Trùng roi thìa gây bệnh đường ruột - Cách điều trị và phòng bệnh

Trùng roi thìa có tên khoa học là Giardia intestinalis, gây bệnh đường ruột ở người, nhất là ở trẻ em. Bệnh gây đau bụng, đại tiện lỏng, xen kẽ với táo bón, nếu nặng phân có nhầy máu.

Chu trình gây bệnh của trùng roi thìa

Trùng roi thìa là một loại ký sinh ở ruột và gây bệnh cho người. Tác nhân gây bệnh là thể kén của trùng roi thìa, chúng sống rất lâu ở môi trường như: trong phân, đất ẩm, kén sống được 3 tuần; trong nước kén sống được 5 tuần. Nguồn bệnh là do người bệnh đào thải kén theo phân ra ngoài và người lành mang trùng. Một vài nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nhiễm trùng roi thìa ở trẻ em khoảng 15%, ở người lớn khoảng 1-10%. Bệnh lây lan rất dễ dàng qua đường tiêu hóa: kén trùng roi thìa theo thức ăn, nước uống rau sống bàn tay bẩn, đồ chơi trẻ em... xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa Vì thế mọi người đều có thể bị nhiễm bệnh

Trùng roi thìa tồn tại ở thể hoạt động và thể kén. Thể hoạt động có chiều dài từ 9-21µm, chiều ngang từ 5-15µm, chiều dày từ 2-4µm. Chúng có 4 đôi roi, một đôi đi ra phía trước, một đôi ở giữa, một đôi ở bụng và một đôi ở đuôi. Thể kén có hình trái xoan, vỏ dày có hai lớp. Kích thước thể kén có chiều dài từ 10-14µm, chiều rộng từ 7-9µm.

Trùng roi thìa sống ký sinh trên bề mặt niêm mạc ruột non tá tràng, hoặc ở đường dẫn mật, trong túi mật Chúng di chuyển rất nhanh nhờ có 4 đôi roi và luôn thay đổi vị trí ký sinh. Trùng roi thìa hấp thu chất dinh dưỡng bằng hình thức thẩm thấu qua màng nhân. Những thể hoạt động theo thức ăn xuống cuối ruột non rồi đến đại tràng Ở đại tràng, phân dần dần trở nên rắn, thể hoạt động biến thành thể kén theo phân ra ngoài. Kén ở ngoài môi trường lại xâm nhập qua đường tiêu hóa vào cơ thể người, khi đến tá tràng sẽ thoát kén và trở thành thể hoạt động để tiếp tục vòng đời ký sinh của chúng.

Vòng đời của trùng roi thìa gây bệnh

Vòng đời của trùng roi thìa gây bệnh

 

Bệnh đường ruột do nhiễm trùng roi thìa

Tất cả mọi người đều có thể nhiễm trùng roi thìa vì chúng có khả năng lây lan qua đường tiêu hóa theo thức ăn, nước uống, rau sống, bàn tay bẩn, đồ chơi trẻ em nhiễm bẩn... vào cơ thể người. Trùng roi thìa ký sinh ở đường tiêu hóa sẽ gây bệnh. Tùy theo số lượng trùng roi thìa và cơ địa của từng bệnh nhân mà có những triệu chứng khác nhau. Ở người lớn có khoảng 50% các trường hợp bị nhiễm trùng roi thìa nhưng ít hoặc không có triệu chứng.
 
Đây là nguồn bệnh nguy hiểm dễ làm lây bệnh cho người khác vì chúng ta không biết để phòng ngừa. Đối với trẻ em nhiễm trùng roi thìa đều có triệu chứng ít hay nhiều. Do trùng roi thìa thường bám chặt vào niêm mạc ruột và luôn luôn hoạt động thay đổi vị trí nên chúng thường xuyên kích thích các đầu mút thần kinh ở ruột gây ra tình trạng rối loạn tiết dịch, rối loạn nhu động ruột, dẫn đến viêm ruột. Thường gặp các triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, có khi xen kẽ táo bón, nếu bệnh nặng có thể thấy phân có nhầy lẫn máu.
 
Do số lượng trùng roi thìa rất lớn, có khi lên đến hàng triệu trùng roi thìa trên 1cm2 niêm mạc ruột, chúng phủ kín niêm mạc ruột ngăn cản sự hấp thu các chất dinh dưỡng ở ruột, nhất là sự hấp thu chất mỡ, các loại vitamin A, D, E, K... là các vitamin hòa tan trong mỡ cần thiết cho sự phát triển hệ cơ, xương. Hậu quả là trẻ bị bệnh này sẽ bị suy dinh dưỡng, còi cọc, sút cân, đau bụng, tiêu chảy có tính chất chu kỳ, phân có mỡ... Mặt khác, các chất chuyển hóa của trùng roi thìa có ảnh hưởng độc đối với hệ thần kinh, gây cho trẻ bệnh bị mất ngủ, biếng ăn. Nhiều khi trùng roi thìa còn gây viêm đường dẫn mật và túi mật.

Trùng roi thìa gây bệnh đường ruột

Trùng roi thìa gây bệnh đường ruột

Bệnh do nhiễm trùng roi thìa rất khó phân biệt với các bệnhtrẻ em như suy dinh dưỡng còi xương do đó phải dựa vào chẩn đoán ký sinh trùng học. Xét nghiệm phân có thể phát hiện thể kén hoặc thể hoạt động của trùng roi thìa. Hiện nay, dùng chẩn đoán huyết thanh miễn dịch bằng phương pháp Elisa được áp dụng để phát hiện kháng nguyên của trùng roi thìa. Xét nghiệm sinh học phân tử dùng kỹ thuật PCR để phát hiện trùng roi thìa.

Phương pháp điều trị và phòng bệnh

Thuốc có thể dùng để điều trị gồm: quinacrin, liều lượng tùy theo cân nặng của bệnh nhân, có thể dùng 0,01g cho mỗi kilôgam trọng lượng cơ thể, dùng liên tục trong 5 ngày Metronidazolthuốc được lựa chọn vì có tác dụng tốt diệt trùng roi thìa và ít độc. Người lớn dùng liều lượng 0,75g/24giờ, liên tục trong 5 ngày. Trẻ em từ 5-15 tuổi, dùng liều 0,5g/24giờ, liên tục trong 5 ngày. Trẻ em dưới 5 tuổi dùng liều 0,25g/24giờ, liên tục trong 5 ngày. Điều trị hỗ trợ bằng cách bổ sung các loại viatamin A, D, E, K...

Các biện pháp phòng chống bệnh: phát hiện những người bị nhiễm trùng roi thìa gồm bệnh nhân và người lành mang trùng để điều trị. Giữ vệ sinh ăn uống: dùng lồng bàn đậy thức ăn không để ruồi, nhặng, gián và các loài côn trùng truyền bệnh khác làm ô nhiễm thức ăn. Thực hiện ăn chín uống sôi. Thường xuyên rửa sạch đồ chơi và bàn tay của trẻ em để tránh nhiễm bệnh. Mọi người cần thực hiện rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với đồ vật và dụng cụ lao động. Quản lý tốt phân, nước, rác. Không dùng phân tươi bón rau...

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật