là một phương pháp điều trị cần thiết trong trường hợp tắc nghẽn đường hô hấp do ứ đọng đờm nhớt, thường gặp trong các dạng bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do nằm lâu, viêm hô hấp trên, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, xẹp phổi.

Phương pháp vật lý trị liệu hô hấp ở trẻ nhỏ là phương pháp điều trị hỗ trợ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ điều trị, điều dưỡng.

Vật lý trị liệu hô hấp cho trẻ nhỏ cần có sự hỗ trợ của bác sĩ để đạt hiệu quả

Vật lý trị liệu hô hấp cho trẻ nhỏ cần có sự hỗ trợ của bác sĩ để đạt hiệu quả

Vật lý trị liệu hô hấp đạt đến kết quả là đờm nhớt được dẫn lưu và loại bỏ ra khỏi cơ quan hô hấp và như thế đường hô hấp sẽ thông thoáng tạo điều kiện cho việc lưu thông khí trở lại bình thường.

Một số kỹ thuật vật lý trị liệu hô hấp cho trẻ nhỏ do các bác sĩ thực hiện

Kỹ thuật làm sạch mũi - họng: Điều này đặc biệt quan trọng với những trẻ dưới 3 tháng tuổi vì lúc này trẻ chủ yếu thở qua mũi. Dùng nước muối sinh lý (NaCl 9‰) để làm làm sạch thông suốt mũi - họng cho trẻ.

Kỹ thuật "Giảm thể tích": Tác động vào thì thở ra với tốc độ chậm giúp dẫn lưu đàm nhớt từ phần xa như tiểu phế quản nhu mô phổi ra đến các phế quản lớn.

Kỹ thuật "Kích thích ho": Tạo một sức đẩy mạnh và nhanh khiến đàm nhớt tại phế quản lớn ra ngoài hầu họng.

Kỹ thuật "Chặn gốc lưỡi": Giúp đẩy đàm nhầy ra khỏi vùng hầu họng.

Những kỹ thuật trên được thực hiện rất nhanh, chỉ dao động từ 5 - 10 phút, nhưng đòi hỏi nhân viên y tế phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật tốt để buổi trị liệu diễn ra thuận lợi mà không khiến bé mệt hay xảy ra tai biến.

Những lưu ý khi thực hiện vật lý trị liệu hô hấp cho trẻ nhỏ

- Thực hiện tốt nhất là sau bữa ăn từ 1 - 2 giờ. Thực hiện 1 - 2 lần/ngày tùy theo tình trạng trẻ nhỏ bị ứ đọng đờm nhớt ít hay nhiều.

- Chia ra nhiều lần tập ngắn nếu khả năng chịu đựng toàn bộ buổi tập kém cũng như đối với trẻ sơ sinh non tháng.

- thận trọng đối với trẻ mất phản xạ ho hay phản xạ ho quá yếu vì nguy cơ nghẹt đờm nên cần phối hợp với điều dưỡng hút đờm nhanh chóng trong quá trình tập.

- Cẩn thận trong trường hợp trào ngược dạ dày thực quản: tránh thao tác gây tăng áp lực ổ bụng.

- Nếu bệnh nhân đang thở oxy, nên tăng lượng oxy trong khi tập (giữ mức SpO2 ≥ 90%) và trả lại mức cũ khi bệnh nhân trở về tình trạng ổn định như trước đó.

- Nếu bệnh nhân thở máy qua nội khí quản, nên phối hợp với điều dưỡng bóp bóng khi thực hiện vật lý trị liệu hô hấp.

- Không dùng thuốc long đờm, loãng đờm trong thời gian áp dụng phương pháp vật lý trị liệu hô hấp này.

Thường xuyên theo dõi tình trạng của trẻ cho đến khi hết tình trạng tắc nghẽn do đờm nhớt. Thông báo kịp thời với bác sĩ điều trị về kết quả vật lý trị liệu hô hấp cũng như cần những thông tin phản hồi từ phía bác sĩ trong quá trình điều trị và theo dõi bệnh nhân.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật