Thêm nỗi lo sử dụng phụ gia thực phẩm có nguy cơ gây bệnh

Tại Hội thảo tập huấn về Hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm (PGTP) diễn ra ngày 30/11 tại Hà Nội, TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo, tình hình sử dụng PGTP trong thực phẩm vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đụng đâu cũng thấy PGTP

Tại hội thảo, TS. Trần Quang Trung đưa ra những thông tin liên quan đến việc sử dụng PGTP trong thực phẩm rất đáng báo động, 40% mẫu gà nhập lậu có dư lượng kháng sinh thậm chí có cả các chất phụ gia không được phép sử dụng trong chăn nuôi; hoa quả bị thúc ép chín sớm bằng hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Rồi theo khảo sát của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản trong 3 năm qua cho thấy, trong số hơn 500 mẫu rau quả thì có trên 6% nhiễm thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng. Gần 30% số mẫu thịt gia súc, gia cầm nhiễm vi sinh vật nguy hại và gần 2% thủy hải sản có tồn dư hóa chất cấm...  

Chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối PGTP lớn nhất Hà Nội hiện có khoảng 172 hộ kinh doanh (KD) thực phẩm 18 hộ KD chất PGTP. Dù hằng năm, Ban Quản lý chợ đều yêu cầu các hộ KD thực phẩm trong chợ phải ký cam kết chấp hành quy định về đảm bảo ATVSTP, tuy nhiên lần nào kiểm tra tại chợ này, các cơ quan chức năng cũng đều phát hiện sai phạm.

Mới đây nhất, qua kiểm tra tại 18 ki-ốt KD thực phẩm trong chợ, Đoàn Thanh tra liên ngành của Cục ATTP - Bộ Y tế đã phát hiện hàng loạt sai phạm về nhãn mác, cụ thể là hàng PGTP Trung Quốc không có nhãn phụ tiếng Việt, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, không có đơn vị nhập khẩu. Tương tự, qua kiểm tra 17 quầy KD thực phẩm tại chợ Kim Biên - chợ đầu mối về PGTP lớn nhất TP. Hồ Chí Minh cũng phát hiện nhiều sai phạm trong lĩnh vực này.

Nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng

Cũng theo TS. Trần Quang Trung, những thực phẩm bắt mắt màu xanh, đỏ... thì nguy cơ có PGTP không đảm bảo an toàn càng lớn. Ông Trung cũng cảnh báo, việc sử dụng PGTP độc hại liều cao có nguy cơ gây ngộ độc cấp tính, liều thấp sẽ gây ngộ độc mạn tính, nếu dùng lâu dài thì chất độc sẽ tích tụ, cộng dồn lại trong cơ thể gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe

Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên người sản xuất, KD vẫn cố tình vi phạm, còn người tiêu dùng thì vẫn dễ dãi sử dụng các loại PGTP độc hại mua trôi nổi trên thị trường. “Do đó, việc quản lý, kiểm soát mặt hàng PGTP sẽ hạn chế được việc đầu độc sức khỏe cho cả thế hệ.

Để làm được điều này, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, cũng cần nâng cao ý thức của các hộ KD thực phẩm, hãy vì lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng “nói không” với KD PGTP không đảm bảo an toàn”- ông Trung nhấn mạnh. 

Hiện nước ta cho phép sử dụng 23 nhóm PGTP với 337 chất, bao gồm cả hương liệu Tuy nhiên, chỉ 5 - 10% PGTP được sản xuất tại Việt Nam, hơn 90% lượng PGTP đang tiêu thụ tại thị trường trong nước phải nhập khẩu, trong đó riêng PGTP từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng số PGTP nhập khẩu.

Theo quy định của Nghị định 91/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hành chính về thực phẩm có hiệu lực từ ngày 25/12, đối với hành vi sử dụng PGTP, chất hỗ trợ chế biến có chứa độc hại hoặc sử dụng phụ gia là chất độc hại để chế biến, sản xuất thực phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng.

Thậm chí có thể lên đến 100 triệu đồng nếu hành vi sai phạm lớn hơn 7 lần trị giá hàng hóa. Đây sẽ là chế tài khá mạnh giúp cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các đối tượng cố tình KD, sản xuất thực phẩm có PGTP không đảm bảo an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật