Cách tập luyện cho người bị thoái hóa khớp gối đúng không phải ai cũng biết

Là một trong những bộ phận phải chịu áp lực của toàn bộ trọng lượng cơ thể, khớp gối rất dễ gặp các vấn đề như viêm nhiễm, đặc biệt là thoái hóa.

Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người trên 45 tuổi, nhưng nhiều người trẻ cũng có thể mắc.

Thoái hóa khớp gối và những điều cần biết

Trên cơ thể chúng ta có nhiều khớp xương nhưng những vùng dễ bị thoái hóa nhất chính là cột sống lưng, cổ và đầu gối. Khớp gối là nơi nâng đỡ toàn bộ sức nặng của cơ thể, cũng là vùng chịu sức ép khi chúng ta cố gắng nâng một vật nặng lên, vì thế vùng này rất dễ bị tổn thương viêm sưng…

Về cơ bản thoái hóa khớp gối là tình trạng bào mòn sụn khớp, mâm chày và xương bánh chè, biểu hiện của thương tổn trên bề mặt sụn khớp, do tác động của nhiều nguyên nhân làm cho bề mặt sụn khớp bị hư. Ở giai đoạn sớm, khớp gối chưa hư ngay do dịch khớp bên trong mới có biểu hiện bị hao hụt. Khi dịch khớp hao hụt càng nhiều thì độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên và chịu lực tác động nhiều hơn.

Điều này làm bề mặt sụn khớp bị mòn dần và đưa đến tình trạng hẹp khe khớp gối. Theo thời gian, thương tổn “ăn” dần từ bề mặt của sụn rồi khuyết dưới mặt sụn, gây thương tổn tổ chức dưới sụn và phá hủy đến mô xương. Đến giai đoạn ăn vào mô dưới sụn sẽ tạo nên tình trạng khuyết xương, mà trên hình ảnh Xquang thường được gọi là gai xương

Có bác sĩ gọi nôm na là “mọc gai”, nhưng không phải xương mọc gai mà thực chất đó là hình ảnh thương tổn của khuyết xương và vôi hóa. Khi bị hư, khớp gối sẽ không thực hiện được những chức năng nâng đỡ vốn có của nó, thậm chí việc đi lại thông thường đối với người bệnh cũng trở nên khó khăn.

Một số biểu hiện đặc trưng chứng tỏ khớp gối đang bị thoái hóa: Khớp gối trở nên cứng đơ vào mỗi sáng, sau khi ngủ dậy, rất khó cử động. Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi vận động (đi bộ hoặc chạy). Thay đổi tư thế, xoay vặn khớp gối nghe thấy tiếng lắc rắc, lục cục, lạo xạo bên trong.

Mặc dù ai cũng có thể bị thoái hóa khớp gối nhưng đối tượng mắc bệnh nhiều nhất vẫn là người từ sau 45 tuổi trở đi. Khi mới bị, các khớp gối nhìn bên ngoài vẫn lành lặn như thường, bệnh nhân cũng chỉ cảm thấy đau thoáng qua, cảm giác đau không rõ rệt, chỉ nhận thấy lúc vận động mạnh hay một chút vào buổi sáng khi ngủ dậy. Đôi khi, đau diễn ra trong chốc lát, mải làm việc gì mà quên đi nên người bệnh cũng không để ý.

Tuy nhiên, sang giai đoạn sau, dịch khớp khô nhiều hơn dẫn đến các cơn đau tăng lên cả về tần suất và mức độ, đau liên tục, ngay cả khi người bệnh đã nằm nghỉ ngơi, cơn đau cũng chỉ thuyên giảm một chút rất ít.

“Thủ phạm” gây thoái hóa khớp gối là gì?

Tuổi tác: thực sự là một kẻ thù đối với hệ xương khớp Tuổi cao, các bộ phận trên cơ thể cũng dần thoái hóa. Khi các mô khớp bị lão hóa sụn khớp sẽ không được nuôi dưỡng và máu cũng không được tưới nhiều như trước nên khả năng tổng hợp chất bị rối loạn và giảm sút nghiêm trọng. Hệ quả của việc này là mòn sụn, khô cứng khớp dẫn đến sụn yếu, khả năng chịu lực và đàn hồi giảm. Khi cơ thể hoạt động, đầu xương sẽ chạm vào sụn khiến sụn phải chịu một áp lực rất mạnh gây ra hiện tượng đau nhức khớp xương.

Chấn thương: Ổ khớp và khớp có thể bị tổn thương và vỡ do một tai nạn trong lao động hay giao thông nào đó. Nếu được điều trị đúng cách, các khớp xương sẽ hồi phục từ từ. Ngược lại, chấn thương vùng khớp gối có thể gây ra việc lệch trục khớp và dần đến thoái hóa khớp gối.

Béo phì: khớp gối là nơi gánh chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể. Khi cơ thể quá cân, áp lực quá lớn lên khớp gối sẽ  khiến sụn khớp nhanh hao mòn, quá tải và thoái hóa theo thời gian.

Ngồi xổm: khi ngồi xổm, khớp gối bị kéo căng hết mức. Lúc đó, cả cơ thể và phần mông sẽ trồi ra đằng sau mà không được nâng đỡ, nhiệm vụ của khớp gối là phải gồng lên để giữ lại. Nếu điều này diễn ra ít thì không đáng ngại, nhưng việc phải ngồi thường xuyên, đầu gối vốn đã dễ hư hại lại càng thoái hóa nhanh hơn.

Cơ địa: Nhiều người không làm việc nặng nhọc và mới ở độ tuổi ngoài 30 nhưng khớp gối đã có dấu hiệu thoái hóa, yếu kém hơn cả những người trung niên. Ngoài các lý do trên thì cơ địa cũng là một tác nhân gây thoái hóa khớp gối.

Lạm dụng thuốc: Một số người do quá lạm dụng thuốc đặc biệt là corticoid dẫn đến khớp gối bị thoái hóa, bào mòn rất nhanh.

Tập luyện thế nào khi bị thoái hóa khớp gối?

Cuộc sống là vận động, bản thân các khớp nếu không chịu sức nặng thì sụn khớp sẽ không được dinh dưỡng và bị hư đi, các chất nhờn không được lưu thông tốt là ma sát trong khớp tăng dễ gây hư sụn khớp. Nhưng nếu vận động nhiều quá sẽ làm đau và hư sụn khớp. Vậy tùy theo mức độ thoái hóa của khớp gối để chọn lựa phương pháp tập luyện thích hợp.

Những môn phù hợp sẽ là những môn mà khớp gối ít bị sức nặng đè lên nhất như bơi lội, đạp xe đạp, đi bộ (đi bộ đúng nghĩa là đi nhanh chứ không phải đi tản bộ) tập thể hình Tập đi bộ dưới nước cũng như các động tác thể dục dưới nước là biện pháp được các nhà thấp khớp học khuyên cho bệnh nhân bị thoái hóa gối.

Nếu chọn môn đi bộ thì không đi quá 30 phút cho một lần đi. Trước khi đi cần làm nóng khớp gối bằng cách gập duỗi gối, tập căng cơ cẳng chân 5-10 phút. Sau khi đi về cũng không nên ngồi nghỉ ngay mà nên vận động gối nhẹ nhàng trong 5-10 phút. Cần nhớ, việc tập thể dục như là bước đầu tiên trong quá trình điều trị cơn đau, vận động đúng cách giúp xương khớp linh hoạt và kích thích tiết nhiều chất nhờn hơn, dần dần cải thiện tình trạng bệnh.

BS. Hoàng Hạnh

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật