Hội chứng ống cổ tay: Chớ xem thường để không hại sức khỏe!

Hội chứng ống cổ tay là nguyên nhân phổ biến gây tê và đau bàn tay, bệnh xuất hiện ngày càng nhiều và phần lớn gặp ở nữ giới.

Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi mô xung quanh gân gập sưng lên và làm tăng áp lực lên thần kinh giữa. Hầu hết hội chứng ống cổ tay sẽ trở nên nặng thêm nếu không được điều trị, chỉ một số ít tự khỏi ở giai đoạn đầu.

Di truyền là nguyên nhân số 1

Có nhiều nguyên nhân làm hội chứng ống cổ tay nặng lên, bao gồm:

- Di truyền là yếu tố quan trọng nhất, chẳng hạn ở một số người có ống cổ tay nhỏ hơn người khác và đặc điểm này có thể mang yếu tố gia đình

- Những người vận động cổ bàn tay lặp đi lặp lại như: đánh máy, nội trợ, lái xe, vẽ, chơi dương cầm, viết nhiều. Một số lao động dùng các dụng cụ có độ rung như máy đầm đường.

- Thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai kỳ

- Người lớn tuổi.

- Yếu tố bệnh lý (bệnh đái tháo đường viêm khớp dạng thấp, suy tuyến giáp bệnh gút).

- Hầu hết hội chứng ống cổ tay không có nguyên nhân duy nhất.

Hội chứng ống cổ tay có thể nặng lên trong các trường hợp vận động cổ bàn tay lặp đi lặp lại như ở người đánh máy, lái xe... (Ảnh: Tấn Thạnh)

Hội chứng ống cổ tay có thể nặng lên trong các trường hợp vận động cổ bàn tay lặp đi lặp lại như ở người đánh máy, lái xe... (Ảnh: Tấn Thạnh)

Triệu chứng xuất hiện từ từ

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng ống cổ tay bao gồm: tê dị cảm và đau bàn tay; có cảm giác như châm chích chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón đeo nhẫn; cảm thấy đau lan lên cánh tay, vai.

Các triệu chứng thường bắt đầu dần dần mà không có một chấn thương cụ thể. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng nặng hơn về phía ngón tay cái của bàn tay.

Các triệu chứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường xuất hiện vào ban đêm. Ban ngày, triệu chứng thường xảy ra khi đang cầm nắm một vật gì đó, như điện thoại hoặc khi đọc hay lái xe. Di chuyển hoặc lắc tay thường làm giảm các triệu chứng này. Theo thời gian, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn, bệnh nhân cảm giác bàn tay trở nên vụng về, yếu và mất tinh tế như khó viết, khó cài khuy áo. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân đánh rơi đồ vật đang cầm trên tay, để lâu sẽ xuất hiện teo cơ ở gò cái bàn tay.

Không phẫu thuật nếu điều trị sớm

Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, hội chứng ống cổ tay có thể thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Trong trường hợp chẩn đoán mức độ nhẹ và trung bình, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp điều trị đơn giản đầu tiên:

- Nẹp vải trong lúc ngủ sẽ giữ cổ tay  ở vị trí trung tính để tránh cổ tay bị cuộn tròn trong lúc ngủ.

- Dùng các thuốc đơn giản có thể giúp giảm đau như kháng viêm (NSAID), ibuprofen.

- Thay đổi hoạt động ở bàn tay để tránh các vị trí và cử động làm trầm trọng thêm triệu chứng.

- Tiêm corticoid có thể làm các triệu chứng mất đi trong một thời gian (nhưng thường sẽ tái phát).

Trong những trường hợp nặng, các bác sĩ sẽ cân nhắc việc phẫu thuật (mổ hở hay mổ nội soi) để ngăn chặn tình trạng tổn thương thần kinh không hồi phục.

Một số cơn đau sưng, cứng khớp có thể xuất hiện sau phẫu thuật, trong đó phổ biến là cảm giác hơi đau ở lòng bàn tay vài tháng. Bạn có thể được đề nghị mang nẹp vải cổ tay cho đến 3 tuần và có thể sử dụng bàn tay của mình bình thường. Việc lái xe, tự chăm sóc bản thân, cầm nắm có thể thực hiện sớm sau phẫu thuật. Bác sĩ của bạn sẽ đề nghị khi nào bạn nên trở lại công việc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật