Cảnh báo: Mẹ tỉnh không cho con ăn trứng vịt lộn nhiều

Mình cười lăn lộn khi biết có mẹ coi trứng lộn là 'thần dược' cho con trẻ.

Đọc bài chia sẻ: Uống nước trứng lộn bé thông minh của mẹ Mốc mà tôi cười lăn lộn, chỉ muốn chạy ngay ra chợ mua thật nhiều, thật nhiều trứng lộn về cho con ăn thôi - tất nhiên đó là trong trường hợp tôi là người mẹ nông nổi! Bởi lẽ, chỉ cần nghe qua thôi thì rất nhiều mẹ đã phải thốt lên: "Vô lí quá!" rồi, và tôi cũng vậy!

Cứ nghĩ, khi con đang còi dí vì biếng ăn tự nhiên lại có một loại thực phẩm giúp bé ngon miệng, ăn nhiều, lại mập mạp và thông minh thì lí tưởng quá rồi còn gì. Hơn nữa trứng vịt lộn vừa rẻ lại rất dễ mua, cứ ra hàng ăn sáng hay chợ, thậm chí tạp hóa cũng có. Nếu nó có tác dụng "kì diệu" như mẹ Mốc nói thì không chỉ tôi mà mẹ nào cũng sẵn sàng mua cả rổ về dự trữ cho con ăn hàng ngày. Tiếc là chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều đó, thế nên tôi chẳng dại gì mà làm theo cả. Bởi chăm con như thế khác nào hại con!

Ừ thì trứng lộn bổ, tôi công nhận điều đó vì theo các nghiên cứu dinh dưỡng đáng tin cậy, trong 1 quả trứng lộn có thể chứa khoảng 182kcal năng lượng; 13,6g protein; 12,4g lipit; 82mg canxi; 212mg phốtpho; 600mg cholesterol… Ngoài ra, còn có nhiều betacaroten (435µg); vitamin A (875µg), một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C…nữa. Dù tôi mỏi mắt tìm mà chưa thấy thành phần nào giúp bé thông minh cả, tuy nhiên, chỉ cần con mập mạp, khỏe mạnh theo đúng nghĩa là tôi mừng lắm rồi. Thế nhưng...

Theo mình, trứng vịt lộn không phải là 'thần dược' cho trẻ

Theo mình, trứng vịt lộn không phải là 'thần dược' cho trẻ

Xem ra lượng protein lipid trong trứng cao thế kia thì cũng có thể khiến con có da có thịt hơn đấy! Nhưng khoan, tôi tìm hiểu thì được biết, 1 quả trứng có chứa tới 875µg vitamin A trong khi hàng ngày bé chỉ cần tối đa là 400µg thôi. Nếu mỗi ngày đều cho con ăn trứng lộn thì chẳng phải thừa quá nhiều vitamin A ư? Nếu vậy thì làm sao con khỏe được vì lượng vitamin A thừa có thể gây rất nhiều nguy hại cho bé. Giống như bác sĩ của Xì trum đã nói vitamin A được hòa tan trong dầu mỡ nên khi dư thừa, chúng tích lũy dưới da gan làm vàng da bong tróc biểu bì, gây ảnh hưởng đến việc hình thành xương và rất nhiều tác hại khác nữa. Vì thế mẹ Mốc có thể vô tư cho con ăn nhiều trứng như vậy chứ tôi thì chỉ nghe qua đã sợ lắm rồi!

Mà không chỉ thừa vitamin A mới gậy hại đâu mẹ nó à, bất cứ chất nào thừa cũng có ảnh hưởng không tốt với bé. Trẻ con muốn khỏe mạnh, phát triển tốt thì cần bổ sung dinh dưỡng toàn diện, chứ không phải ăn càng nhiều trứng lộn càng tốt đâu. Bởi trứng lộn tuy bổ thật đấy, nhưng nó không thể cung cấp tất cả các dưỡng chất mà bé cần được. Mẹ Mốc nói rằng: "... thử hỏi, với những bé còi cọc vì lười ăn, thiếu chất như Mốc nhà mình thì liệu có khả năng dư thừa dinh dưỡng không?..." thì tôi xin thưa rằng là: hoàn toàn có! Bởi vì sao, đơn giản là 475µg vitamin A dư thừa mỗi ngày đó không thể tự động chuyển hóa thành vitamin khác mà bé đang thiếu được. Thế nên mẹ nó có vẻ đã nhầm lẫn chăng, khi coi trứng lộn như "thần dược"? May mắn là Mốc chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhưng tôi e rằng tình trạng này mà tiếp tục thì hoàn toàn không ổn chút nào.

Tôi cũng rất hiểu tâm trạng buồn phiền, lo lắng của các mẹ khi bé biếng ăn, vì tôi cũng từng trải qua rồi. Nhưng tôi thực sự thấy bức xúc vì những cách tẩm bổ cho con kiểu mẹ Mốc, bởi nó phản khoa học hết sức. Chúng ta ở thời đại nào rồi mà vẫn có những cách suy nghĩ quá chủ quan như vậy? Sách, báo rồi rất nhiều phương tiện truyền thông khác cung cấp những kiến thức hay và đúng đắn về cách chăm con: làm sao để bé hết biếng ăn này, bổ sung dinh dưỡng đúng cách cho trẻ này,...sao mẹ không chịu tham khảo?

Buồn cười nhất là ý kiến của bác sĩ mẹ nó cũng phản bác thì tôi chẳng còn bình luận nào thêm. Tôi chỉ muốn lưu ý rằng, với trẻ em dưới 5 tuổi thì hoàn toàn không nên ăn trứng vịt lộn vì sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé. Còn nếu bé lớn hơn thì có thể ăn nhưng tối đa là 1 quả mỗi ngày thôi, và cũng không nên ăn liên tục trong thời gian dài. Đó là ý kiến của các chuyên gia y học, mong là mẹ Mốc và các mẹ khác không nên lạm dụng để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật