Giải đáp những thắc mắc về sữa bị nhiễm melamin không thể bỏ qua

Sự kiện sữa bị nhiễm melamin bắt đầu từ Trung Quốc đã làm dư luận xã hội lo ngại về các loại sữa và sản phẩm từ sữa không chỉ xuất xứ ở Trung Quốc mà tất cả các sản phẩm sữa nói chung dù có nguồn gốc bất cứ ở đâu. Để giúp cho các bà mẹ và người tiêu dùng có thêm thông tin để chọn được sản phẩm an toàn, phóng viên xin giới thiệu cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam về vấn đề này.

* Xin ông cho biết melamin là chất gì? Tại sao lại có trong sữa và tác hại của nó ra sao?

PGS.TS Trần Đáng: Melamin là một chất được chiết xuất từ than đá, được dùng trong công nghiệp chất dẻo (ví dụ: nhựa melamin-formol), trong sản xuất phân bón thuốc nhuộm, vải chống cháy...

Melamin không phải là chất dinh dưỡng không phải là phụ gia thực phẩm nhưng những người sản xuất sữa ở các nông trại, hộ chăn nuôi Trung Quốc đã pha vào sữa nguyên liệu cùng với nước nhằm mục đích tăng khối lượng để thu lợi nhuận. Melamin có tên hoá học là 2,4,6 Triamin 1,3,5 Triazin, nguyên tố cấu tạo chủ yếu là N, khi cho vào sữa có tác dụng làm tăng hàm lượng protein giả tạo, vì phương pháp xác định hàm lượng protein trong sữa thường dựa vào tỷ lệ N.

Melamin là chất độc, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm Khi cho vào sữa nguyên liệu, do nó có khả năng chịu nhiệt, ánh sáng và các chất hoá học khác, nên nó sẽ tồn tại ở sữa và sản phẩm sữa được chế biến từ sữa. Vào cơ thể, melamin kết hợp với các gốc axit tạo thành chất kết tủa, sạn, sỏi, lắng cặn và gây nên vôi hoá ở đường tiết niệu Từ đó ảnh hưởng tới chức năng bài tiết, ảnh hưởng tới sức khỏe Nếu nhẹ, gây sỏi thận suy thận còn bù trừ, nếu nặng có thể gây suy thận viêm nhiễm và tử vong

* Làm thế nào để biết tác hại tới sức khoẻ khi trẻ em đã, đang sử dụng sữa hàng ngày?

PGS.TS Trần Đáng: Muốn biết có tác hại hay không khi trẻ em đã và đang sử dụng sữa hàng ngày nên thực hiện một cuộc “đánh giá nguy cơ” đơn giản sau đây:

Bước 1: Kiểm tra xem sữa dùng cho con mình là loại sữa gì, có nằm trong danh sách các sản phẩm đã công bố bị thu hồi hoặc nhiễm melamin hay không (dựa vào danh sách các sản phẩm nhiễm melamin đã được công bố tại Trung Quốc, các nước và nước ta, do cơ quan quản lý thông báo).

- Nếu không nằm trong danh sách đó thì không lo ngại gì. Để đảm bảo thật chắc chắn có thể hỏi cơ quan quản lý hoặc công ty có sản phẩm đã cho kiểm nghiệm melamin sữa mình đang dùng chưa.

- Nếu loại sữa đã và đang dùng cho con mình nằm trong danh sách có melamin thì thực hiện bước 2.

Bước 2: Ước tính lượng melamin đã đưa vào cơ thể mỗi ngày. Để có thể tính được số lượng melamin đã đưa vào cơ thể trẻ em mỗi ngày do uống sữa cần thiết tiến hành:

- Xác định hàm lượng melamin trong sản phẩm sữa mà con mình đã và đang dùng thông qua kết quả thông báo của cơ quan quản lý, nhà sản xuất hoặc đi kiểm nghiệm (thông thường dựa vào danh sách thông báo của nhà quản lý). Ví dụ: loại sữa mà con mình đã và đang dùng được thông báo có nhiễm melamin 15 ppm (nghĩa là cứ 1kg sữa thì có 15mg melamin).

- Xác định số lượng sữa mà đứa trẻ đã và đang ăn mỗi ngày. Ví dụ: 500g (0,5kg) ăn 5 bữa/ngày mỗi bữa 100g.

- Ước tính tổng số lượng melamin mà đứa trẻ đã ăn vào cơ thể mỗi ngày, ta lấy 0,5 x 15mg= 7,5mg.

Bước 3: Xác định lượng melamine ăn vào cho 1kg trọng lượng cơ thể:

Ta lấy tổng lượng melamin ăn vào chia cho số cân nặng của đứa trẻ thì được lượng melamin ăn vào cho 1kg cân nặng. Ví dụ, đứa trẻ nặng 20kg, ta có lượng melamin ăn vào cho 1kg cân nặng là: 7,5/20=0,375mg.

Như thế có nghĩa là trong thời gian qua do ăn sữa bị nhiễm melamin nên mỗi ngày đã có số lượng melamin đưa vào cơ thể là 0,375mg/1kg trọng lượng cơ thể.

Bước 4: Đánh giá nguy cơ tác hại do đã ăn phải sữa có melamin: ta phải so sánh lượng melamin ăn vào hàng ngày tính cho 1kg cân nặng cơ thể (lượng melamin ăn vào thực tế) với lượng ăn vào dung nạp được hàng ngày (hay còn gọi là lượng melamin ăn vào mà cơ thể chịu đựng được, chưa gây rối loạn chức năng và tổn thương cơ thể). Lượng ăn vào dung nạp được hàng ngày ký hiệu là TDI (Tolerable Daily Intake) đối với melamin theo FDA (Mỹ) là: 0,63mg/kg trọng lượng cơ thể/ ngày. Theo EFSA ( The European Food Safety Authority - Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu) thì TDI đối với melamin là 0,5mg/kg/ngày. Như vậy, lượng melamin thực tế mà chúng ta đã tính ở trên khi đưa vào cơ thể đứa trẻ so với giới hạn của Mỹ chỉ bằng 59,5%, so với giới hạn của Châu Âu chỉ bằng 75%. Như thế có thể yên tâm không phải lo lắng về tác hại mặc dù trong thời gian qua con mình không may ăn phải sữa nhiễm melamin. Chỉ nguy hiểm khi lượng melamin ăn vào thực tế lớn hơn TDI.

Công bố các loại sữa an toàn là hết sức cần thiết.

Công bố các loại sữa an toàn là hết sức cần thiết.

* Xin ông cho biết làm thế nào có thể nhanh chóng lập lại sự ổn định thị trường sữa ở Việt Nam sau khi có sự cố về sữa ở Trung Quốc?

PGS.TS Trần Đáng: Để nhanh chóng lập lại sự ổn định thị trường sữa ở Việt Nam, cần thực hiện các biện pháp sau:

1- Đề nghị Cơ quan quản lý ra lệnh thu hồi tất cả các sản phẩm sữa của công ty sữa của Trung Quốc đã công bố bị nhiễm melamin và tiêu huỷ. Cần thông báo danh mục cụ thể một cách rộng rãi. Đến nay đã thông báo 69 sản phẩm sữa của 22 công ty sản xuất sữa của Trung Quốc đã công bố nhiễm melamin.

2- Ra lệnh thu hồi tất cả các sản phẩm sữa và sản phẩm thực phẩm chế biến từ nguyên liệu sữa mà các nước đã thông báo bị nhiễm melamin và thu hồi. Cần thông báo rộng rãi danh mục cụ thể để người tiêu dùng có thể dễ dàng tham gia vào việc thu hồi và tránh dùng phải. Hai việc này cùng với thông báo danh mục các sản phẩm sữa ở Việt Nam xét nghiệm có melamin sẽ giúp cho người tiêu dùng lựa chọn được sản phẩm an toàn cho mình..

3- Tăng cường kiểm tra, kiểm nghiệm quá trình sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ nước ngoài cũng như trong nước.

4- Tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân trở thành người tiêu dùng thông thái đối với sản phẩm sữa.

* PV: Xin ông tư vấn cho các bà mẹ nên làm thế nào để có thể chọn mua được sữa có chất lượng, an toàn cho con mình?

PGS.TS Trần Đáng: Để chọn mua được sữa an toàn, có chất lượng cho con mình các bà mẹ nên thực hiện 6 bước sau đây:

1- Chọn cửa hàng bán sữa đã được cấp giấy phép đủ điều kiện ATVSTP. Các cửa hàng này đã đủ điều kiện về cơ sở vật chất, sữa có nguồn gốc an toàn, còn hạn và được bảo quản đúng quy định.

2- Kiểm tra kỹ bao bì sữa (hộp): hình dáng phải còn nguyên vẹn, không rỉ, không biến màu, không thủng, không méo.

3- Xem kỹ nhãn mác, chú ý nguồn gốc, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng.

4- Kiểm tra sản phẩm đã công bố tiêu chuẩn CLATVSTP. Không nên mua các sản phẩm sữa chưa công bố tiêu chuẩn.

5- Kiểm tra sản phẩm: mở nắp hộp, quan sát có vật lạ không, màu sắc, mùi vị, độ mịn, tính hoà tan. Sữa tốt có màu vàng ngà, đồng đều không vón cục, mịn, mùi thơm, hoà tan hoàn toàn, không lắng cặn.

6- Đối chiếu tên sữa và công ty sản xuất với danh mục đã công bố nhiễm melamin.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật