Những lưu ý khi sử dụng rau mùi làm thuốc trị sởi cho trẻ

Gần đây, nhiều người cho rằng hạt mùi, lá mùi có tác dụng phòng ngừa, điều trị bệnh sởi. “Không nên vội vàng phủ nhận công dụng của các loại nước lá của ông bà xưa, nhưng nếu hiểu sai về công dụng và không biết cách sử dụng sẽ làm cho các loại lá lành tính trở thành có hại cho sức khỏe” - lương y Đinh Công Bảy - Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM cho biết.

Rau mùi còn gọi là ngò ta, ngò rí, hồ tuy, nguyên tuy, hương thái. Theo y học hiện đại, rau mùi có ích cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng, làm dịu cơn đau cơ.

Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, cơn co rút cơ, và cũng được dùng chữa trị cảm. Ngoài ra, rau mùi còn có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ những chất độc. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống ôxy hóa, có tác dụng trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu.

Lương y Đinh Công Bảy cho biết, theo Đông y rau mùi có vị cay, tính ấm, mùi thơm, tác dụng phát tán thấu chẩn (làm ra mồ hôi làm cho nốt ban mau phát ra ngoài), giảm độc, làm nhẹ trạng thái nhiễm độc toàn thân (nhất là đối với bệnh sởi trẻ em); kiện vị tiêu thực (làm mạnh dạ dày kích thích tiêu hóa), dùng cho người bị tiêu chảy ăn khó tiêu… Hạt mùi, lá mùi dùng cho trẻ em mắc bệnh sởi thời kỳ đầu, sởi chưa phát, hoặc sốt kéo dài mà sởi chưa mọc hoặc mọc quá ít - dễ sinh những biến chứng nguy hiểm. Rau mùi có tác dụng thúc sởi mọc nhanh và đều, tăng tuần hoàn ngoại vi làm cho độc sởi được phát ra ngoài, trạng thái nhiễm độc được giảm nhẹ. Có thể dùng ngoài hoặc uống.

Dùng ngoài: hạt rau mùi 100-120g, tán nhuyễn, nấu với 150-200ml nước và 100ml rượu trắng, sôi khoảng 5 phút (hoặc cả thân lá giã nát để sắc, không sắc lâu), đậy kín, để nước thuốc hơi ấm khoảng 37-390C, tẩm vào gạc bông sạch để lau cổ, chân tay, lưng, ngực và bụng (theo thứ tự trên trước dưới sau: lưng trước, bụng sau).

Uống: hạt mùi khô 12-15g, nấu với 100ml, khoảng 5 phút, lọc lấy nước, chia một-hai lần, cho uống ấm sau bữa ăn. Hoặc dùng 20g hạt mùi khô, ngâm trong 1/2 lít nước sôi khoảng 10 phút, thêm ít đường. Chia uống ấm hai lần/ngày.

Tuy vậy, lương y Đinh Công Bảy lưu ý, trẻ cần phải tiêm ngừa bệnh sởi theo quy định của ngành y tế. Trong thời kỳ có dịch sởi, có thể dùng 4-8g hạt rau mùi khô, sắc nước cho trẻ uống 7-10 ngày. Việc điều trị sởi ở trẻ em đòi hỏi cần có phương pháp chăm sóc tốt, chế độ dinh dưỡng hợp lý và giữ vệ sinh cho trẻ, chống bội nhiễm và các biến chứng. Đặc biệt, không dùng hạt mùi, rau mùi lúc sởi đã mọc đều, thời kỳ toàn phát và hồi phục của bệnh sởi Lưu ý, bệnh nhân sởi có loét dạ dày chỉ được dùng ngoài, không uống.

Lương y Đinh Công Bảy nhấn mạnh, tắm nước cây mùi nói chung (cả hạt mùi, lá mùi) là một trong những phương pháp chữa bệnh nhờ tác động lên cơ thể qua hệ thần kinh mạch bạch huyếtmạch máu dưới da. Dù vậy, việc tắm này phải có chỉ định rõ ràng với từng bệnh, từng thể trạng.

Ở trẻ nhỏ, làn da rất nhạy cảm, khả năng bảo vệ kém nên sẽ không tránh khỏi chuyện dị ứng khi tắm lá. Hạt mùi, lá mùi chứa nhiều tinh dầu nên có tính kích ứng da cao. Chưa kể, trong quá trình tắm, việc kỳ cọ gây trầy xước da; hoặc da trẻ bị phát ban nhiều, trầy xước, lở loét… sẽ làm bệnh nặng hơn và rất dễ dẫn đến nhiễm trùng, nguy hiểm.

Riêng với trường hợp bệnh sởi bị biến chứng ở đường hô hấp như viêm phổi, việc hít quá nhiều tinh dầu từ hạt mùi, lá mùi sẽ làm bệnh tiến triển nhanh, có thể dẫn đến suy hô hấp.

“Tắm lá và hạt mùi đúng cách, giúp da trẻ sạch, khỏe mạnh. Nhưng đó chỉ là một trong các phương pháp phòng và chữa bệnh sởi. Quan trọng nhất vẫn phải chủng ngừa, không tiếp xúc với người mắc bệnh. Trước khi tắm lá, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.

Không tắm khi vừa ăn no vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng, ở tim dẫn đến tiêu hóa kém chóng mặt tim đập nhanh. Cũng không nên tắm khi cơ thể đang đói vì có thể bị suy kiệt, ngất xỉu. Không tắm trước khi đi ngủ, nhất là khi cơ thể khó chịu, mệt mỏi. Nhiệt độ nước tắm không cao trên 39 độ C vì có thể khiến trẻ hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu ở tim não” - lương y Đinh Công Bảy khuyến cáo.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật