Cảnh báo những loại thực phẩm hàng đầu gây bệnh liên cầu lợn

Tiết canh, nem chua, nem chạo, nội tạng động vật, thịt lợn tái là những thực phẩm có nguy cơ cao gây nhiễm liên cầu lợn.

Liên cầu lợn là bệnh truyền nhiễm chủ yếu xảy ra ở lợn và người. Bệnh tăng mạnh vào mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu như không có biện pháp phòng tránh, điều trị kịp thời. Hiện nay, nguyên nhân nhiễm bệnh chủ yếu là do tiếp xúc và sử dụng các chế phẩm từ lợn thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm

Trước tình trạng có nhiều bệnh nhân tử vong do liên cầu lợn, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên sử dụng các chế phẩm từ lợn chưa được nấu chín kỹ. Sau đây là những thực phẩm gây nhiễm liên cầu lợn chủ yếu mà bạn nên tránh:

Tiết canh

Tại Việt Nam, trên 70 % bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh. Theo Thống kê tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong tháng 5 vừa qua đã có 3 trường hợp bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn. Những ca bệnh này đều có tiền sử ăn lòng lợn và tiết canh trước đó.

Thực tế, những thức ăn như tiết canh, lòng dồi lợn… đều có nguy cơ chứa vi khuẩn liên cầu lợn. Khi những thực phẩm này không được nấu chín dễ dẫn đến lây bệnh. Đặc biệt, tiết canh lợn thường chứa nhiều vi khuẩn liên cầu lợn nhất, tấn công rất nhanh, chỉ trong 16 giờ sau khi ăn.

Chính vì vậy, nếu ai ưa thích món tiết canh này thì cần cân nhắc thật kỹ vì nguy cơ trở thành nạn nhân thậm chí tử vong vì liên cầu lợn.

Nem chua, nem chạo

Ngoài tiết canh, nem chua và nem chạo cũng là thực phẩm lây nhiễm bệnh liên cầu lợn. Nem chạo, nem chua vốn là món nhậu được nam giới ưa thích, nhất là trong mùa hè. Thành phần chủ yếu của hai loại nem này là thịt lợn sống nên khả năng nhiễm liên cầu lợn rất cao.

Trên thực tế, ngay cả khi chưa mắc bệnh liên cầu hay tai xanh, 60 % lợn lành vẫn có thể mang trong mình mầm bệnh này. Do vậy, khi sử dụng món nem chạo, nem chua dù được làm từ thịt những con lợn khỏe mạnh bạn vẫn có nguy cơ bị mắc bệnh. Chính vì vậy, bạn không nên sử dụng những loại nem làm từ thịt lợn không được nấu chín kỹ.

Nội tạng lợn

Nội tạng lợn (tim thận lòng, gan…) có nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho người sử dụng bởi vì rất dễ bị nhiễm bẩn, là môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn vi sinh vật ký sinh trùng vi- rút… phát triển mạnh mẽ trong quá trình giết mổ, lưu thông, vận chuyển và chế biến không đảm bảo vệ sinh.

Chính vì vậy, nếu chúng ta ăn phải nội tạng lợn không được nấu chín kỹ, quá trình chế biến không đảm bảo an toàn vệ sinh thì có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nếu không được chữa trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.

Thịt lợn tái

Nhiều người thường có sở thích ăn thịt lợn tái, thịt vẫn còn màu đỏ để có vị ngọt đậm đà hơn. Tuy nhiên, chỉ cần một miếng thịt lợn tái cũng có thể chứa cả ổ vi khuẩn gây bệnh, trong đó có liên cầu lợn.

Khi ăn phải thịt lợn tái bị nhiễm bệnh, bạn dễ bị sốt cao, xuất hiện các nốt mẩn trên người hôn mê sâu, sốc nhiễm trùng… Nếu không chữa trị kịp thời có thể gặp các biến chứng như hoại tử tử vong.

Chính vì vậy, bạn cần thực hiện nghiêm túc việc ăn chín, uống sôi, không sử dụng thịt tái, thịt sống hay thịt chưa được nấu chín.

Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, có dấu hiệu xuất huyết hay phù nề

Đảm bảo thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nên sử dụng găng tay, các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc trực tiếp với lợn, chế biến thịt lợn, cần thường xuyên rửa tay với xà phòng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật