Đừng để làm đẹp trở thành cuộc đua vô vọng của chị em mình

Ở Việt Nam, Bác sĩ (BS_ phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) thường bị xem là “tà đạo”, là “chặt chém” là không minh bạch. Những người muốn sửa soạn cơ thể một chut bằng giải phẫu thẩm mỹ đều bị coi là vớ vẩn. Nhưng làm đẹp là một nhu cầu hoàn toàn có thật.

Trăm dâu đổ đầu tằm!

Ở các nước phát triển, PTTM và ngành công nghệ làm đẹp đã và đang là một trong những ngành dịch vụ có hiệu quả cao, được xã hội công nhận như là một trong những ngành nghề đáng quý trọng.

Những người có ý muốn được sửa sang cơ thể làm đẹp bằng PTTM được mọi người gia đình và người hôn phối trân trọng, coi như là một nhu cầu hết sức chính đáng và rất bình thường của con người, dù ở bất kỳ lứa tuổi nào.

Còn ở nước ta, theo PGS. TS. Nguyễn Hoài Nam - ĐH. Y Dược TP.HCM, nhu cầu làm đẹp nhất là làm đẹp bằng các phương pháp giải phẫu thẩm mỹ hình như: chưa được coi trọng một cách chính đáng. Nhiều người vẫn coi những người phụ nữ muốn sửa soạn cơ thể một chút bằng giải phẫu thẩm mỹ như nâng mũi, sửa mắt, lấy bớt mỡ bụng căng da mặt… đều là vớ vẩn, hơi có vấn đề.

“Do vậy, khi đi làm PTTM họ thường phải trốn nói dối gia đình, chồng con và chiều về với cái nón sùm sụp che mặt cùng cái mặt sưng húp cả hai mắt, vì không dám băng ép vết thương sợ nhiều người nhìn thấy.

Họ trốn biệt trong nhà có khi cả tuần, không dám đi thay băng săn sóc vết mổ dẫn đến tình trạng vết mổ bị nhiễm trùng sưng nề… không đạt được mong muốn của nhà phẫu thuật,” BS. Hoài Nam nói. Trong khi đó, những thầy thuốc làm PTTM cũng chẳng vui sướng gì. Trong mắt mọi người, họ hình như là “tà đạo”, là “chặt chém” là không minh bạch.

Trong mắt đồng nghiệp, họ cũng chưa được coi trọng đúng như tài năng và công việc của họ. Khi nhắc đến một bác sĩ nào đó làm PTTM, đồng nghiệp thường nhắc đến xuất thân của những người này nào là: bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ mắt… với một ngầm ý không mấy trong sáng.

Mặc dù họ đã qua những lớp học về PTTM trong nước và ngoài nước, các khóa đào tạo khá bài bản và chính vì những nguyên nhân trên, để xua đi mặc cảm, họ luôn tìm cách gây doing hoặc tự tôn vinh mình bằng những danh xưng phi thực tế như danh nhân thế giới hay viện sĩ hàn lâm…

Dư luận xã hội luôn tìm tòi những tai biến, những sai sót trong chuyên môn của ngành PTTM để tạo nên những sự kiện chấn động, với một cái nhìn thật sự phiến diện và quá khắt khe. Bệnh nhân là tội đồ và thầy thuốc cũng là tội đồ. Chưa bao giờ người ta thấy một lời khen hay một lời tôn vinh nào đó với thầy thuốc làm công tác thẩm mỹ.

PTTM: Nhu cầu hay tội lỗi?

Điều đầu tiên phải nói rằng: làm đẹp kể cả làm đẹp bằng PTTM là một nhu cầu rất chính đáng của mọi con người. Nhất là trong một xã hội phát triển, khi con người ngày càng bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền, làm đẹp là một tiêu chí cơ bản của bảng đánh giá chất lượng cuộc sống

Ở Hàn Quốc, phần lớn các phụ nữ đã sử dụng đến 40-50% số tiền mà mình kiếm được hàng tháng để mua mỹ phẩm săn sóc cơ thể và làm PTTM. Đi ngoài đường có thể gặp rất nhiều phụ nữ đẹp, họ sửa mũi, cắt mí đôi, căng da mặt… và đẹp thật. Hàng chục bệnh viện giải phẫu thẩm mỹ cho một thành phố hơn 20 triệu dân đã nâng ngành giải phẫu thẩm mỹ Hàn Quốc lên hàng nghệ thuật. Sống trong một xã hội nhiều người đẹp, chắc cũng thú vị lắm.

Ở Pháp, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng tham gia PTTM. Họ đến các bệnh viện hay các khoa PTTM một cách đàng hoàng không phải giấu giếm ai cả và việc săn sóc bệnh nhân cũng thuận tiện hơn, ít biến chứng hơn. PTTM thật sự là một chuyên ngành lớn trong toàn bộ hoạt động y tế của xã hội. Các thầy thuốc làm công tác PTTM được đào tạo bài bản, hoạt động dưới sự kiểm soát gắt gao của pháp luật và Y sĩ đoàn.

Họ được tôn vinh đúng mức và được sự kính nể của đồng nghiệp, nếu là người có tài như bao người thầy thuốc khác. Họ thành lập những Hội đoàn nghề nghiệp, xuất bản Tạp chí khoa học… sinh hoạt cùng nhau để bảo vệ lẫn nhau và trao đổi chuyên môn nghề nghiệp để nâng PTTM lên hàng nghệ thuật, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của mọi người.

Điều muốn nói thêm là tất cả các hoạt động về PTTM đều được tiến hành tại các bệnh viện chuyên về loại hình này, có sự tham gia tích cực của các thầy thuốc về tâm lý trước, trong và sau phẫu thuật để bảo đảm an toàn về sinh mệnh và tránh được những biến đổi không tốt về tâm lý ở những khách hàng đặc biệt này.

Làm đẹp là lâu dài

Theo TS. BS. Lê Hành - Trưởng khoa PTTM - Tạo hình của BV. Chợ Rẫy, giữ một ngoại hình đúng đắn thường phải đi kèm với đào luyện những khả năng khác.

Muốn có một con người đẹp là sự đào luyện lâu dài, thậm chí ngay từ khi còn là bào thai. Khi người mẹ bắt đầu mang thai cái thai ấy đã được nuôi dưỡng như thế nào. Đứa trẻ ấy được sinh ra như thế nào. Nuôi dưỡng chế độ ăn uống phương pháp tập thể dục như thế nào chăm sóc da như thế nào... Một người được chăm sóc sẽ đẹp hơn con người qua quýt rất, rất nhiều lần.

Trong cái đẹp phải có khỏe mạnh. Người khỏe mạnh mới thẳng thớm, chân dài, mắt sáng, da dẻ hồng hào, ngực nở, đùi thon và trí tuệ thông minh.

Sau đó là giữ gìn để trở thành người đẹp, bằng cách: ăn uống chống nắng sử dụng mỹ phẩm, rèn luyện cơ thể.

Hơn thế nữa, chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc làm đẹp. Muốn đẹp, chúng ta phải ăn đúng, ăn nhiều và ăn đầy đủ chất. Kiêng khem quá, trí tuệ cũng không thể phát triển lên tới đỉnh.

Vai trò của bác sĩ PTTM là hướng ý muốn làm đẹp thành những ý muốn hợp lý, phù hợp với từng cá nhân. Còn bản thân người đi làm đẹp phải biết đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng, cụ thể, phù hợp với xuất phát điểm của mình. Nếu không, chúng ta sẽ làm một cuộc rượt đuổi vô vọng đi tìm cái đẹp không bao giờ có. Và càng đi tìm cái đẹp thì càng xấu, và càng có nguy cơ gặp nhiều biến chứng. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật