Phòng chống bệnh phong bằng những bài thuốc Đông y

Bệnh phong, còn gọi là bệnh phung (miền Trung), bệnh cùi (miền Nam), bệnh hủi (miền Bắc)..., là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Mycobacterium leprae (trực khuẩn Hansen) gây nên. Trong y học cổ truyền, bệnh phong thuộc phạm vi các chứng bệnh như đại ma phong, đại phong, ma phong, lệ phong... với nguyên nhân chủ yếu là do nhân khi chính khí suy nhược (sức đề kháng giảm sút), tà khí dịch lệ chủ yếu là phong độc và thấp độc (mầm bệnh từ bên ngoài) xâm nhập vào cơ thể làm tắc các mạch lạc ở bì phu cơ biểu (da cơ) và gây thương tổn khí huyết, tạng phủ mà tạo nên bệnh cảnh đặc trưng.

Mặc dù bệnh phong vốn được coi là một trong “tứ chứng nan y” nhưng dựa trên cơ sở lý luận của y học cổ truyền và những kinh nghiệm dân gian phong phú, người xưa đã tiến hành biện chứng luận trị căn bệnh này bằng nhiều phương pháp khác nhau như dùng thuốc châm cứu bấm huyệt tập luyện khí công dưỡng sinh Bài viết này xin được giới thiệu về phương thức dùng thuốc uống trong để độc giả có thể tham khảo.

Với thể bệnh thực chứng

Chứng trạng: Da xuất hiện những dát đỏ (hồng ban) hay dát thẫm, ranh giới rõ ràng, khô hoặc có hiện tượng bong vảy, không đau không ngứa hoặc có cảm giác tê bì, các dây thần kinh thô cứng, thể trạng còn khỏe mạnh, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền. Thể này đa số thuộc loại hình bệnh phong giống lao.

Phương pháp trị liệu: thanh nhiệt giải độc, khứ phong hóa ứ. Thường dùng bài thuốc cổ Giải độc sưu phong hóa ứ thang gia giảm, gồm các vị: khổ sâm 12g xuyên tâm liên 12g kim ngân hoa 16g bồ công anh 12g, thương nhĩ tử 12g, phòng phong 10g, cương tàm 12g, đan sâm 12g xích thược 8g, kê huyết đằng 16g, đan bì 8g cam thảo 6g. Trong bài, khổ sâm và xuyên tâm liên tính vị lạnh đắng có tác dụng thanh nhiệt giải độc; kim ngân hoa giải độc táo thấp; bồ công anh thanh nhiệt giải độc tán kết; thương nhĩ tử, phòng phong và cương tàm khứ phong giải độc; đan sâm, xích thược, kê huyết đằng và đan bì hoạt huyết dưỡng huyết hóa ứ; cam thảo giải độc và điều hòa các vị thuốc.

Với thể bệnh hư chứng

Chứng trạng: Có các u phong, mảng cộp thâm nhiễm, không có giới hạn rõ rệt, màu hồng hơi tím, cảm giác bất thường, có khi tăng cảm giác, teo cơ tứ chi ở các mức độ khác nhau, xuất hiện loét ổ gà, thể trạng suy nhược, ăn kém chậm tiêu đại tiện lỏng nát, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, mạch trầm trì vô lực. Thể này đa số thuộc loại hình phong ác tính.

Phương pháp trị liệu: Ích khí dưỡng huyết, hóa ứ thông lạc, phù chính khứ tà. Thường dùng bài thuốc cổ Giải độc phù chính thang gia giảm, gồm có các vị: hoàng kỳ 24g đẳng sâm 12g bạch truật 12g bạch linh 10g ý dĩ 12g xuyên khung 8g, đan sâm 12g, bạch hoa xà thiệt thảo 16g, bồ công anh 12g xuyên sơn giáp 8g hoàng liên 10g cam thảo 6g. Trong bài, hoàng kỳ và đẳng sâm có tác dụng ích khí phù chính; bạch truật, bạch linh và ý dĩ kiện tỳ lợi thấp, giải độc; xuyên khung dưỡng huyết hoạt huyết; đan sâm hoạt huyết hóa ứ; bạch hoa xà thiệt thảo, bồ công anh và hoàng liên thanh nhiệt giải độc táo thấp; xuyên sơn giáp giải độc thông lạc; cam thảo giải độc và điều hòa các vị thuốc.

Với thể bệnh hư thực kiêm tạp

Chứng trạng: Dát hồng, thâm hoặc trắng, ranh giới rõ, cũng có thể có u phong hoặc các mảng cộp thâm nhiễm nhưng kích thước nhỏ, số lượng không nhiều, xuất hiện tình trạng tê hay bì bì, các dây thần kinh to đều đặn, toàn trạng mệt mỏi chán ăn đại tiện lúc thường lúc nát, chất lưỡi hồng rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền tế.

Phương pháp trị liệu: giải độc khứ phong, điều hòa dinh vệ, phù chính khứ tà. Thường dùng bài thuốc cổ Hòa dinh giải độc thang gia giảm, gồm có các vị: phòng phong 10g bạch thược 10g, đại táo 12g, thục địa 12g, ngư tinh thảo 12g, thương nhĩ tử 12g, sinh địa 12g, tử thảo 12g, tảo hưu 10g, thổ phục linh 16g, cam thảo 6g. Trong bài, phòng phong, bạch thược, và đại táo có công dụng khứ phong, hòa dinh, bổ trung; thục địa và sinh địa bổ huyết lương huyết, giải độc; ngư tinh thảo, thương nhĩ tử, tử thảo và tảo hưu thanh nhiệt giải độc, khứ tà; thổ phục linh lợi thấp, giải độc; cam thảo hòa trung, giải độc và điều hòa các vị thuốc.

Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, giữa các thể bệnh thường hay có sự pha trộn nên bệnh cảnh rất phức tạp. Khi đó, điều quan trọng là phải khám xét hết sức tỉ mỉ, quy nạp chứng trạng cho thật chuẩn và tiến hành gia giảm các vị thuốc sao cho phù hợp tuân thủ triệt để nguyên tắc “biện chứng thi trị” của y học cổ truyền thì mới mong đạt được hiệu quả theo mong muốn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật