Luộc ngô bằng pin, muối diêm có thể gây nguy hại đến sức khỏe

Theo các chuyên gia, việc luộc ngô bằng pin, muối diêm và đường hóa học là hành động rất phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Muốn ngô nhanh nhừ có thể dùng biện pháp khác, không hại sức khỏe, lại rẻ.

Dùng pin luộc ngô: Sao người dân dại thế?   PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) phân tích: Trong chì có chất làm điện cực như kẽm, thỏi than chì nén. Khi 2 điện cực đó xảy ra quá trình điện hóa sinh dòng điện, giải phóng kẽm và gây độc.  



Chất điện ly ở trong thỏi pin gồm một số muối kim loại như Magie, Mangan. Những chất này được nấu lên với hồ để đông đặc sau đó được nhồi vào pin.   Những kim loại này mang tính kiềm, khi người bán ngô cho vào đun với ngô, nước sẽ tạo thành môi trường kiềm. Do đó sẽ khiến tinh bột (ngô…) được thủy phân khiến nhanh nhừ hơn.

Tuy nhiên, PGS Thịnh không khỏi bức xúc phải thốt lên: “Sao lại dại thế, dùng pin cho vào luộc ngô rất hại. Chì, Magie, Mangan trong pin sẽ thôi ra khiến người ăn bị ngộ độc. Còn tùy thuộc vào lượng ăn nhiều ăn ít sẽ gây ra ngộ độc tiêu hóa nặng hơn thì tích lũy và tiềm ẩn ung thư  

Nói chung, pin và hỗn hợp hóa học, không phải là thứ dùng trong thực phẩm nên không được phép sử dụng cho vào ngô”.

Vì không hiểu biết nên dân mới làm vậy, PGS Thịnh cho rằng, để ngô nhanh nhừ có một biện pháp vừa rẻ vừa an toàn là dùng thuốc muối trị bệnh dạ dày (NaHCO3) vẫn được bán ở hiệu thuốc để cho vào ngô. 

Muối này sẽ tạo ra môi trường kiềm, được phép dùng, rẻ mà ngô nhanh nhừ. Thậm chí, khi luộc bánh chưng, cho muối này vào cũng khiến bánh nhanh nhừ, lá lại xanh. Chỉ lưu ý là dùng nhiều sẽ bị nồng. 

Còn theo TS Phạm Duệ, giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, việc luộc ngô với pin sẽ khiến ngô nhiễm chì. Ngộ độc chì khiến suy giảm trí tuệ lùn, khả năng học kém, rối loạn tư duy.

Muối diêm, đường hóa học: Ung thư gõ cửa

Không chỉ cho pin, dân luộc ngô bán dạo còn cho muối diêm vào ngô giúp ngô không bị ôi thiu. PGS Thịnh cho biết:  Thông thường, ngô luộc buổi sáng thì buổi chiều dễ ôi thiu do vi sinh vật hoạt động. Đây là lý do tại sao người ta cho muối diêm vào ngô để hôm nay có ế thì mai vẫn bán được tiếp.

Lý do là muối diêm có chứa Nitrit và Nitrat. Muối diêm chỉ được sử dụng trong một số thực phẩm nhất định như trong thịt lạp sườn để tiêu diệt vi sinh vật trong thịt chứ không ai dùng cho ngô. Nếu dùng muối diêm, cũng phải dùng với 1 liều lượng cho phép để tránh độc hại. Vì ăn nhiều Nitrit thì sẽ khiến ung thư  

Một hóa chất nữa được dân cho vào ngô luộc là đường hóa học PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: Với đường để làm ngọt nước, nếu phía sản xuất cho đường cyclamate – loại đường này hiện bị cấm sử dụng tại Việt Nam - người tiêu dùng cũng không thể biết được. 

Vị ngọt của đường này còn ngon hơn đường thông thường. Tuy đã bị cấm nhưng đường hóa học Cyclamate này vẫn được bán ở nhiều nơi và người tiêu dùng có thể mua dễ dàng. Thậm chí mua mà không biết đó là đường hóa học gì, có bị cấm dùng hay không?   Theo ông Thịnh, bất kỳ một loại đường hóa học nào cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người nếu không dùng đúng hàm lượng cho phép.

Nếu dùng đúng hàm lượng cho phép thì các hóa chất đó sẽ được cơ thể người đào thải ra ngoài. Còn dùng quá hàm lượng cho phép, cơ thể người không thể đào thải ra ngoài hết, các hóa chất còn sót lại trong cơ thể thì kiểu gì cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe

Nếu như loại đường Cyclamate bị cấm sử dụng thì người ta có thể dùng đường không bị cấm như sacharin thay thế ở hàm lượng quy định. Đường saccharin có vị ngọt hơn cả đường Cyclamate trong khi giá cả cũng tương đương. Nhưng cần chú ý dùng đúng liều lượng cho phép.

Kết luận lại, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo: “Mọi chất hoá học đều có nguy cơ, nếu quá giới hạn cho phép sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc trường diễn. 

Sau khi ăn, uống... các chất này sẽ tích tụ trong nội tạng cơ thể, thậm chí vào não gây bệnh như ung thư Vì vậy, chỉ còn cách là mua đúng chỗ và sản phẩm được đảm bảo có nhãn hàng cùng niêm phong. Bản thân đơn vị sản xuất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính an toàn của sản phẩm với người tiêu dùng”. 

Trao đổi với PV, ông Lê Văn Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm phân tích và giám định thực phẩm Quốc Gia, viện Công nghiệp thực phẩm cho biết: "Hiện, có rất nhiều loại đường hóa học không có nhãn mác, tên tuổi được bán tràn lan trên thị trường. 

Cả người mua và người bán đều không phân biệt được các loại đường nên việc mua nhầm loại đường gây độc hại và bị cấm như Cyclamate về sử dụng là chuyện rất dễ xảy ra".  



Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế khẳng định: Nếu chất phụ gia đó được phép sử dụng thì nguyên tắc trong dùng phụ gia thực phẩm là có những chất sử dụng cần dùng chừng mực, dùng ở mức độ hợp lý. 

Bất kỳ chất phụ gia nào cũng phải đạt tiêu chí: nằm trong danh mục, đảm bảo độ tinh khiết, phải sử dụng đúng loại thực phẩm cho phép vì có phụ gia được sử dụng cho thực phẩm này nhưng lại không được sử dụng cho thực phẩm khác. 

Ông Phong nói vậy vì bản thân cùng một công thức hóa học, nhưng đó có thể là phụ gia thực phẩm khi có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Nếu không, chất đó dễ nhiễm kim loại nặng và chỉ được dùng trong lĩnh vực công nghiệp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật