Những căn bệnh phổ biến tạo ra thiên tài như thế nào?

Nghiên cứu về bệnh tật của các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, người ta tình cờ phát hiện ra rằng, một số nhà bác học, nhà chính trị hay thiên tài hội họa, văn học tuy nổi tiếng ở các thời đại khác nhau nhưng cùng mắc một căn bệnh nào đó giống nhau. Sự trùng hợp này khá phổ biến, đến nỗi trong giới khoa học, một giả thuyết đã được đặt ra là: liệu có phải chính những căn bệnh đó đã tác động khiến cho người mắc bệnh có được khả năng phi thường?

Những bệnh nhân viêm khớp nổi tiếng

Giả thuyết "bệnh tật tạo ra thiên tài" lần đầu tiên được nhà di truyền học người Nga Vladimir Froismon đưa ra hồi đầu thế kỷ 20. Ông đã dành nhiều thời gian để thống kê một danh sách "những thiên tài bị ảnh hưởng của bệnh viêm khớp trong đó có các tên tuổi lớn như Isaac Newton, Charles Darwin, Christophe Colombo, Galileo, Francis Bacon, Voltaire...

Theo nghiên cứu của Froismon thì bệnh viêm khớp thường gây ra một lượng axit uric cao trong máu. Loại axit này là tác nhân kích thích bộ óc làm việc mạnh mẽ. Thành phần của axit uric cũng tương tự như thành phần của chất caffein và theobromin - những chất kích thích có trong cà phê và chè. Trong nghiên cứu của mình, Froismon còn đưa ra một kết luận khiến nhiều người cũng ước muốn giá như mình mắc bệnh viêm khớp Đó là hiện tượng nhiều axit uric trong máu không chỉ giúp làm tăng khả năng nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lý học, hóa học, thiên văn học mà còn thúc đẩy các nhà hoạt động xã hội và tài năng nghệ thuật, văn chương phát triển. Danh sách những thiên tài chịu ảnh hưởng của bệnh viêm khớp còn có các danh họa như Michel Angelo, Rembrandt, thiên tài âm nhạc Beethoven và nhà chính trị nổi tiếng người Đức Otto Bismarck... 

Tài năng khởi phát từ... cơn động kinh

Nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky không mắc bệnh động kinh thuỳ thái dương thì văn học Nga thế kỷ 19 chắc không thể phong phú đến vậy. Dostoevsky đã trải qua hơn 100 cơn co giật trong suốt 20 năm cuối đời. Chính sau những cơn động kinh đó ông đã viết ra những tác phẩm nổi tiếng với các nhân vật bị mắc bệnh động kinh như nhân vật Smirdyakov trong tiểu thuyết Anh em Karamazov, hoàng tử Myshkin trong Kẻ ngu dốt... Ngoài văn hào Nga Dostoevsky, danh sách những tài năng xuất chúng khác được cho là có liên quan đến căn bệnh động kinh còn khá dài, bao gồm: nhà triết học Socrates - ngọn đuốc tư tưởng phương Tây; hoàng đế La Mã Julius Caesar - người đã từng có lần bị co giật ngã xuống sông Tiger, rồi Đại đế Alexander, Napoleon, Soren Kierkegaard - cha đẻ thuyết hiện sinh, các nhà soạn nhạc kỳ tài Handel, Paganini và Tchaikovsky cũng đều là nạn nhân của bệnh này.

Triết gia Aristotle là người đầu tiên đặt mối liên hệ giữa động kinh và óc sáng tạo. Ông cho rằng chính các cơn co giật động kinh đã có uy lực mạnh mẽ tác động đến óc sáng tạo hoặc khả năng thần kỳ. Tuy nhiên, vào thời của Aristotle, không ai đi sâu tìm hiểu mối liên hệ này. Cho đến thời hiện đại, trong lúc nhiều người cho rằng sự gặp gỡ giữa tài năng đặc biệt và căn bệnh động kinh trong một con người chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì đã có một số nhà khoa học đi sâu nghiên cứu vấn đề này.

Mới đây nhất, các nhà khoa học Pháp tuyên bố đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh động kinh và thiên tài ở một số người. Giáo sư Eve la Plante cho rằng sự hoạt động bất thường của não ở bệnh động kinh có vai trò trong sự suy nghĩ sáng tạo. TS. Paul Spiers cũng có lập luận tương tự: co giật làm bùng lên xung điện ở các vị trí khác nhau của phần não về cảm xúc cũng như trí nhớ Nhà phân tâm học David Bear nhận thấy sự hoạt động bất thường trong bệnh động kinh có thể kết nối nhiều hoạt động thần kinh. Ngoài việc dễ bị ảo tưởng, bệnh động kinh còn kéo theo chứng ham thích viết lách. Khao khát viết và viết liên tục, hoạ sĩ huyền thoại Van Gogh là biểu hiện rõ nét của căn bệnh này. Ông vẽ không ngừng và viết cho anh trai nhiều bức thư mỗi ngày. 

Những thiên tài có cánh tay vượn

Một căn bệnh khác cũng được coi là có liên quan đến sự ra đời của các thiên tài là hội chứng Marfan hay còn gọi là hội chứng tay vượn. Dưới tác động của hội chứng marfan người bệnh thường có những biểu hiện bề ngoài rất dễ nhận thấy như: tầm vóc cao gầy nhưng thân mình lại ngắn, tay và chân cũng như các ngón đều dài quá khổ. Có người tay dài tới đầu gối giống như tay vượn. Mặt dài và hẹp giống như bị... nén ép từ hai bên. Kiểu người "kỳ hình dị tướng" như vậy được tìm thấy khá nhiều trong số những vĩ nhân, các nhà bác học nổi tiếng của nhân loại, có thể kể đến Newton, nhà vật lý học lỗi lạc, nhìn vào quả táo rơi mà phát hiện ra định luật vạn vật hấp dẫn; Darwin, nhà sinh vật học người Anh, "ông tổ" của học thuyết hiện đại về sự tiến hóa các loài; Colombo, nhà hàng hải thiên tài đã tìm ra châu Mỹ; nhà bác học Galileo...

Gần đây nhất là Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865), người có công xóa bỏ chế độ nô lệ ở nước này. Ông có năng lực làm việc phi thường, khả năng phán đoán và lòng dũng cảm, đồng thời cũng có khuôn mặt dài và hẹp đặc trưng của người mắc hội chứng Marfan. Ngoài ra còn có Tổng thống Pháp Charles de Gaulle (1890-1970). Ngay từ khi còn nhỏ, Charles de Gaulle đã biểu hiện lòng dũng cảm và thông minh. Ông có tầm vóc cao lớn hơn tất cả bạn bè và bờ vai hẹp hình góc nhọn rất đặc biệt.

Theo lý giải của các nhà khoa học, hội chứng marfan là một hội chứng di truyền làm tổn thương mô liên kết, khiến nó sản sinh ra nhiều chất catecholamin trong máu. Đây là tố chất góp phần kích thích sự hoạt động cao của trí óc và sinh lý cơ thể, khiến cho hầu hết "người bệnh" đều có năng lực làm việc không biết mệt mỏi không cần nghỉ ngơi. Chính khả năng làm việc phi thường như vậy đã mang lại cho thế giới nhiều nhân vật xuất chúng.

Cho đến nay, danh sách các thiên tài được sinh ra từ một căn bệnh nào đó đã được hầu hết giới khoa học ở châu Âu và Bắc Mỹ nhất trí thừa nhận. Danh sách này bao gồm cả thảy 400-500 tên tuổi trong suốt chiều dài lịch sử của nền văn minh chúng ta. Tuy vậy, dù cho các nhà di truyền học y học, các nhà tâm lý học có cố gắng đến mấy để tìm hiểu bản chất của mối liên hệ giữa bệnh tật và thiên tài thì họ cũng sẽ mãi mãi không bao giờ làm sáng tỏ được vấn đề mấu chốt: làm thế nào để tạo ra được những con người xuất chúng!      

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật