Rươi - Thực phẩm có thể gây sốc phản vệ nếu không ăn đúng cách

Dù chỉ ăn một miếng nhỏ nhưng 10 phút sau, bệnh nhân đã thấy môi, lưỡi tê nóng rồi khó thở, chóng mặt.

Anh Trung nhanh chóng được người nhà đưa vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Theo các bác sĩ, khi nhập viện, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng toàn thân phù nề nổi ban, nôn, tụt huyết áp

Anh nói khó và không thể tự đi lại được. Bệnh nhân được xác định bị sốc phản vệ vì ăn thực phẩm gây dị ứng và nhanh chóng được điều trị tích cực nên đã dần bình phục.

Đây chỉ là một trong số không ít trường hợp bị sốc phản vệ khi ăn rươi phải vào nhập viện trong thời gian gần đây. Các bác sĩ Trung tâm chống độc cho biết, tuần trước, trung tâm cũng tiếp nhận một bệnh nhân bị sưng phồng hết mặt, tụt huyết áp khó thở sau khi ăn thực phẩm này.

Đó là một thanh niên ở Thạch Thất Hà Nội từng có tiền sử bị ngộ độc rươi vài năm trước và đã kiêng món này. Gần đây, đi ăn tiệc, tưởng nhầm món chả rươi là chả thịt nên anh đã ăn. Chưa xong bữa, anh đã bị sưng mắt, mặt, nôn và khó thở. Bệnh nhân nhanh chóng tụt huyết áp, lạnh run toàn thân và phải vào viện cấp cứu.

Chả rươi - món ăn rất hấp dẫn với nhiều người

Chả rươi - món ăn rất hấp dẫn với nhiều người

Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, rươi là loại thực phẩm rất giàu đạm và lượng đạm trong đó khá 'lạ' so với cơ thể nên dễ gây dị ứng Với những người có sẵn tiền sử dị ứng với các loại thực phẩm giàu đạm như tôm, cua, hến hay một số loại hải sản khác cũng dễ dị ứng khi ăn rươi. Tuy nhiên, hiện tượng sốc phản vệ với các biểu hiện tụt huyết áp, trụy tim mạch... như một số trường hợp gần đây thì ít gặp.

Theo bác sĩ, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng. Nó có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút tiếp xúc với cái gì đó bị dị ứng, chẳng hạn nọc độc từ ong, thức ăn...

Dị ứng rươi thường có biểu hiện phát ban hoặc sưng tê vùng miệng, lưỡi

Dị ứng rươi thường có biểu hiện phát ban hoặc sưng tê vùng miệng, lưỡi

Ông Duệ cho hay, những năm trước, trung tâm chống độc hiếm khi gặp các ca sốc phản vệ vì ăn rươi. Ông cho rằng, lý do khiến thời gian gần đây số ca ngộ độc này xuất hiện nhiều có thể vì hiện nay nhiều người dân hay các nhà hàng, quán ăn bảo quản rươi trong tủ lạnh để có thể sử dụng được lâu. Việc bảo quản lạnh quá lâu, không đúng quy trình, không hợp vệ sinh có thể khiến rươi bị nhiễm độc tố của vi khuẩn gây độc.

Bình thường, rươi sinh sản vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 âm lịch và mùa rươi chỉ kéo dài hai, ba tuần rồi hết. Thế nhưng, hiện nay thực phẩm này có quanh năm, một phần do được bảo quản, phần khác do một số nơi còn nuôi rươi. Những loại rươi 'trái tự nhiên' này tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cao hơn.

Bác sĩ Duệ cho biết, các triệu chứng ngộ độc rươi có thể xuất hiện ngay khi vừa ăn, hoặc vài giờ sau. Bệnh nhân có thể bị mẩn ngứa tê bì lưỡi, sưng phồng mắt, mặt hoặc buồn nôn nôn, đi ngoài...

Một số trường hợp nặng có thể khó thở suy hô hấp tụt huyết áp trụy tim mạch... Lúc này, người bệnh cần được tiến hành các biện pháp chống sốc ngay, nếu không có thể dẫn tới tử vong

Bác sĩ cũng khuyến cáo, những người có tiền sử dị ứng với các loại thực phẩm giàu đạm khác như tôm, cua, nhộng... thì nên tránh ăn rươi. Với những trường hợp khác, nên ăn vào đúng mùa, không nên bảo quản lâu.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật