Người cao tuổi dùng thuốc cần lưu ý gì để đạt được hiệu quả tốt nhất

Có thể nói, tuổi càng cao thì số lượng thuốc dùng để chữa bệnh càng nhiều. Bởi vì khi về già (tuổi già) sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển. Vậy với người cao tuổi khi dùng thuốc cần lưu ý gì?

Có thể nói, tuổi càng cao thì số lượng thuốc dùng để chữa bệnh càng nhiều. Bởi vì khi về già (tuổi già) sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển. Trong khi đó người già lại thường hay mắc nhiều bệnh, đa số là bệnh mạn tính… nên việc dùng nhiều thuốc một lúc và dùng thuốc trong thời gian dài là khó tránh khỏi… Vậy người già cần ghi nhớ những điều gì để tránh nhiều “hậu quả” khi dùng thuốc?

Khi đi khám bệnh

Khi đi khám bệnh, người bệnh cần nói rõ cho bác sĩ biết về các triệu chứng (diễn biến) bệnh tật của mình các bệnh mắc kèm và các thuốc mình đang dùng (kể cả thuốc chữa bệnh đông y hoặc tây y và thuốc bổ như vitamin…), đã từng bị dị ứng với thuốc nào (nếu có) và cả những thói quen ăn uống trong sinh hoạt hàng ngày như hút thuốc uống rượu cà phê… (các chất này có ảnh hưởng tới việc dùng thuốc). Bác sĩ căn cứ vào các đặc điểm trên sẽ cân nhắc khi kê đơn, lựa chọn thuốc làm sao vừa đạt được mục đích điều trị bệnh hiện tại, vừa tránh hoặc hạn chế sự tương tác bất lợi của các thuốc khi dùng cùng hoặc sẽ có những lời khuyên hữu ích giúp người bệnh dùng thuốc hiệu quả hơn...

Tái khám đúng lịch hẹn

Thông thường, khi đi khám bệnh, người bệnh thường được bác sĩ hẹn tái khám. Thời gian tái khám tuỳ thuộc vào bệnh và tình trạng bệnh tật, có thể từ 3 ngày cho đến 1 tháng hoặc hơn… Mục đích là để đánh giá hiệu quả điều trị của đơn thuốc đã dùng như thế nào, mức độ chuyển biến bệnh ra sao? Có những trường hợp qua việc tái khám, bác sĩ có thể phải thay đổi liều lượng thuốc hoặc phải thay đổi thuốc (nếu cần) cho phù hợp hơn với tình trạng diễn biến của bệnh…

Không dùng đơn thuốc cũ và mách nhau dùng thuốc

Nên nhớ, khi điều trị là điều trị cho người bệnh chứ không phải là điều trị bệnh. Bác sĩ sẽ khám cụ thể trên từng người bệnh và căn cứ vào tính chất bệnh lý, sức chịu đựng của cơ thể, có hay không các bệnh mắc kèm, thậm chí còn đề phòng các biến chứng có thể xảy ra do một bệnh khác mắc kèm… để kê đơn thuốc phù hợp với từng người bệnh cao tuổi. Ví dụ, một người bị bệnh về khớp nhưng đã từng bị loét dạ dày - tá tràng thì bác sĩ sẽ có sự cân nhắc trong việc dùng các thuốc kháng viêm không steroid corticoid (vì các thuốc này có tác dụng phụ là gây loét dạ dày - tá tràng) hoặc sẽ có biện pháp phòng loét khi dùng các thuốc này…

Vì thế, nhiều người bệnh có cùng triệu chứng, thậm chí cùng bệnh nhưng thuốc dùng lại khác nhau là vậy. Có thuốc người này dùng được nhưng người kia lại không dùng được (vì cơ thể có chống chỉ định). Vì vậy, người bệnh không được chia sẻ, dùng chung đơn thuốc hoặc mách nhau dùng thuốc là rất nguy hiểm.

Hơn nữa, với một người bệnh, nhưng ở mỗi giai đoạn tính chất bệnh lại khác nhau nên thuốc dùng cũng không giống nhau. Vì vậy, người bệnh không nên dùng lại đơn thuốc cũ. Khi bị bệnh hoặc bệnh cũ tái phát, người bệnh nên đi khám, bác sĩ có thể sẽ quyết định phác đồ điều trị thích hợp hơn, loại bỏ những thuốc điều trị kém hiệu quả, hoặc dùng tiếp những thuốc thấy vẫn còn cần thiết, hoặc thêm những thuốc mà diễn biến mới của bệnh đặt ra…

Tuân thủ y lệnh của bác sĩ

Khi được bác sĩ kê đơn, người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định. Tránh những trường hợp thấy bệnh giảm đi (tưởng khỏi) tự ý bỏ thuốc hoặc giảm liều dùng (điều này hay xảy ra ở những người bệnh tăng huyết áp viêm khớp…) sẽ làm cho bệnh không khỏi, thậm chí nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ người bệnh tăng huyết áp uống thuốc một thời gian thấy huyết áp ổn định, tự ý bỏ thuốc. Khi huyết áp tăng đột ngột dễ bị tai biến và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Ngược lại, thấy bệnh lâu khỏi lại sốt ruột tự ý tăng liều dùng sẽ gây quá liều dẫn tới tình trạng ngộ độc thuốc ở người già.

Theo dõi tác dụng phụ và hợp tác chặt chẽ với bác sĩ

Đối với người bệnh nói chung và người già nói riêng, việc hợp tác chặt chẽ với bác sĩ là rất quan trọng.

Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần biết phát hiện những bất thường (tác dụng không mong muốn của thuốc hoặc do tương tác thuốc) có thể xảy ra để thông báo cho bác sĩ biết. Vì có nhiều tác dụng phụ hay tương tác của thuốc sẽ trở nên nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời.

Hơn nữa, người bệnh cũng phải tự theo dõi diễn biến bệnh tật (tốt lên hay xấu đi) trong quá trình điều trị, liên hệ thường xuyên với bác sĩ để bác sĩ có thể điều chỉnh phác đồ phù hợp hơn (nếu cần)...

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật