Hàm giữ khoảng là gì? Khi nào thì cần đeo hàm giữ khoảng?

Mất răng sữa sớm có thể gây ảnh hưởng khiến răng vĩnh viễn bị mọc lệch hoặc sai vị trí.

Vì vậy, trẻ có thể cần được làm hàm giữ khoảng khi bị mất răng sớm hoặc răng sữa bị nhổ sớm do sâu vỡ lớn, tai nạn va đập, bệnh lý toàn thân…

Hàm giữ khoảng là gì?

Hàm giữ khoảng là một khí cụ bằng nhựa hoặc kim loại, có thể tháo lắp hoặc cố định vào cung răng nhằm mục đích giữ khoảng cho răng vĩnh viễn mọc đúng vị trí. Sử dụng hàm giữ khoảng giải quyết một trong số những băn khoăn phải làm gì khi răng sữa mất sớm.

Hàm giữ khoảng giúp trẻ có hàm răng đẹp

Hàm giữ khoảng giúp trẻ có hàm răng đẹp

Các loại hàm giữ khoảng?

Hàm giữ khoảng có thể được làm bằng thép không gỉ hoặc bằng nhựa, có thể là hàm tháo lắp hoặc gắn cố định vào răng ở một hoặc hai bên cung hàm.

Hàm giữ khoảng tháo lắp được chỉ định khi khoảng mất răng trong vùng nhìn thấy, ảnh hưởng thẩm mỹ hoặc khi không có răng trụ bên cạnh vùng mất răng đủ chắc để mang hàm. Hàm thường được làm bằng nhựa với răng giả hoặc khối nhựa đặt vào vùng mất răng. Hàm giữ khoảng tháo lắp hiệu quả khi trẻ hợp tác và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về đeo hàm và bảo quản hàm.

Hàm giữ khoảng cố định thường được làm từ thép không gỉ, gồm 4 loại thường dùng: hàm giữ khoảng cố định một bên, hàm giữ khoảng chụp thép và Loop, cung lưỡi và hàm giữ khoảng hình chiếc ủng.

Hàm giữ khoảng cố định một bên, chụp thép và Loop cấu tạo từ một loop (quai dây thép) hàn cố định vào chụp thép hoặc band (khâu nắn chỉnh răng) gắn ở răng trụ ở 1 đầu của khoảng mất răng. Loop sẽ ôm nhẹ sống hàm, băng qua vùng mất răng và vừa chạm tới mặt bên của răng trụ ở đầu còn lại của khoảng mất răng.

Cung lưỡi thường dùng ở hàm dưới, trong các trường hợp mất răng sữa cả hai bên. Loại này gồm hai band gắn ở hai răng hai bên phía sau khoảng mất răng. Một cung dây thép chạy từ band răng trụ này đến band răng trụ bên kia, dọc mặt trong các răng cửa, ngăn các răng phía sau di gần vào khoảng mất răng.

Hàm giữ khoảng hình chiếc giày, có mặt bên xa ấn sâu dưới lợi để hướng dẫn răng hàm lớn vĩnh viễn thứ nhất mọc lên. Loại hàm này cần được kiểm tra thường xuyên để theo dõi mọc răng. Đa số các nha sĩ thường tránh tối đa dùng hàm này và cố gắng giữ được răng hàm sữa thứ hai lâu nhất có thể cho đến khi răng hàm lớn vĩnh viễn đầu tiên mọc.

Với trẻ bị thiếu một vài răng, có thể dùng hàm giả tháo lắp từng phần thay cho hàm giữ khoảng. Ví dụ trường hợp trẻ bị thiếu nhiều răng bẩm sinh (thường gặp trong hội chứng loạn sản ngoại bì), bị thiếu cả răng sữa và răng vĩnh viễn, trẻ cần đeo các hàm giả tháo lắp trong suốt thời kỳ niên thiếu, đến tuổi trưởng thành để phục hồi các răng bị thiếu bằng cấy ghép implant, cầu răng cố định hay hàm giả.

Khi nào thì cần đeo hàm giữ khoảng?

Không phải tất cả các răng sữa mất sớm đều cần làm hàm giữ khoảng. Nếu một trong bốn răng cửa hàm trên bị mất sớm, khoảng mất răng sẽ ổn định, không bị thay đổi gì. Nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để khẳng định trẻ có cần làm hàm giữ khoảng hay không.

Nếu răng vĩnh viễn chuẩn bị mọc, có thể không cần phải làm hàm giữ khoảng, trừ khi trẻ cần được điều trị chỉnh nha và việc giữ khoảng là cần thiết.

Một số trẻ không hợp tác với quá trình làm hàm giữ khoảng. Một số khác có nguy cơ bị tổn thương khi hàm giữ khoảng bị lỏng hay gãy vỡ. Bao gồm các tình trạng bệnh toàn thân ảnh hưởng đến cử động thở hay nuốt, hay trẻ còn quá nhỏ. Khả năng hợp tác của trẻ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định có làm hàm giữ khoảng hay không hơn là tuổi của trẻ.

Quá trình làm hàm giữ khoảng

Hàm giữ khoảng được thực hiện bởi nha sĩ hoặc bác sĩ nắn chỉnh răng.Với hàm giữ khoảng cố định, răng trụ cạnh vùng mất răng sẽ được gắn band hoặc chụp thép (nếu răng trụ là răng sữa) và lấy dấu với một vật liệu mềm như kem đánh răng Dấu này sẽ được gửi đến xưởng cùng với band/chụp thép để các kỹ thuật viên có thể làm hàm giữ khoảng. Buổi hẹn tiếp theo, hàm giữ khoảng sẽ được gắn cố định trong miệng trẻ. Với hàm giữ khoảng tháo lắp, trẻ cũng được lấy dấu ở buổi hẹn đầu tiên và dấu được gửi đến xưởng để chế tác hàm giữ khoảng.

Nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để khẳng định trẻ có cần làm hàm giữ khoảng hay không

Nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để khẳng định trẻ có cần làm hàm giữ khoảng hay không

Chăm sóc hàm giữ khoảng và tái khám

Hàm giữ khoảng có thể gây khó chịu trong vài ngày đầu nhưng trẻ sẽ sớm thích nghi. Hàm giữ khoảng tháo lắp có thể ảnh hưởng đến phát âm của trẻ trong thời gian đầu. Chải răng thường xuyên để giúp lợi khỏe mạnh là rất quan trọng. Trẻ đeo hàm giữ khoảng cố định cần tránh đồ ăn cứng hoặc dai dính, như kẹo dẻo và kẹo cao su. Vì đồ ăn này làm lỏng band và có thể bị mắc vào vòng dây thép. Cần nhắc trẻ không dùng tay hay lưỡi ấn vào hàm giữ khoảng, sẽ gây lỏng hàm và rơi hàm.

Nha sĩ sẽ chụp X-quang định kỳ để theo dõi răng vĩnh viễn mọc. Khi răng vĩnh viễn bên dưới sẵn sàng mọc thì có thể tháo hàm giữ khoảng. Nếu bạn không đưa trẻ đến kiểm tra định kỳ - ít nhất 6 tháng 1 lần thì hàm giữ khoảng có thể gặp vấn đề. Đặc biệt là khi trẻ không chải răng đầy đủ, phần mô lợi có thể trùm lên cả phần dây thép, tăng nguy cơ viêm nhiễm. Trong trường hợp đấy, bác sĩ có thể cần phải loại bỏ phần mô lợi bằng phẫu thuật.

Nếu răng vĩnh viễn bị mất, thiếu, hàm giữ khoảng có thể được đeo giữ cho đến khi trẻ trưởng thành (khoảng 16 - 18 tuổi). Khi đó, trẻ có thể được làm phục hình cầu răng, cắm ghép implant hay hàm giả tháo lắp cho vùng răng bị mất.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật