Sức khỏe: Thoát vị đĩa đệm - Ðừng coi thường nó nhé!

Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An là bệnh viện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng lớn nhất tỉnh Nghệ An chuyên các bệnh về thần kinh; bệnh cơ - xương - khớp;  bệnh hô hấp; biến chứng do bệnh hoặc sau phẫu thuật. Bệnh viện có thể phục hồi chức năng thoát vị đĩa đệm cột sống - một trong những loại bệnh có tỷ lệ mắc khá cao ở nhiều lứa tuổi khác nhau, nếu không điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống.

Nguyên nhân mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống: Ở người lớn tuổi thường có sự thoái hóa đĩa sống, lúc đó vành thớ mất tính đàn hồi, từ đó nhân nhầy dễ dàng phá vỡ vành thớ để di chuyển về phía sau, hay phía bên khi cột sống làm các động tác hàng ngày khiến đĩa đệm cột sống phải chịu những động lực trong mọi chiều. Người trẻ thường do yếu tố sai tư thế khiến đĩa đệm cột sống bị đè ép quá nặng dẫn đến tổn thương vành thớ như động tác gập xoay cột sống, gập duỗi và nghiêng của cột sống.

Thoát vị đĩa đệm cột sống gây triệu chứng gì?

Thoát vị đĩa đệm cột sống thường gây ra triệu chứng đau vùng cột sống, kèm theo các hội chứng đau các dây thần kinh tương ứng vùng cột sống bị thoát vị đĩa đệm. Tùy theo rễ thần kinh đi ra từ đốt sống bị thoát vị đĩa đệm tương ứng (vùng cổ, vùng ngực hay vùng thắt lưng), chẳng hạn nếu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây chèn ép thần kinh hông to (thần kinh tọa).

Người bệnh có biểu hiện đau dọc từ thắt lưng xuống mông rồi mặt sau đùi xuống gót chân, đau liên tục hay thành cơn, nghỉ ngơi giảm đau khó vận động. Giai đoạn muộn có teo cơ yếu cơ hạn chế vận động, co cứng cơ cạnh sống. Khám lâm sàng có dấu hiệu điểm đau Vallex, bấm chuông, Lasegue... Phản xạ gân xương giảm hoặc mất do tổn thương rễ thần kinh tùy vào vị trí thoát vị đĩa đệm phản xạ gân gót giảm trong tổn thương rễ thần kinh S1...

Phục hồi như thế nào?

Giai đoạn cấp: Nằm nghỉ ngơi tại chỗ, trên đệm cứng, bất động ở tư thế nằm không mang tải. Điều trị vật lý trị liệu (bằng nhiệt hồng ngoại, paraffin, siêu âm điều trị, sóng ngắn, điện phân, điện xung, giao thoa...).

Sau giai đoạn cấp, bệnh nhân đỡ đau có thể điều trị thêm kéo giãn cột sống thắt lưng, ngực, kéo giãn cột sống cổ bằng máy kéo giãn cột sống để gia tăng lỗ liên đốt, giảm chèn ép rễ thần kinh Điều trị vật lý trị liệu (như trên). Tập vận động.

Sau phẫu thuật 1-7 ngày: tập thở ho tập gồng cơ tứ đầu đùi và các cơ chi dưới, cơ tam đầu cánh tay, các cơ chi trên, cơ thang, cơ vùng cổ, ngực... Sau 2 tuần, cho ngồi với nẹp thắt lưng, nẹp ngực, nẹp cổ. Sau 3 tuần có thể ngồi thẳng. Bệnh nhân phải mặc áo nẹp trong vòng 3 tháng. Các điều trị khác theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Điều trị giải ép đĩa đệm bằng tia laser hay sóng radio cao tần, hay áp dụng cho trường hợp nhẹ như lồi đĩa đệm và thoát vị dưới dây chằng dọc sau. Có một số trường hợp có thể gây biến chứng.

Y học cổ truyền điều trị thoát vị đĩa đệm

Sử dụng các dạng thuốc sắc hoặc thuốc viên hoàn tán: Tùy theo từng thể bệnh mà mà có các “Pháp điều trị” theo đối pháp lập phương pháp khác nhau như hành khí hoạt huyết; thư cân hoạt lạc; bổ thận âm, bổ can huyết, an thần, cố tinh, điều hòa khí huyết; khu phong, tán hàn, trừ thấp, bổ can thận Ngoài ra, có thể sử dụng các bài thuốc cổ phương như: “Độc hoạt tang ký sinh”; “Tam tý thang”; “Phòng phong thang”; “Quyên tý thang”...

Xoa bóp nắn chỉnh cột sống: Dùng các thủ thuật: “Phát, day, ấn, bóp, bấm, đẩy” tác động vào vùng lưng, cột sống theo đường đi của dây thần kinh tương ứng với các vùng bị bệnh.

Châm cứu: (điện châm hoặc laser châm): Tùy theo từng vị trí thoát vị đĩa đệm cột sống và vùng dây thần kinh bị chèn ép để chỉ định các huyệt châm cứu cho phù hợp

Thủy châm: Thủy châm bằng các thuốc vitamin nhóm B thuốc dẫn truyền thần kinh, giảm đau, giãn cơ, kháng viêm vào các huyệt cho phù hợp.

Theo dõi và tái khám

Giáo dục tư vấn các bài tập tốt cho cột sống sửa chữa các tư thế xấu. Định hướng nghề nghiệp thích hợp với tình trạng bệnh, kiểm tra chụp phim khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, cần thiết có thể chụp MRI (cộng hưởng từ).

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật