Sắp có vắc-xin ngừa bệnh lậu? Các bạn hãy tham khảo thêm về căn bệnh nguy hiểm này nhé!

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng có tới 78 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh lậu mỗi năm, với hầu hết các trường hợp đều được ghi nhận ở người dưới 25 tuổi.

Gần đây, WHO đã lên tiếng cảnh báo rằng các chủng không thể chữa khỏi của bệnh lậu đang gia tăng. Việc tìm ra một loại vắc-xin ngừa bệnh lậu là một giải pháp mới cho điều trị bệnh này.

Theo một nghiên cứu mới được công bố trực tuyến trên tạp chí Lancet, sử dụng vắc xin viêm màng não nhóm B (MeNZB) có thể cung cấp mức độ bảo vệ chéo chống lại bệnh lậu Những phát hiện mới này là tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn về vắc-xin phòng ngừa bệnh lậu

TS. Helen PetousisHarris và các đồng nghiệp thuộc Đại học Auckland, New Zealand cho biết: “Trước thực trạng phát triển phức tạp của bệnh lậu hiện nay và sự gia tăng đề kháng thuốc kháng sinh sự xuất hiện của một loại vắc-xin có khả năng chống lại bệnh lậu sẽ mang lại một lợi ích rất lớn cho sức khỏe cộng đồng”.

Đây là động lực để nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu hồi cứu đánh giá các dữ liệu từ 11 phòng khám sức khỏe tình dục quốc gia ở New Zealand để xác định tỉ lệ dương tính với bệnh lậu và Chlamydia trong số những người từ 15-30 tuổi đã từng được tiêm đủ 3 liều vắc-xin MeNZB.

Tại New Zealand, khoảng 1 triệu người (81% dân số dưới 20 tuổi) đã được tiêm vắc xin MeNZB trong chương trình tiêm chủng đại chúng ở giai đoạn này. Đây là nguồn dữ liệu lớn giúp các nhà nghiên cứu có cơ hội kiểm tra giả thiết của mình. Các trường hợp dương tính với bệnh lậu được chẩn đoán sẽ được ghi nhận và phân tích. Các trường hợp dương tính với Chlamydia đơn độc sẽ được đưa vào nhóm kiểm soát.

Trong thời gian nghiên cứu là 12 năm, đã có 14.730 trường hợp đủ điều kiện để tham gia nghiên cứu, trong đó ghi nhận 1.241 trường hợp mắc bệnh lậu, 12.487 trường hợp nhiễm Chlamydia và 1.002 trường hợp đồng nhiễm với cả hai loại bệnh.

Phân tích cho thấy các bệnh nhân đã được tiêm đầy đủ cả 3 liều vắc-xin MeNZB ít hơn 41% khả năng dương tính với bệnh lậu so với Chlamydia đơn độc. Sau khi điều chỉnh thêm các yếu tố như dân tộc, khu vực địa lý, thu nhập và giới tính các nhà nghiên cứu nhận được con số chênh lệch là 31% với khoảng tin cậy cao.

Mối liên quan giữa vắc xin viêm màng não và bệnh lậu

Mặc dù hai bệnh viêm màng não và bệnh lậu rất khác nhau về triệu chứng cũng như cách lây truyền nhưng về lĩnh vực di truyền học chúng giống nhau tới 80-90%. Đây có thể là nguyên nhân lý giải cho sự bảo vệ chéo thu được từ vắc-xin MeNZB cho cả hai căn bệnh này.

Theo TS. Kate L. Seib - nhà nghiên cứu vi sinh học thuộc Đại học Griffith, Gold Coast (Úc): “Mặc dù cần thêm những bằng chứng để hỗ trợ cho giả thuyết rằng vắc-xin MeNZB cung cấp sự bảo vệ chéo chống lại bệnh lậu, nhưng từ nghiên cứu này đã cho thấy tỉ lệ giảm nhiễm sau khi tiêm MeNZB. Và đây chính là điều hứa hẹn tính khả thi của việc phát triển vắc-xin phòng bệnh lậu”.

Các tác giả nghiên cứu cho rằng, những phát hiện mới trong nghiên cứu này chưa thể khái quát hóa trên toàn bộ dân số. Vì không phải tất cả những người mắc bệnh lậu đều đến khám và điều trị tại phòng khám sức khỏe tình dục.

Nhưng thay vào đó, nghiên cứu đã lấy được ý kiến từ các bác sĩ chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân mắc bệnh lậu. Các tác giả cũng lưu ý rằng những người đến khám và điều trị tại phòng khám sức khỏe tình dục có thể khác nhau về tuổi tác, tình trạng kinh tế xã hội hoặc hành vi tình dục nhưng những người đến khám tại đây đều có nguy cơ cao đối với bệnh lây truyền qua đường tình dục Và các kết quả thu được trong nhóm những người này có thể thấp hơn so với hiệu quả thực của vắc-xin trên quần thể rộng hơn.

Vắc-xin MeNZB được phát triển để kiểm soát bệnh viêm màng não và hiện không còn được sử dụng trên thị trường. Nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng, các vắc-xin thuộc nhóm này chẳng hạn như vắc xin 4CMenB đã được phát triển và sử dụng ở nhiều nước gần đây, có thể vẫn cung cấp sự bảo vệ chéo chống lại bệnh lậu. Và những nghiên cứu sâu hơn là hết sức cần thiết trong việc tìm ra vắc xin phù hợp chống lại căn bệnh này trong tương lai.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật