Cẩn trọng mắc bệnh vì dùng ốc sên tự nhiên làm thức ăn

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) mới đây đưa ra cảnh báo nguy cơ mắc bệnh do sử dụng ốc sên tự nhiên để làm thức ăn.

Thời gian gần đây, các cơ sở điều trị của ngành y tế tại Đà Nẵng,TP HCM đã phải tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh nặng, diễn biến nguy kịch và đã có một số ca bị chết do sử dụng ốc sên làm thức ăn với lý do như làm ‘mồi nhậu chơi’, nghe đồn ăn để ‘chữa bệnh’, cho ‘bổ khớp’ và cho ‘đẹp da’…

Việc sử dụng ốc sên để chế biến thành thức ăn, đặc biệt thức ăn được chế biến ở dạng sống, tái, nướng làm xuất hiện bệnh lý cấp tính ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người ăn.

Ốc sên (Achatian fulice) là loài động vật thân mềm sống trên cạn, trong các vườn cây, ăn lá cây, phân bố rất rộng rãi khắp miền núi, trung du, đồng bằng ở Việt Nam.

Đối với ốc sên tự nhiên, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của ốc sên để ‘chữa bệnh’ hoặc dùng để ‘dưỡng khớp’ hay ‘làm đẹp’.

Và cũng chưa có bất kỳ hướng dẫn chính thức nào khuyến cáo sử dụng để làm thực phẩm do ‘độc hại’ của ốc sên.

Kinh nghiệm ở vùng nông thôn, dùng để ‘ngâm với nước tiểu’ để diệt và bón cây hoặc sơ chế sạch, nấu chín kỹ để chế biến thức ăn chăn nuôi lợn…

Thời gian khởi phát các bệnh sau khi ăn thức ăn chế biến từ ốc sên tự nhiên từ vài ngày đến 5 tuần.

Xuất hiện sốt nhẹ, vừa (37,8oC-39oC) phát ban đỏ (hồng ban), ngứa đau đầu (đau đầu khu trú chủ yếu vùng chẩm và thái dương) đau bụng, buồn nôn, nôn ói nhiều, có thể mờ mắt, mù mắt, cứng gáy, rối loạn tim mạch, khó thở, có khi liệt thần kinh trung ương (liệt một số dây thần kinh sọ não như dây III, IV, VI, VII, yếu, liệt một hoặc 2 chi dưới), rối loạn tâm thần, rối loạn ý thức hôn mê và tử vong

Có thể gây viêm phổi nặng, ổ áp-xe trong nhu mô phổi, xuất tiết và xuất huyết đường hô hấp. Xét nghiệm loại bạch cầu ái toan (Eosine) ở trong máu dịch não tủy tăng cao.

Nguyên nhân do bị nhiễm kí sinh trùng (giun tròn A. cantonensis) do ăn thịt ốc sên có ấu trùng giun tròn (Angiostrongylus cantonensis) còn sống.

Ấu trùng giun ở trong thức ăn từ ốc sên vào đường tiêu hóa, xuyên qua thành ruột, vào máu, di chuyển đến các mô, tổ chức khắp cơ thể, đặc biệt tập trung ở não gây ra gây ra tổn thương não, màng não, thần kinh trung ương, mạch máu đáy mắt và dẫn đến viêm não, màng não cấp tính.

Tại Việt Nam, một số trường hợp viêm não màng não nghi ngờ do giun tròn cũng được ghi nhận và báo cáo từ năm 1960. Mỗi năm khoảng 70-100 ca được phát hiện trên phạm vi toàn quốc.

Hiện nay, nguy cơ xuất hiện bệnh đang có chiều hướng gia tăng do thói quen ăn sống, ăn tái ốc sên, ốc bươu tự nhiên nhiễm ấu trùng giun tròn.

Đến thời điểm này chưa có thuốc đặc trị, chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm màng não do giun tròn kể cả các thuốc chống giun sán.

Khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về ốc sên, ốc bươu tự nhiên sử dụng để chế biến làm thức ăn.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng ốc sên, ốc bươu, ốc ma tự nhiên để chế biến thành thức ăn với bất cứ mục đích nào, đặc biệt là không ăn sống, ăn tái, nấu chưa chín kỹ hoặc nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh sạch sẽ đối với ốc, sò tự nhiên.

Vệ sinh môi trường, diệt chuột, diệt ốc sên, ốc bươu ở khu dân cư sinh sống để cắt đứt vòng đời sinh học của giun tròn, phòng tránh nguy cơ gây mắc bệnh cho người.

Nếu sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như sốt đau đầu đau bụng buồn nôn nổi ban cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật