Muỗi Anopheles đã truyền bệnh sốt rét như thế nào?

Để xác định vai trò truyền bệnh của muỗi Anopheles, cán bộ y tế làm công tác này thường mổ muỗi bằng kỹ thuật quy định để phát hiện ký sinh trùng sốt rét thể thoa trùng ký sinh ở tuyến nước bọt và thể nang trùng ở dạ dày của cơ thể muỗi. Vậy ký sinh trùng sốt rét phát triển trong cơ thể muỗi như thế nào để truyền bệnh?

Trong các loài muỗi, muỗi đực không đốt hút máu mà chỉ có muỗi cái đốt hút máu để thực hiện chức năng sinh sản và duy trì nòi giống. Khi muỗi Anopheles cái đốt và hút máu người mắc bệnh sốt rét có sự hiện diện của ký sinh trùng trong hệ tuần hoàn ký sinh trùng sốt rét xâm nhập vào cơ thể muỗi và tiếp tục phát triển ở dạ dày.

Ký sinh trùng sốt rét thể vô tính ký sinh trong hồng cầu người bị tiêu hóa cùng lúc với hồng cầu, trong khi đó những tế bào hữu tính trưởng thành gọi là thể giao bào vẫn tiếp tục phát triển để thực hiện giai đoạn sinh trưởng hữu tính.

Ở giao bào đực, nhân phân chia thành 4 - 8 nhân con; mỗi nhân chuyển dạng với cấu trúc giống hình sợi dài khoảng từ 20 - 25 micromet, thường gọi là tiêm mao hay lông roi. Những thể roi này tách rời hẳn tế bào gốc và hoạt động tự do. Quá trình thoát roi kéo dài khoảng vài phút trong điều kiện nhiệt độ thích hợp và có thể thấy rõ ràng trong tiêu bản máu muỗi soi dưới kính hiển vi. Thể roi của ký sinh trùng được gọi là giao tử đực.

Đối với giao bào cái, chúng trải qua quá trình trưởng thành và chuyển dạng thành giao tử cái. Trong dạ dày muỗi, giao tử đực được thu hút đến gần giao tử cái và chui vào trong giao tử cái để hoàn thành, kết thúc sự thụ tinh Kết quả sản phẩm của sự thụ tinh do phối hợp giữa giao tử đực và giao tử cái được gọi là hợp tử. Thể hợp tử có dạng hình cầu không di động trong vòng từ 18 - 24 giờ, sau đó chúng chuyển dạng kéo dài ra và di động có hình dạng hình con sâu với chiều dài từ 18 - 24 micromet di động, được gọi là noãn - động.

Thể noãn - động di chuyển ngay đến thành dạ dày muỗi và chui lọt qua giữa lớp liên tế bào ra bên ngoài bề mặt dạ dày rồi cư ngụ tại đó. Thể ký sinh trùng này chuyển dạng tròn thành hình cầu nhỏ có lớp màng thun giãn được gọi là nang trùng, noãn bào hay tế bào trứng Số lượng nang trùng ở dạ dày muỗi có thể biến động từ vài nang trùng đến hàng trăm nang trùng.

Sau đó, nang trùng sẽ tăng dần kích thước và xuất hiện trên dạ dày như những thể hình cầu, có kích thước từ 40 - 80 micromet, có nhiều hạt sắc tố. Sự phân bố, kích thước các hạt sắc tố và màu sắc của chúng có sự khác biệt là đặc điểm của từng chủng loại ký sinh trùng sốt rét. Nang trùng càng lớn dần đi đôi với sự phân chia liên tiếp, sắc tố cũng nhiều lên làm che lấp cả nhân.

Nghiên cứu sử dụng kính hiển vi điện tử đã phát hiện thêm được rất nhiều chi tiết quá trình trưởng thành của nang trùng. Bào tương tiếp tục phân chia thành nhiều thùy liên kết với nhau, tại đó xuất hiện các trung tâm mầm với các thể dạng hình kim.

Nhân phân chia của phôi bào tử tạo thành những thoa trùng hình thoi có kích thước chiều dài khoảng từ 10 - 15 micromet, có nhân ở trung tâm. Thoa trùng di động và phá vỡ màng nang trùng, xâm nhập vào xoang cơ thể muỗi. Ở muỗi già, các thành nang trùng thường gắn chặt vào dạ dày muỗi gọi là hắc bào tử Ross.

Các nhà khoa học thường xác định vai trò truyền bệnh sốt rét của muỗi Anopheles bằng phương pháp kỹ thuật mổ muỗi thu thập được trong quá trình điều tra tại vùng sốt rét lưu hành để phát hiện thể thoa trùng (sporozoite) trong tuyến nước bọt và thể nang trùng (oocyst) trong dạ dày của muỗi truyền bệnh. Chính những phẫu thuật viên mổ muỗi là người có trách nhiệm xác định vai trò truyền bệnh sốt rét của muỗi Anopheles.      

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật