Cách phòng tránh các sai sót khi dùng thuốc để hạn chế hậu quả

Gần đây, một số trường hợp sử dụng sai thuốc, sai đường dùng thuốc, dễ gây tai biến cho người sử dụng. Khoa học cũng đã chứng minh, những sai sót trong việc sử dụng thuốc không những khiến thuốc mất tác dụng mà còn có thể biến thuốc trở thành “chất độc” và có thể gây hại đến sức khỏe của người sử dụng.

Những sai sót khi dùng thuốc

Sai sót khi dùng thuốc bao gồm: sử dụng không đúng thuốc sử dụng không đúng liều, sử dụng không đúng đường dùng, sử dụng không đúng thời gian. Dù sai sót ở bất kì khâu nào đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong

Sử dụng không đúng thuốc hay dùng nhầm thuốc: Đây có thể được xem là sai sót nghiêm trọng nhất. Mỗi loại thuốc, ứng với mỗi loại dược chất được thiết kế và chỉ định cho một nhóm đối tượng bệnh lý nhất định. Những biến đổi do thuốc gây ra có thể được xem là có lợi khi sử dụng ở nhóm người bệnh này nhưng lại có thể gây hại cho nhóm người bệnh khác đặc biệt là đối với nhóm chống chỉ định của thuốc.

Dùng thuốc không đúng liều: Khi thiết kế và phát triển thuốc, các nhà nghiên cứu dựa trên “cửa sổ điều trị” của thuốc để xác định liều sử dụng. Trong đó, cửa sổ điều trị là một vùng nồng độ của thuốc mà tại đó, giá trị thấp nhất là ngưỡng nồng độ có tác dụng và giá trị cao nhất là ngưỡng độc. Khi liều lượng của thuốc nằm ngoài vùng cửa sổ điều trị thì thuốc hoặc sẽ không có tác dụng hoặc sẽ gây độc cho cơ thể.

Sử dụng thuốc không đúng đường dùng hay sử dụng không đúng cách: Mỗi loại thuốc được thiết kế dưới dạng bào chế riêng và được dùng với một đường dùng nhất định. Ứng với các đường dùng khác nhau, các đặc tính lý hóa và thành phần của thuốc và tá dược cũng được thiết kế khác nhau với các tiêu chuẩn nhất định (độ pH, độ nhớt, độ vô khuẩn, giới hạn vi sinh vật,…) để phù hợp nhất và an toàn nhất đối với đường dùng đó.

Dùng thuốc không đúng thời gian chỉ định: Là sai sót thường gặp trong việc sử dụng thuốc. Mặc dù ít gây ra những tác hại nghiêm trọng và rõ ràng như những sai sót khác. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không đúng theo chỉ định có thể mang lại những rủi ro và nguy cơ biến chứng cho người sử dụng.

Trẻ đang được điều trị tích cực tại bệnh viện sau khi bị sử dụng sai đường dùng thuốc.

Trẻ đang được điều trị tích cực tại bệnh viện sau khi bị sử dụng sai đường dùng thuốc.

Hậu quả luôn có thể xảy ra

Tác động ngược đến quá trình điều trị: Việc dùng không đúng thuốc gây ra tác động ngược đến việc chữa bệnh. Chẳng hạn, gần đây, việc cấp thuốc đẩy lưu thai bị cấp phát nhầm cho một sản phụ, khiến thai nhi bị tử vong sau đó là một trường hợp đáng tiếc đã xảy ra.

Làm bệnh nặng hơn: Khi sử dụng sai đường dùng thuốc như thuốc uống thành thuốc tiêm... thì tai biến hoàn toàn có thể xảy ra và gây hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như trường hợp tai biến của bệnh nhi 8 tháng tuổi sau khi bị tiêm nhầm kali đường uống vào đường tĩnh mạch ngay trong tháng 1/2018 tại Hà Nội khiến bệnh nặng hơn và phải cấp cứu lên bệnh viện tuyến trên.

Quá hay thiếu liều: Việc sử dụng không đúng liều có thể gây nguy hiểm, không chỉ khi sử dụng quá liều (do gây độc cho cơ thể) mà còn có thể gây những hậu quả khôn lường ngay cả khi sử dụng liều lượng thấp hơn so với chỉ định. Cụ thể, đối với việc sử dụng thuốc kháng sinh với liều thấp hơn liều được chỉ định, nồng độ kháng sinh trong cơ thể sẽ nằm dưới ngưỡng có tác dụng và không có tác dụng ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn khiến các vi khuẩn bắt đầu quen dần với thuốc và xuất hiện hiện tượng kháng thuốc. Điều này hết sức nguy hiểm và làm cho kháng sinh mất tác dụng đối với các loại vi khuẩn đã kháng thuốc ngay cả khi được sử dụng đúng liều sau này.

Ảnh hưởng đến nồng độ của thuốc: Việc duy trì đúng thời gian dùng thuốc giúp cho nồng độ thuốc trong cơ thể luôn nằm trong vùng cửa sổ điều trị và luôn có tác dụng trong suốt quá trình chữa bệnh. Nhưng khi dùng thuốc sai thời điểm, sẽ có những khoảng thời gian nồng độ thuốc nằm dưới ngưỡng tác dụng (dùng trễ so với thời gian chỉ định) hoặc trên ngưỡng độc (dùng sớm hơn so với thời gian chỉ định) và gây nguy hiểm cho người sử dụng, đặc biệt là đối với thuốc chữa các bệnh mạn tính như tăng huyết áp tiểu đường Ví dụ như trong trường hợp sử dụng thuốc chống tăng huyết áp do nồng độ thuốc sẽ giảm dần theo thời gian, nếu không sử dụng thuốc đúng thời gian để cung cấp một liều lặp lại cho cơ thể, sẽ có những thời điểm mà nồng độ thuốc trong cơ thể nằm dưới ngưỡng có tác dụng và nguy cơ xảy ra tái phát tăng huyết áp là rất cao trong khoảng thời gian này.

Thực hiện đúng nguyên tắc dùng thuốc tránh sai sót

Những sai sót này có thể xảy ra ở bất kì đâu như ở nhà, ở nơi cấp phát thuốc và thậm chí ngay cả tại các cơ sở y tế. Do đó, cả cán bộ y tế và người sử dụng cần thực hiện đúng những nguyên tắc để dùng thuốc an toàn, hợp lý.

Đối với cán bộ y tế: Để hạn chế các sai sót có thể xảy ra khi sử dụng thuốc, một hệ thống nguyên tắc khi dùng thuốc đã được xây dựng và áp dụng tại các cơ sở cấp phát thuốc và khám chữa bệnh. Đó là bộ nguyên tắc 3 kiểm tra, 5 đối chiếu và nguyên tắc 5 đúng. Trong đó, 3 kiểm tra bao gồm tên bệnh nhân, tên thuốc, liều thuốc; 5 đối chiếu là số giường, nhãn thuốc chất lượng thuốc, đường dùng thuốc và hạn dùng thuốc nhằm đảm bảo 5 đúng gồm đúng thuốc, đúng người bệnh, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian. Các bộ quy tắc này được xem là kim chỉ nam cho cán bộ y tế để hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra cho người bệnh.

Đối với người sử dụng: Người sử dụng thuốc cũng cần hình thành thói quen kiểm tra tên thuốc, hạn sử dụng, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như nắm được những chỉ định, chống chỉ định của thuốc và nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ, dược sĩ nếu có bất kì thắc mắc gì liên quan đến thuốc mình đang sử dụng. Bên cạnh đó, các thông tin về thuốc cũng như chỉ định của bác sĩ cần được ghi chép rõ ràng để tránh việc dùng nhầm thuốc hoặc các sai sót khi sử dụng thuốc có thể xảy ra.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật