Cách chăm sóc vết thương nhỏ tránh nguy hiểm lớn

Vết thương nhỏ hay vết thương lớn đều cần chăm sóc đúng cách. Mọi sự chủ quan đều có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.

Mới đây, anh Phạm Văn L. (28 tuổi, Nghệ An) đã phải nhập viện Việt Đức trong tình trạng có giòi trong vết thương trên đầu. Số lượng ký sinh trùng nhiều và ăn sâu vào vết mổ nên các bác sĩ phải tiến hành mổ cấp cứu. Hiện bệnh nhân đã bình phục, vết thương khô và chuyển xuống tuyến dưới điều trị.

Vết thương nhỏ có thể gây bệnh lớn

Với các vết thương nhỏ, bệnh nhân thường chủ quan, tự chăm sóc tại nhà. Khi xuất hiện các dấu hiệu sốt đau nhức hô hấp khó khăn,… thường không nghĩ do vết thương ngoài da gây nên. Tuy nhiên theo các bác sĩ, một vết thương nhỏ cũng có thể là cơ hội cho vi khuẩn tụ cầu, uốn ván… tấn công cơ thể, đặc biệt với trẻ nhỏ.

Vết thương của bệnh nhân L bị giòi làm tổ

Vết thương của bệnh nhân L bị giòi làm tổ

Khoa Nhi bệnh viện Bạch từng tiếp nhận bệnh nhi tên Linh (Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, mạch nhanh khó thở có biểu hiện sốc. Qua xét nghiệm, bé bị nhiễm trùng máu. Các bác sĩ cho biết, trên cơ thể bé có nhiều vết gãi vi khuẩn tụ cầu từ da qua vết xước vào máu và gây bệnh. Ca điều trị cho bé khá phức tạp do vi khuẩn kháng thuốc cộng thêm biến chứng phổi.

Bé Lê (11 tuổi) được đưa tới bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM) trong tình trạng suy hô hấp cứng hàm. Xét nghiệm cho thấy phổi của bé bị xẹp, ứ đầy đờm nhớt. Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân do bệnh nhi bị nhiễm trùng uốn ván do dẫm phải đinh vài ngày trước. Do tình trạng khá nặng, bệnh nhân phải điều trị trong thời gian khá dài để có thể bình phục.

Để hạn chế khả năng mắc các bệnh nguy hiểm từ vết thương nhỏ, mọi người cần chăm sóc vết thương đúng cách. Khi phát hiện các vết thương trên cơ thể, đặc biệt với trẻ nhỏ, cần rửa sạch và băng vết thương ngay lập tức để giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Vết thương nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng uốn ván

Vết thương nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng uốn ván

Tiến hành chích ngừa uốn ván nhanh nhất có thể nếu chưa tiêm phòng hoặc tiêm quá 10 năm. Đây là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh uốn ván Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm để xác định bạn có cần tiêm hay không. Bên cạnh chăm sóc vết thương, cần tăng cường chế độ dinh dưỡng hạn chế gãi để vết thương nhanh lành. Nhập viện khi có dấu hiệu bất thường của cơ thể như sốt, khó thở…

Vết thương lớn có thể hoại tử

Với trường hợp anh L, vết mổ cũ có dấu hiệu sưng tấy đỏ cách đây một năm nhưng gia đình khó khăn nên không thể điều trị. Đây là điều kiện cho ruồi đẻ trứng trong vết thương và phát triển. Hằng năm, các bệnh viện cũng phải tiếp nhận các trường hợp hoại tử nhiễm trùng vết thương sau mổ. Các trường hợp này thường xảy ra khi bệnh nhân chăm sóc tại nhà.

Rửa vết thương sạch bằng nước muối và băng bó cẩn thận để tránh nhiễm trùng

Rửa vết thương sạch bằng nước muối và băng bó cẩn thận để tránh nhiễm trùng

Mỗi vết mổ phẫu thuật, vết khâu lại có cách chăm sóc khác nhau, tuỳ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là một số lưu ý chung:

Với vết thương có chỉ khâu, cần tiến hành tháo chỉ theo đúng quy định, không áp dụng với chỉ tự tiêu. Cần liên hệ bác sĩ khi chân chỉ gây đau, khó chịu.

Luôn giữ vết thương khô sạch, thay bông, gạc thường xuyên, sử dụng thuốc sát trùng hoặc nước muối sinh lý để rửa vết thương. Tuyệt đối không tự ý thoa thuốc kháng sinh bôi đắp chất lạ (lá trầu tỏi giã nhuyễn…).

Nếu được phép tắm cũng tránh tắm lâu, làm ướt vết thương. Không nên vận động mạnh hoặc để vết mổ tiếp xúc nhiều với ánh sáng.

Nhập viện để kiểm tra khi bị đau tăng dần, sốt, vết thương có dấu hiệu sưng đỏ phù nề có dịch hôi tiết ra từ vết thương… Khám định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ đến khi vết thương hoàn toàn bình phục.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật