Chuyên gia mách cách chăm sóc vết mổ đẻ chuẩn nhất!

Bác sĩ CK1 sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà cho biết, thời gian để có thai lại sau khi sinh mổ nên là 2 năm, thời gian càng ngắn thì nguy cơ nứt vết mổ cũ càng cao.

Trong quá trình chuyển dạ sinh mổ chỉ được các bác sĩ sản khoa chỉ định khi mẹ hoặc bé có vấn đề liên quan đến sức khỏe mà sự lựa chọn sinh mổ là giải pháp tốt nhất dành cho cả mẹ và bé

Bác sĩ CK1 sản phụ khoa Nguyễn Thị Song Hà(Nguyên Bác sĩ bệnh viện Từ Dũ, hiện đang làm việc tại phòng khám sản phụ khoa Song Hà) đã đưa ra lời tư vấn giúp các mẹ sinh mổ biết cách chăm sóc bản thân sau quá trình sinh nở

Cách chăm sóc vết mổ

Sinh mổ so với sinh thường bao giờ sự hồi phục cũng lâu hơn. Sự hồi phục còn tùy theo thể trạng của từng người và diễn tiến trong suốt cuộc mổ có vấn đề gì xảy ra hay không. “Lượng máu mất trong quá trình sinh mổ bao giờ cũng nhiều hơn so với sinh thường, chi phí cao hơn và nguy cơ bị nhiễm trùng hậu sản cũng cao hơn. Vì thế nếu có chỉ định phải mổ, các mẹ sinh mổ cần phải có chế độ chăm sóc, sinh hoạt hợp lý không nên ăn uống kiêng khem để mau hồi phục sức lực”, bác chị Song Hà cho biết. 

Bác sĩ nhấn mạnh, sau khi sinh, các mẹ cần chăm sóc vết mổ cẩn thận: “Tuần đầu tiên sau sinh, vết mổ cần được các bác sĩ và nữ hộ sinh chăm sóc, vệ sinh hằng ngày. Các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc giúp co hồi tử cung  sẽ được cho để tránh nhiễm trùng, giảm đau cũng như giúp tử cung co hồi tốt.

Các mẹ nên nhớ, nếu đau bụng cứ yêu cầu bác sĩ cho sử dụng thuốc. Không nên cố gắng chịu đau, điều đó sẽ làm các mẹ bị kiệt sức và choáng váng. Sử dụng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, những loại thuốc này không ảnh hưởng đến chất lượng sữa của các mẹ”.

Thông thường, mẹ sinh mổ sẽ được cắt chỉ sau 5 ngày nếu mổ lần đầu tiên, sau 7-8 ngày nếu mổ lần thứ 2 trở lên. Tuy nhiên, có 1 số bác sĩ may bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ.

Theo bác sĩ Song Hà, đối với vệ sinh thân thể, các mẹ có thể lau bằng nước ấm hoặc tắm nhanh, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Đặc biệt, các mẹ có thể dùng máy sấy tóc sấy ấm phòng tắm trước khi bước vào tắm. Sau khi tắm xong, nên sử dụng chăn quấn giữ ấm cơ thể 1 lúc rồi mới bước ra phòng tắm.

Sau khi tắm xong, dùng gòn sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể sát trùng vết mổ bằng dung dịch betadin. Không tự ý thoa bất kỳ thuốc hay dung dịch gì lạ khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ”, bác sĩ khuyến cáo.

Ngoài ra, có một số người có cơ địa sẹo lồi thì vết mổ sau khi liền sẽ lồi hẳn ra khỏi mặt da, có màu sậm và gây ngứa. Các mẹ có thể dùng thuốc chống sẹo lồi sau khi cắt chỉ được một tuần trở đi. Nếu thoa thuốc sớm quá có thể dễ gây nhiễm trùng vết mổ

Chế độ dinh dưỡng dành cho các mẹ sinh mổ

Sau khi mổ, các mẹ sẽ được theo dõi tại phòng hồi sức và nằm ở đó theo dõi, không được phép ăn gì trong vòng 6 tiếng. “Do các thuốc dùng trong quá trình phẫu thuật làm nhu động ruột và dạ dày của các mẹ hoạt động ở mức độ thấp và yếu. Nếu có thức ăn sẽ rất khó tiêu làm bụng đầy hơi, hoặc táo bón, gây rối loạn tiêu hóa làm cơ thể mệt mỏi khó hồi phục”, bác sĩ Song Hà cho hay.

- Đối với các mẹ gây mê trong quá trình mổ chỉ nên uống nước lọc, nước đường, ăn cháo loãng cho tới khi đi trung tiện mới bắt đầu ăn đặc, không uống sữa ngay vì dễ gây tiêu chảy

- Đối với các mẹ gây tê khi mổ, có thể ăn cháo loãng, nếu thấy tiêu hóa tốt có thể chuyển sang ăn cơm.

Sau những ngày đó, các mẹ ăn uống như bình thường, không nên kiêng khem. Bổ sung thức ăn giàu đạm và canxi, ăn trái cây, uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón. Nên ăn đa dạng các thức ăn giàu dinh dưỡng như đạm đường, chất sắt, rau củ quả nấu chín và tránh một số thức ăn hay gây dị ứng như các loại hải sản… Ăn đa dạng thức ăn không những giúp vết mổ mau lành mà còn giúp cung cấp dồi dào lượng sữa cho bé bú”, bác sĩ đưa ra lời khuyên cho các mẹ.

Sau những ngày sinh mổ, các mẹ nên bổ sung thức ăn giàu đạm và canxi, ăn trái cây, uống nhiều nước

Sau những ngày sinh mổ, các mẹ nên bổ sung thức ăn giàu đạm và canxi, ăn trái cây, uống nhiều nước

Chế độ vận động sau mổ

Khi cảm thấy bớt đau các mẹ có thể vận động nhẹ với sự giúp đỡ của người thân. Vận động nhẹ khiến nhu động ruột phục hồi tốt và tránh được táo bón Ngoài ra, vận động nhẹ cũng giúp phòng ngừa các bệnh như viêm tắc tĩnh mạch giảm nguy cơ sau phẫu thuật như dính ruột … Việc vận động đi lại nhẹ nhàng giúp các chức năng của cơ thể phục hồi nhanh hơn.

Bác sĩ Song Hà cho biết: “Vận động sau mổ còn tùy thuộc vào thể trang của mỗi người và cuộc mổ khó hay dễ trước đó. Nếu bạn có cuộc mổ khó khăn mất nhiều máu thì không nên vận động quá sớm nếu không dễ gặp nguy hiểm do té, ngã... vì cơ thể cần có thời gian lâu hơn để hồi phục.

Tập thể dục sau sinh mổ cần 4-6 tuần sau sinh mới được tập trở lại. Khi tập nếu có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường, các mẹ phải ngưng ngay và hỏi ý kiến bác sĩ rồi mới được tập lại”.

Khi cảm thấy bớt đau, các mẹ có thể vận động nhẹ với sự giúp đỡ của người thân

Khi cảm thấy bớt đau, các mẹ có thể vận động nhẹ với sự giúp đỡ của người thân

Những vấn đề cần lưu ý

- Để vết mổ nhanh lành

Để vết mổ nhanh nhanh lành, các mẹ nên làm theo hướng dẫn của bác sĩ như giữ gìn vệ sinh vết mổ tốt để vết mổ nhanh lành. Bên cạnh đó chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất và vitamin thì vết mổ cũng sẽ mau lành hơn. Nếu phát hiện vết mổ đỏ căng tức, tiết dịch, đau… thì các mẹ đã bị nhiễm trùng vết mổ. Lúc này, cần đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời.

Khoảng 2 tháng sau sinh mổ, các mẹ nên tránh vận động mạnh để không ảnh hưởng đến vết mổ. Bởi sau sinh, các khớp và cơ còn yếu.

- Cho con bú sau sinh mổ

Theo bác sĩ Song Hà, mẹ nên cho bé bú càng sớm càng tốt vì lúc này sữa non có chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất và có nhiều khảng thể giúp tăng cường miễn dịch cho bé Ngoài ra, còn giúp tử cung của mẹ co hồi tốt giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.

- Cần theo dõi những dấu hiệu

- Sau khi xuất viện về nhà, các mẹ cần theo dõi những dấu hiệu sau:

- Phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng đầu tiên báo hiệu bằng triệu chứng sốt.

- sản dịch vẫn sẽ chảy ra ngoài âm đạo như khi sinh thường. Trong 3 ngày đầu, sản dịch đỏ tươi, sau đó lượng máu càng ngày càng ngớt đi rồi chuyển sang nâu sậm. Khoảng ngày thứ 10 sản dịch sẽ có màu hơi vàng hoặc không màu.

- Nếu  bạn thấy sản dịch không có sau sinh hoặc có mùi  hoặc bị  sốt… bạn nên quay lại bệnh viện khám bác sĩ ngay vì đây có thể bạn đã bị nhiễm trùng hậu sản sót nhau hoặc băng huyết.

- Nếu vết mổ sưng, nóng, đỏ đau hoặc chảy dịch vàng là những dấu hiệu báo hiệu có thể bạn bị nhiễm trùng vết mổ bạn nên đi khám ngay để tránh bị nặng hơn.

“Thời gian để có thai lại nên là 2 năm, các mẹ nên biết thời gian càng ngắn thì nguy cơ nứt vết mổ cũ càng cao”, bác sĩ chỉ rõ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật