Sự phát triển của trẻ 12 tháng tuổi các mẹ nhất định phải biết

Nếu như mấy tháng trước bạn còn đang trông mong trẻ biết lẫy, biết bò thì đến tháng trẻ đã vững vàng hơn.

Hãy cùng xem, 12 tháng tuổi trẻ phát triển như thế nào:

Sự phát triển về răng: Trẻ bắt đầu mọc răng khi được 6 tháng tuổi, sau đó số răng được tính bằng công thức: Số răng = Số tháng tuổi - 4 (Ví dụ: trẻ 12 tháng tuổi sẽ có 8 răng). Ðến 24 tháng trẻ hoàn tất bộ răng sữa 20 cái. Có một số trường hợp trẻ chậm mọc răng, có thể do suy dinh dưỡng còi xương Vì vậy, các bậc phụ huynh nên tăng cường phơi nắng vào buổi sáng cho trẻ (mỗi ngày từ 15-20 phút để cơ thể tổng hợp vitamin D), đồng thời chú ý cho trẻ uống sữa không dưới 500ml/ngày để cung cấp đủ canxi

Chế độ ăn của trẻ cũng cần phù hợp với số răng, trẻ chỉ có thể ăn cơm khi đã có răng nhai (răng hàm). Một số trẻ tuy mọc răng chậm (có thể là do yếu tố di truyền) nhưng vẫn khỏe mạnh, tăng trưởng bình thường so với lứa tuổi.

Sự phát triển vận động: Trẻ thích đẩy, ném và xô ngã mọi thứ, cũng thích chơi với những chiếc bình và xoong nồi bằng cách đặt cái nhỏ vào trong cái lớn hơn, thích làm mọi người giật mình bởi tiếng động lớn chúng gây ra khi đập các đồ vật vào nhau.

Sự phát triển phản ứng: Trẻ biết thử phản ứng của bạn khi cho ăn như lắc đầu không ăn, thôi không làm việc gì khi bạn nói không. Khả năng vận động của trẻ vẫn hoàn thiện không ngừng. Nếu như mấy tháng trước bạn còn đang trông mong trẻ biết lẫy, biết bò thì đến tháng trẻ đã vững vàng hơn. Trẻ có thể bước được nhiều bước hơn nếu như được bạn giữ một tay.

Sự tương tác tình cảm của trẻ cũng đã có nhiều tiến triển vượt trội. Trẻ đã bắt đầu biết xấu hổ lo âu khi gặp người lạ, khóc thét lên khi bạn không ở bên hay thói quen thích bắt chước người khác vẫn tiếp tục đến giai đoạn này như uống nước khi bạn uống hoặc biết dùng lược để chải đầu.

Hoạt động của trẻ: Trẻ đang ở độ tuổi thích giao tiếp xã hội và thích tìm kiếm những niềm vui mới. Tạo hoá cho trẻ khả năng biết tìm kiếm những tình huống hấp dẫn và giúp trẻ học những kỹ năng mới. Bạn nên để nhiều nhạc, sách, mời bạn bè đến chơi, tổ chức nhiều trò để trẻ có cơ hội học hỏi nhiều hơn. Trẻ sẽ học cách giao tiếp mỗi khi nhìn bạn nói chuyện với mọi người xung quanh. Trẻ luôn quan sát bạn để bắt chước theo. Bạn đừng nghĩ trẻ quá nhỏ và chẳng hiểu gì đâu nhé. Bạn bị lừa đấy. Các trẻ như những miếng xốp, thấm mọi thứ tốt lắm.

Sự tăng trưởng: Lúc này cân nặng trẻ sẽ gấp 3 lần lúc mới sinh. So sánh hình sinh nhật với hình lúc mới sinh, bạn sẽ ngạc nhiên vì thấy trẻ lớn nhanh như thổi. Nếu trẻ sinh non trẻ sẽ cần thêm thời gian để đạt những mốc phát triển chuẩn. Thời gian, thực tập, môi trường giới tính và độ trưởng thành sẽ tác động lên tổng thời gian trẻ cần để phát triển theo đúng chuẩn.

Trẻ độc lập hơn: Vì trẻ biết tự mình làm nhiều việc hơn, có thể bạn sẽ thấy có sự thay đổi trong thái độ của trẻ và cả của bạn. Trẻ không còn là một em trẻ luôn chờ đợi để được ẵm suốt trong vòng tay của bạn; bây giờ trẻ tự di chuyển và chỉ cần ôm ấp khi trẻ muốn thôi.

Trẻ cố gắng tự mình làm nhiều việc và đôi khi phát cáu nếu bạn làm giùm trẻ. Tuy vậy, trẻ vẫn cần 100% sự quan tâm của bạn. Bạn cũng không cần phải chạy vội lại chỗ trẻ mỗi khi trẻ gọi. Đó cũng là dịp tốt để dạy cho trẻ hiểu rằng bạn còn có việc phải làm và đôi lúc trẻ cũng phải biết chờ đợi. Kiên nhẫn là một trong những bài học khó nhất của cuộc sống

Thay đổi giờ ngủ ngày: Khoảng 12 tháng (hoặc có thể trong vài tháng tới), bạn sẽ thấy trẻ thay đổi giờ ngủ ngày. Trẻ sẽ chuyển từ ngủ hai giấc sang một giấc dài hơn. Mới đầu có thể trẻ sẽ đi ngủ giấc buổi sáng trễ hơn rồi đến giấc chiều không chịu ngủ nữa. Hoặc có thể trẻ vẫn ngủ giấc sáng đúng giờ nhưng ngủ lâu hơn.

Có trẻ chỉ cần một ngày là làm quen được nhưng có trẻ cũng mất vài tháng mới chuyển hẳn sang ngủ một giấc ngày. Bạn có thể sẽ phải vào đánh thức trẻ dậy vào giấc ngủ sáng để buổi chiều trẻ đủ ngon và dài hơn.

Đã qua rồi giai đoạn bi bô: Thật thú vị khi sau một thời gian trẻ bi bô những âm thanh vô nghĩa, bây giờ trẻ bắt đầu tạo ra được một số từ có nghĩa. Quá trình này không phải ngày một ngày hai mà có tốc độ phát triển ngôn ngữ ở mỗi trẻ mỗi khác.

Tuy nhiên có một điều chắc chắn là trẻ hiểu nhiều hơn trẻ nói. Bây giờ bạn có thể quan sát thấy một số điều như:

- Cử chỉ chuyển tải được nhiều điều hơn lời nói: Trẻ có thể chỉ nói được vài từ nhưng làm được rất nhiều cử chỉ như đưa hai tay lên nghĩa là ‘ẵm’ hay chỉ ngón tay vào một thứ gì đó nghĩa là ‘Cái gì vậy?’ Nếu bạn đã dạy trẻ ngôn ngữ ký hiệu thì giờ trẻ rất thông thạo.

- Có những từ có nhiều nghĩa khác nhau: Từ ‘măm’ của trẻ có thể có nghĩa là ‘Con muốn uống sữa’ cũng có thể có nghĩa là ‘Không, con muốn uống nước mà’ hay ‘Mẹ! Con làm rớt bình sữa rồi!’ Hãy lắng nghe âm điệu khi trẻ nói. Trẻ sẽ nói cùng một từ nhưng theo những cách khác nhau và sử dụng những cử chỉ khác nhau.



- Từ ngữ từ cuộc sống hàng ngày: Có lẽ không có gì ngạc nhiên nếu những từ đầu tiên trẻ nói liên quan đến cuộc sống hiện tại của trẻ: ‘Mama’, ‘Papa’, những người hoặc những con vật trẻ thích, hay những từ liên quan đến ăn uống ngủ, đồ chơi, hoặc mong muốn của trẻ.

Bắt chước: Trẻ quan sát mọi thứ bạn làm. Trẻ thích bắt chước hành động của những người xung quanh, đặc biệt là của bạn. Đó là cách trẻ học hỏi cách ứng xử cơ bản. Bạn có thể thấy trẻ cố gắng chải tóc dùng yếm của mình để lau bàn, bấm điện thoại hay thử mang mắt kiếng. Rồi cuối cùng trẻ cũng sẽ bắt chước những từ và những câu bạn nói.

Hiểu về quá trình phát triển của trẻ, bạn sẽ biết cách tạo điều kiện cho con mình tăng trưởng và phát triển một cách toàn diện nhất.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật