Nguy hại khôn cùng khi tự điều trị bỏng cho trẻ nhỏ

Đôi khi bố mẹ chủ quan hoặc thiếu hiểu biết khiến con bị bỏng nặng hơn rất nhiều.

Bỏng do mẹ tự ý chăm con bị sốt

Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Quảng Bình) đã cấp cứu một cháu bé sơ sinh 28 ngày tuổi bị bỏng nặng ở vùng bụng, vào chiều 3-10. Cháu bé bị bỏng ở xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Người nhà cho biết do cháu bé lên cơn sốt ho chướng bụng nên bà ngoại đã dùng lá cây tam thất hơ nóng trên bếp than đỏ với quả bồ kết rồi áp trực tiếp vào vùng bụng của bé, khiến bị bỏng nặng. Các bác sĩ ở đây đã cấp cứu và điều trị chống bỏng cho bé.

Theo các bác sỹ, da của trẻ sơ sinh rất non và mỏng, khả năng điều hòa nhiệt độ của cơ thể thích ứng kém với nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, nên dễ bị bỏng khi ta chườm trực tiếp lên da trẻ.

Vì vậy, khi chườm nóng hay chườm lạnh, không được chườm trực tiếp lên da mà phải chườm qua một lớp khăn hoặc vải để tránh gây bỏng.

Bỏng do bố mẹ lơ đễnh

Do sự lơ đễnh của bố, bé Nguyễn Trần Minh Quân (20 tháng tuổi) đã bị bỏng rất thương tâm. Nhìn con đau đớn quằn quại, chị Nguyễn Thị Thư nức nở: 'Chị ơi, giá như em được chịu đau thay con'. Hình ảnh cậu bé nằm thở yếu ớt cuộn tròn trong băng gạc khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Tai nạn bỏng kinh hoàng của cháu Quân xảy ra gần một tháng nay, khi đó bố cháu vừa đun siêu nước vừa làm việc khác, cháu đã với tay vào làm nước sôi đổ ụp vào người gây bỏng nặng. Cháu được đưa đến Viện Bỏng quốc gia cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch, vết thương bỏng rộng 40% cơ thể và sâu độ 2, độ 3, nặng hơn cả là vùng bụng, lưng, chân tay. Do nhiều phần da bị bỏng sâu đã hoại tử nên cháu phải trải qua các cuộc phẫu thuật cấy ghép da.

Theo các bác sĩ điều trị, cháu Quân đã qua cơn nguy kịch sức khỏe đang có chiều hướng hồi phục. Tuy nhiên, để lành vết thương và phục hồi chức năng thì còn lâu dài. Vết thương ở hai bên bẹn, đùi của cháu rất nặng, nếu may mắn thì sẽ không ảnh hưởng tới khả năng vận động. Chặng đường cứu con của gia đình chị Thư vẫn còn nhiều gian khó.

Bỏng do than củi

Tháng 3/2012 bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận một bé sơ sinh bị bỏng da với diện tích 40% cơ thể do nằm sưởi than củi. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, vùng da ở mông, đùi và hai chân nổi mẩn đỏ, vùng mặt bị viêm loét nặng. Anh Nguyễn Văn Thắng, bố bệnh nhi phải nhập viện cho biết, cuối tháng 2/ 2012, gia đình thấy thời tiết rất lạnh nên đã dùng than củi sưới ấm cho con trai là cháu Nguyễn Văn Minh (sinh ngày 25/2/2012), trú tại thôn Sơn Thủy, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Khoảng 2 ngày sau, gia đình phát hiện thấy cháu có nổi mẩn đỏ ở mông, đùi, lưng và 2 chân, vùng mặt bị viêm loét. Gia đình có mua thuốc nam về điều trị cho cháu gần một tuần, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm và ngày càng nặng thêm. Ngày 3/3, gia đình đưa bé Minh vào viện và được các bác sĩ bệnh viện Nhi Thanh Hóa chẩn đoán bỏng da độ 1,2 trên diện tích 40% cơ thể. Sau 5 ngày chữa trị, đến ngày 8/ 3 của bệnh nhi đã đỡ hơn rất nhiều, các vết thương bị bỏng ở da đã khô, không có dấu hiệu bị nhiễm trùng

Lưu ý khi sơ cứu bỏng cho trẻ:

Trường hợp chườm lá bị bỏng: Khi con bị ốm sốt, chướng bụng các bậc cha mẹ không nên tự ý chườm lá cho con tại nhà. Bởi lá không có tác dụng làm giảm các triệu chứng bệnh của trẻ. Hơn nữa, trong lá có nhiều tạp chất mà các bé sơ sinh làn da mỏng dễ dẫn tới trường hợp bị viêm da nguy hiểm tới sức khỏe của bé.

Khi phát hiện con ho sốt, chướng bụng, bố mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ để nhận biết triệu chứng bệnh và điều trị ngay. Có như thế mới điều trị được đúng thuốc đúng bệnh bé mới nhanh khỏe được.

Trường hợp bé bị bỏng nhiệt: Khi phát hiện bé bị bỏng nhiệt điều đầu tiên các bố mẹ cần phải làm ngay là dội nước lạnh sạch nhanh cho bé. Với trường hợp bỏng trên 5% sau khi dội nước lạnh làm mát, cha mẹ nên  đưa con đến bệnh viện để điều trị kịp thời. Tuyệt đối bố mẹ không được dùng đá để chườm cho con, như thế chị làm cho bé thêm nặng hơn.

Còn với việc dùng các bài thuốc dân gian tất cả chỉ là lưu truyền và không có cơ sở khoa học, việc các cha mẹ tự ý dùng thuốc tự chăm con ở nhà là không nên. Làm như thế không những không chữa khỏi vết thương cho con mà còn nguy hiểm tới sức khỏe của bé.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật