Hành động sai lầm này khi sơ cứu có thể cướp đi thời gian vàng cứu sống trẻ bị đuối nước

Trẻ bị đuối nước nếu sơ cứu không đúng cách trẻ rất dễ bị tử vong hoặc để lại di chứng cao.

Dốc ngược hay vác chạy trẻ bị đuối nước – sai lầm khiến trẻ không còn cơ hội sống sót

Mới đây, trên trang facebook N.T.Đ chia sẻ video về trường hợp một trẻ không may bị đuối nước khi đi tắm biển. Facebook N.T.Đ đã đưa ra lời cảnh báo: 'Bố mẹ hãy cẩn thận khi cho con nhỏ đi biển, vì không phải cứ biết bơi là có thể tắm được ở những nơi sóng ngầm mà người đi biển vẫn gọi là dòng chảy xa bờ, cậu bé đã không được may mắn'. Lời cảnh báo nguy hiểm đuối nước là hiển nhiên, tuy nhiên điều đáng nói ở đây là cách sơ cứu trong video mà facebook N.T.Đ chia sẻ.

Trong đoạn clip một người đàn ông mặc áo đen thay vì hỗ trợ hô hấp ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân thì anh đã cầm hai chân của cậu bé dốc đầu xuống để nước có thể chảy ra.

Khi người đàn ông mặc áo đen làm động tác trên thì có tiếng của một người bên ngoài nói 'dốc đầu, quay đi thì nước mới ra'. Sau một lúc làm động tác như vậy người đàn ông mặc áo đen đặt cháu xuống để cho một thanh niên áo trắng ép tim ngoài lồng ngực nhưng không hề hà hơi thổi ngạt. Sau gần 1 phút sơ cứu không thành công thanh niên áo trắng đã cõng cậu bé chạy đi cấp cứu.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, trong những ngày hè trẻ theo cha mẹ đi chơi biển, về quê có sông, hồ vì vậy số ca bệnh nhân đuối nước cũng tăng lên. Khi bị đuối nước, nếu không được sơ cứu đúng cách có thể khiến cho trẻ tử vong rất đáng tiếc.

Một trong những cách sơ cứu sai phổ biến hiện vẫn còn tồn tại là vác trẻ trên vai chạy hoặc dốc ngược bệnh nhân xuống đất. Mục đích là để nước trong đường thở có thể chảy được ra ngoài.

Việc dốc ngược bệnh nhân xuống đất đã vô tình làm mất đi thời gian vàng để cứu sống trẻ (Ảnh cắt từ clip).

Việc dốc ngược bệnh nhân xuống đất đã vô tình làm mất đi thời gian vàng để cứu sống trẻ (Ảnh cắt từ clip).

'Cách làm này đã vô tình làm mất đi thời gian vàng để cứu sống trẻ. Trẻ bị đuối nước sẽ rơi vào tình trạng thiếu oxy, các cơ quan tổ chức, trong đó có não bị ảnh hưởng nặng nề. Bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở thì cách duy nhất phải cung cấp oxy cho bệnh nhân. Nếu cấp cứu tại chỗ không kịp thời và sai cách sẽ giảm được di chứng và tử vong cho trẻ', bác sĩ Toàn nói.

Xử trí trẻ bị đuối nước đúng cách

Theo bác sĩ Toàn, trẻ bị đuối nước cần nhanh chóng vớt trẻ lên bờ, đánh giá về mặt hô hấp qua nhìn, nghe, cảm nhận, hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân, ép tim ngoài lồng ngực (kĩ thuật hồi sức tim phổi CPR), các kỹ thuật này làm đúng cách sẽ cứu sống được trẻ.

Bác sĩ Toàn cho hay, để cứu sống trẻ đầu tiên phải tiếp cận được nạn nhân và đưa bệnh nhân tới nơi an toàn để tiến hành sơ cứu. Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi sẽ đặt trẻ theo tư thế trung gian đầu, cổ, ngực tạo thành đường thẳng. Đối với trẻ lớn hơn để trẻ nằm thẳng, cằm hất lên và đầu hơi ngửa ra sau (tư thế ngửi hoa). Cả hai tư thế này mục đích để khí đi vào phổi dễ dàng nhất.

Để cứu sống trẻ đầu tiên phải tiếp cận được nạn nhân và đưa bệnh nhân tới nơi an toàn để tiến hành sơ cứu (Ảnh: Internet).

Để cứu sống trẻ đầu tiên phải tiếp cận được nạn nhân và đưa bệnh nhân tới nơi an toàn để tiến hành sơ cứu (Ảnh: Internet).

Dưới đây bác sĩ Toàn hướng dẫn các bước sơ cứu đúng khi trẻ bị đuối nước như sau:

Bước 1: Gọi và hỏi nạn nhân, cháu ơi cháu có bị sao không? Để đánh giá trẻ còn tỉnh hay không? Nạn nhân trả lời có nghĩa là còn đường thở.

Bước 2: Nếu nạn nhân không trả lời, áp tai vào mũi và miệng của bệnh nhân, mắt nhìn lồng ngược để xem có di động hay không. Nếu trong 10 giây không cảm nhận được hơi thở của bệnh nhân thì tiến hành hà hơi thổi ngạt cho bệnh nhân.

Bước 3: Tiến hành hà hơi thổi ngạt tùy thuộc theo độ tuổi của nạn nhân. Nếu ở trẻ lớn sẽ tiến hành hà hơi miệng - miệng. Dùng tay bịt mũi nạn nhân và tiến hành hà hơi cho bệnh nhân. Số lượng hà hơi thổi ngạt được thực hiện 5 lần. Sau khi hít hơi và thổi ngạt cho bệnh nhân thì cần phải tiến hành kiểm tra mạch. Trẻ lớn kiểm tra mạch cổ và bẹn, trẻ nhỏ kiểm tra mạch cổ tay. Nếu 10 giây trẻ không có mạch sẽ tiến hành ép tim cho bệnh nhân.

Bước 4:Nếu bệnh nhân sau hà hơi thổi ngạt không có mạch thì cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân. Đối với trẻ lớn dùng một bàn tay trẻ nhỏ dùng 2 ngón tay đặt lên lồng ngực của bệnh nhân.

Khi ép tim cần chú ý ép sâu xuống 1/2 - 1/3 chiều dày của lồng ngực và tiến hành ép nhanh.

Số lượng thực hiện: 15 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt lặp đi lặp lại trong 1 phút và kiểm tra mạch của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có mạch, để bệnh nhân nằm ở tư thế an toàn, tốt nhất là nằm nghiêng. Trong trường hợp không có mạch, tiếp tục ép tim hà hơi thổi ngạt tới khi trẻ có mạch hoặc chờ nhân viên y tế tới.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật