Bệnh tâm thần, hiểu thế nào cho đúng để điều trị phù hợp?

Chị H. là một cán bộ viên chức nhà nước, sau khi sinh con được hơn một tháng, chị xuất hiện mất ngủ, buồn chán, bi quan, không có tình cảm với con mình, sợ tiếng khóc của trẻ, không muốn chăm sóc con, không tiếp xúc với mọi người... Gia đình đưa chị đến khám và điều trị tại Phòng khám chuyên khoa tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ đề nghị bệnh nhân vào viện nhưng gia đình và bệnh nhân không muốn nhập viện vì nghĩ rằng bệnh của mình không phải là bệnh tâm thần, vào viện với những bệnh nhân bị điên, mình có thể bị ảnh hưởng không tốt và dùng thuốc tâm thần có thể làm cho người bệnh mất trí nhớ, trở nên đần độn... cho đến khi người bệnh nặng lên, ăn uống kém, cơ thể suy kiệt, có ý tưởng hành vi tự sát, gia đình lại phải đưa đi cấp cứu và đến bây giờ mới thừa nhận là mình cần phải vào điều trị tại chuyên khoa tâm thần.

 

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp không hiểu và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, nhiều người có quan niệm bệnh tâm thần là bị điên, kích động đập phá, đi lang thang... dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh không đúng và kịp thời, đưa tới những hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Những quan niệm như vậy là sai, làm cho bệnh nặng, điều trị muộn, kém hiệu quả.

Hiểu bệnh tâm thần thế nào?

Những khái niệm về bệnh tâm thần đầu tiên được đưa ra từ những năm đầu của thế kỷ 14. Khi người ta thấy những bệnh nhân tâm thần có những biểu hiện kích động, đập phá, đánh người, bệnh nhân có những hành vi, động tác như là phù thủy và từ thời trung cổ được cho đó là do ma quỷ nhập vào xui khiến, dẫn đến việc điều trị phản khoa học, như đánh đập người bệnh, cúng lễ, cho vào nhà tù, giam giữ trong các nhà thương điên và tạo ra một sự kỳ thị của xã hội với bệnh nhân tâm thần...

Những bệnh rối loạn tâm thần được phân loại thành các nhóm bệnh: nhóm bệnh loạn thần, bao gồm những bệnh lý như tâm thần phân liệt, bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hưng cảm, bệnh loạn thần cấp...

Nhóm bệnh thứ hai, là nhóm bệnh tâm căn, gồm những bệnh lý rối loạn liên quan đến stress rối loạn lo âu rối loạn giấc ngủ rối loạn ám ảnh mà đây chính là những nhóm bệnh còn không chịu thừa nhận đó là phạm trù về bệnh tâm thần, người bệnh không dám nhận mình mắc bệnh tâm thần.

Trong các bệnh nhân đến khám tại phòng khám đa khoa của các bệnh viện tỉ lệ mắc các bệnh lý với những biểu hiện như tức ngực khó thở đau đầu mất ngủ những rối loạn lo âu trầm cảm những bệnh lý rối loạn tâm học đường và thường đến gặp bác sĩ chuyên khoa thần kinh, bác sĩ đa khoa, sau khi khám xét không tìm được ra những tổn thương thực tổn nào để giải thích cho những rối loạn mà người bệnh trình bày với bác sĩ, thậm chí điều trị bằng thuốc nhưng không khỏi. Vì vậy, nhiều bác sĩ đã giới thiệu bệnh nhân đến khám chuyên khoa tâm thần, nhưng nhiều người từ chối không chịu khám, gây căng thẳng với bác sĩ. Họ thường cho rằng: Tôi có bị bệnh tâm thần đâu mà cho tôi đi khám chuyên khoa tâm thần, thậm chí có những bệnh nhân khi được đi hội chẩn, nhận về khoa tâm thần điều trị còn dọa kiện bác sĩ vì dám bảo mình bị bệnh tâm thần.

Trong các bệnh viện tâm thần hiện nay đều được phân khoa rõ ràng làm hai nhóm bệnh: bệnh tâm căn và bệnh loạn thần, những bệnh nhân được phân loại và điều trị vào từng khoa khác nhau, vì vậy không có sự lẫn lộn giữa những bệnh nhân loạn thần nặng và những bệnh nhân mất ngủ lo âu trầm cảm Việc điều trị cũng theo những cơ chế khác nhau, không phải gây mất trí, gây ngớ ngẩn như nhiều người quan niệm.

Gọi tên bệnh sao cho dễ chấp nhận

Một trong những hàng rào cản, dẫn đến sự kỳ thị của mọi người, của xã hội với người bệnh mắc những chứng thuộc về rối loạn các hoạt động cao cấp của bộ não là việc dùng những thuật ngữ để chỉ bệnh. Người Việt Nam ta có câu: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

 

Việc dùng từ “bệnh tâm thần” chính là một sự cản trở sâu sắc, tạo một tâm lý đè nặng lên những người bệnh, họ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm, không dám nói với bạn bè là mình đang nằm điều trị tại bệnh viện tâm thần, không dám cho ai đến thăm. Bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi muốn bệnh nhân đến khám chuyên khoa tâm thần đều phải nói với họ là đi khám về tâm lý. Phải chăng các chuyên gia về tâm thần học nên lựa chọn một thuật ngữ nào đó để giảm bớt sự kỳ thị của xã hội, sự mặc cảm của người bệnh. Đó chính là một nghệ thuật để chữa bệnh và trước tiên là xóa bỏ được sự ác cảm của người bệnh, tạo ra được mối quan hệ thầy thuốc bệnh nhân tốt mà vẫn không mất đi tính chất phân loại bệnh, ví dụ như dùng từ bệnh tâm trí hoặc những vấn đề về sức khỏe tinh thần

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật