Thực hư xung quanh chuyện thực hành “nhịn ăn chữa bệnh”?

Nhịn ăn để chữa bệnh là một vấn đề đã được đề cập và tranh luận từ khá lâu, nhất là sau ca đột tử của một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội (chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng được biết nạn nhân cũng đang áp dụng chế độ nhịn ăn 10 ngày trước khi tử vong).

Gần đây là trường hợp nhịn ăn tới 49 ngày của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ mà vẫn khỏe mạnh..., khiến dư luận lại xôn xao. Nhiều bạn đọc đã gọi điện, gửi thư tới báo SK&ĐS hỏi thực hư và có nên hay không nên áp dụng “nhịn ăn chữa bệnh”,... Để giúp bạn đọc hiểu rõ vấn đề và có thể đưa ra quyết định đúng đắn, tốt cho sức khỏe của bản thân, chúng tôi giới thiệu bài viết của ThS. BS. Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện TƯQĐ 108.

“Nhịn ăn chữa bệnh” theo quan niệm xưa?

Nhịn ăn là một trong những cách chữa bệnh cổ xưa. Ở Phương Tây, các nhà hiền triết và truyền giáo cổ xưa thường nhịn ăn bởi vì như họ nói: “No bụng thì không thích suy nghĩ”. Các nhà triết học Hy Lạp vĩ đại như: Socrates, Plato, Pytago... thường nhịn ăn trước khi viết các tác phẩm về triết học hoặc trước khi phải trải qua những kỳ kiểm tra đặc biệt vì theo họ nhịn đói sẽ kích thích khả năng trí tuệ. Ở Phương Đông, y học cổ truyền đã bàn luận và sử dụng phương pháp nhịn ăn với những tên gọi là “đoạn thực”, “đoạn cốc”, “tịch cốc” để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe dưới hình thức đơn độc hoặc phối hợp với các biện pháp không dùng thuốc khác như châm cứu xoa bóp, tập luyện khí công dưỡng sinh yoga thiền...

Quan niệm hiện nay về “nhịn ăn chữa bệnh”?

Trên thực tế, hiện nay vẫn tồn tại hai quan niệm về phương pháp nhịn ăn chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Quan niệm thứ nhất coi đây là một cách thức chữa bệnh không khoa học, vì cho rằng cơ thể mỗi ngày nhất thiết phải được cung cấp một lượng đồ ăn thức uống nhất định theo nguyên tắc đầy đủ, cân bằng và hợp lý để đảm bảo đủ năng lượng tối thiểu cho cơ thể hoạt động bình thường, những người nhịn ăn thường xuyên, đặc biệt là nhịn ăn quá dài sẽ khiến cơ thể suy mòn, nguồn năng lượng sẽ cạn kiệt, các chất dinh dưỡng sẽ thiếu hụt, ảnh hưởng không tốt tới hàng loạt các chức phận bên trong cơ thể đặc biệt là não, tạo nguy cơ gây nên nhiều bệnh lý thậm chí có thể gây tử vong ví dụ như tình trạng hôn mê do tụt đường huyết. Từ đó cho rằng không nên nhịn ăn. Quan niệm thứ hai coi nhịn ăn là phương pháp chữa bệnh tự nhiên và vạn năng, thậm chí có thể chữa được cả bệnh ung thư Họ cho rằng bệnh tật là do sự tích lũy chất độc trong cơ thể do ăn uống quá nhiều cả về lượng và chất.

Có ý kiến cho rằng: “Không một loài thú nào bụng lại đầy thức ăn không tiêu bị lên men, thối rữa do ăn quá nhiều thức ăn không tự nhiên như cái gọi là “con người văn minh”. Theo tự nhiên, mỗi con vật đều nhịn đói theo bản năng khi bị ốm, nhưng con người lại đi lạc với tự nhiên quá xa, đáng lẽ khi thiếu sự ngon miệng vì ốm, cần nhịn ăn để thanh lọc cơ thể thì chúng ta lại nhồi nhét quá nhiều thức ăn để “tăng sức khỏe của mình”. Thực chất, quan niệm thứ nhất là mang tính thái quá, quan niệm thứ hai coi nhịn ăn là phương pháp chữa bách bệnh là không đúng. Điều quan trọng không phải là phủ định hay khẳng định một cách cực đoan phương pháp nhịn ăn chữa bệnh mà rất cần phải có những công trình nghiên cứu khoa học cả trên lý thuyết lẫn thực hành, cả trên thực nghiệm lẫn lâm sàng để làm sáng tỏ vấn đề này.

Người nào không được thực hành “nhịn ăn chữa bệnh”?

Hiện nay, trên thực tế không ít người vẫn thực hành nhịn ăn để phòng chống một số loại bệnh tật theo nhiều cách khác nhau. Ví như, nhịn ăn ngắn ngày khoảng 1 tuần, nhịn ăn dài ngày có khi kéo dài vài chục ngày, nhịn ăn vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch, nhịn ăn tuyệt đối không ăn một tí gì kể cả nước (chỉ trong thời gian rất ngắn), nhịn ăn nhưng vẫn uống nước lọc, nhịn ăn kết hợp với thực hành thiền... Không thể phủ nhận là đã có trường hợp dùng cách nhịn ăn chữa một số bệnh, nhưng cũng đã xuất hiện những tai biến không đáng có khi thực hành liệu pháp này. Vậy nên, trong khi liệu pháp này được khuyến cáo là chưa nên khuyến khích thì việc thực hành cần chú ý đặc biệt những điều sau đây:

* Cần được khám, đánh giá và chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe và bệnh tật, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia về dinh dưỡng xem có cần nhịn ăn hay không, nếu có cần và có thể nhịn ăn được hay không.

* Không áp dụng nhịn ăn ở những người suy kiệt suy dinh dưỡng thiếu máu ung thư tiến triển, lao, AIDS, người mắc bệnh tiểu đường  týp 1 (nhóm phụ thuộc insulin), bệnh gan tim thận nặng hạ đường huyết những trường hợp mắc bệnh cấp tính...

* Không được áp dụng cho trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú.

* Nên thực hành nhịn ăn một cách tăng dần, tránh đột ngột bất ngờ. Lúc đầu có thể chỉ ăn hoa quả và uống sữa, sau đó chỉ cần hoa quả và nước uống, sau đó chỉ nước và cuối cùng là không dùng gì cả. Người ốm hoặc yếu có thể thực hiện nhịn từ bữa trưa cho đến tận sáng hôm sau hoặc có thể uống nước hoa quả, sữa hoặc súp rau xanh.

* Chú ý lắng nghe cơ thể mình, nếu thấy bất cứ một dấu hiệu nặng nề nào thì phải ngừng nhịn ăn và tiến hành khám bệnh ở các cơ sở y tế có đủ tư cách pháp nhân.

* Khi ngừng nhịn ăn chú ý ăn lại từ từ theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, từ dễ tiêu đến khó tiêu trong một thời gian nhất định theo hướng dẫn của các thầy thuốc và chuyên gia dinh dưỡng.

* Nên thực hiện theo nguyên tắc “tam nhân chế nghi” của y học cổ truyền là: nhân nhân chế nghi (tùy người mà dùng), nhân địa chế nghi (tùy nơi mà dùng) và nhân thời chế nghi (tùy lúc mà dùng).

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật