Thuốc trị đau dây thần kinh tam thoa hiệu quả mà ít ai biết đến

Đau dây thần kinh tam thoa là một loại đau rất đặc thù vùng đầu - mặt, là nguyên nhân chính gây suy giảm chất lượng sống của người bệnh. Tuy nhiên, hầu hết người bệnh được điều trị bằng thuốc và có đến 70% đạt hiệu quả mong muốn.

Đau dây thần kinh tam thoa rất đặc biệt

Khi bị đau dây thần kinh tam thoa (còn gọi là dây thần kinh  số V hay dây thần kinh sinh ba), người bệnh thường có cơn đau rất nặng, ở nửa mặt, xảy ra đột ngột và thường kéo dài từ vài giây cho đến không quá một phút. Đau thường tự phát hoặc xuất phát từ một điểm khi bị kích thích được gọi là điểm cò súng (trigger spot). Đau dây thần kinh số V thường xuất hiện một bên, cũng có một số rất hiếm xuất hiện đau dây V hai bên, chiếm 3-6% trường hợp.

Những trường hợp đau hai bên không phải xuất hiện cùng một lúc mà đau một bên trong một thời gian dài rồi sau đó mới xuất hiện phía đối bên. Trên 70% đau dây V xảy ra ở người trên 70 tuổi. Đến nay, nguyên nhân và cơ chế của đau dây V vẫn còn là điều bí ẩn, các lý thuyết đưa ra vẫn chỉ là giả thuyết nhưng có thể do virut, do các khối u chèn ép (5-8%), do mạch máu chèn ép (60%).

Đa số các trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán nhầm ngay từ ban đầu do bệnh sâu răng hoặc những bệnh lý khác có liên quan đến răng và phần lớn các bệnh nhân này đã nhổ nhiều răng hàm trên hoặc hàm dưới cùng một phía với đau dây thần kinh V2 (dây hàm trên) hoặc V3 (dây hàm dưới) rất đặc hiệu. Nếu không được điều trị, cơn đau sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Điều trị được bắt đầu bằng nội khoa và khoảng 70% các trường hợp đạt kết quả.

Hình ảnh giải phẫu dây thần kinh tam thoa.

Hình ảnh giải phẫu dây thần kinh tam thoa.

Các thuốc thường dùng điều trị bệnh

Có nhiều thuốc có thể sử dụng riêng lẻ hay phối hợp với nhau để điều trị bệnh lý này, bao gồm:

Carbamazepine: Một loại thuốc chống động kinh, là thuốc chọn lựa đầu tiên với liều dùng tăng dần, cho đến khi có tác dụng hay tác dụng phụ xảy ra, liều trung bình hiệu quả là 600-1.200mg/ngày thuốc có hiệu quả khi ức chế các neurone bị kích thích bằng cách ngăn cản kênh Na+ ở màng tế bào do đó làm giảm sự phóng điện lạc chỗ. Carbamazepine dùng để điều trị cũng như có thể được dùng để trợ chẩn đoán bệnh.

Baclofen: Có thể dùng baclofen trong trường hợp không dung nạp với carbamazepine. Baclofen là thuốc chọn lựa hàng đầu khi phối hợp với carbamazepine, cũng dùng từ liều thấp đến liều đạt hiệu quả (bệnh nhân không đâu) hoặc đến khi tác dụng phụ xuất hiện. Liều hiệu quả thông thường là 50-60mg mỗi ngày. Đối với trường hợp đau nhiều, baclofen nên được dùng mỗi 3-4 giờ do thời gian bán hủy ngắn.

Lamotrigine: Một thuốc chống động kinh cũng được dùng thành công trong một số trường hợp. Lunardi và cộng sự đã dùng lamotrigine để điều trị đau thần kinh tam thoa kháng trị với các thuốc thông thường cho 15 bệnh nhân đau vô căn và 5 bệnh nhân mắc xơ cứng rải rác (SEP), kết quả là 11 trong 15 bệnh nhân vô căn giảm đau hoàn toàn và toàn bộ 5 bệnh nhân SEP giảm đau hoàn toàn.

Thuốc chống động kinh khác: Có thể dùng là gabapentin, phenytoin, valproate, pimozide, clonazepam. Gabapentin cũng là một thuốc chống động kinh mới, thường có hiệu quả sau 3-4 ngày điều trị và hiệu quả nhất sau 2 tuần. Cơ chế tác dụng có thể liên quan đến điều hòa dẫn truyền thần kinh trung tâm. Phenytoin được sử dụng để ngăn chặn và kiểm soát cơn động kinh, hoạt động bằng cách làm giảm sự lan truyền của hoạt động co giật trong não. Ngoài ra, người bệnh có thể được dùng các thuốc valproate, pimozide, clonazepam theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Một số thuốc khác: Có thể dùng như misoprostol prednisone amitriptyline, kháng viêm không steroid Tuy nhiên, hiệu quả của chúng chưa được biết rõ.

30% không thể điều trị nội khoa do không hiệu quả hay do tác dụng phụ của thuốc. Ngoài ra, 50% bệnh nhân lúc đầu đáp ứng với điều trị nội khoa nhưng về phương pháp này không còn hiệu quả, cần được điều trị ngoại khoa.

Lưu ý khi dùng thuốc

Với các thuốc điều trị đau dây thần kinh tam thoa thường có chỉ định sát sao, phù hợp trong từng trường hợp bệnh nhân cụ thể cũng như khả năng đáp ứng thuốc nên mỗi người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không so sánh, học theo hay tự ý đổi liều theo bệnh nhân khác.

Ngoài ra, một số thuốc được dùng có thể gây buồn ngủ rất cần thận trọng khi làm những công việc đòi hỏi sự tập trung cao như lái xe hay vận hành máy móc. Bưởi và nước ép bưởi không được khuyến khích dùng khi uống thuốc đặc biệt là khi người bệnh đang dùng pimozide. Thuốc cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn rất khác nhau, tùy vào loại thuốc sử dụng do đó khi thấy bất cứ dấu hiệu khác thường nào trên da, tại đường tiêu hóa… thì người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để tìm hướng giải quyết phù hợp.

Đau thần kinh tam thoa là một tình trạng đau dữ dội, dễ chẩn đoán và chủ yếu được điều trị nội khoa. Chỉ định điều trị ngoại khoa trong những trường hợp kháng trị nội khoa và trong đó giải ép vi mạch máu là phương pháp được chọn lựa hàng đầu, có hiệu quả cao và ít biến chứng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật