Bệnh viêm não Nhật Bản bắt đầu “nóng” bạn có biết?

Thời tiết nắng nóng, sự phát triển của các loài muỗi truyền bệnh, các loài chim di cư về ăn quả chín (mùa của nhiều quả chín)... tất cả đang là những yếu tố thuận lợi cho nhiều dịch bệnh mùa hè phát sinh trong đó có bệnh viêm não Nhật Bản. Đây là bệnh lưu hành thường xuyên ở nước ta đặc biệt là các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, do vậy thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa trước mùa dịch bệnh là điều cần thiết.

Các ca mắc đang có xu hướng tăng

Bên cạnh cậu con trai 7 tuổi, Nguyễn Công Hoàng A. đang mê man tại Khoa truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Lương Thị Quế (Thanh Miện - Hải Dương) lo lắng cho biết, cách đây 4 hôm cháu A bỗng nhiên kêu mệt, sốt, chị chỉ nghĩ con cảm sốt thông thường và có dùng thuốc cảm nhưng 2 ngày sau cháu càng sốt cao và có dấu hiệu mê sảng nên đưa cháu đi Bệnh viện đa khoa Hải Dương rồi được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo các bác sĩ đây là một trường hợp viêm não Nhật Bản (VNNB) nặng, đã có những rối loạn về tri giác.

PGS.TS. Phạm Nhật An - Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viêm não do virut xảy ra quanh năm với nhiều tác nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân do virut VNNB chiếm khoảng 30% các ca bệnh. Đây là bệnh lưu hành thường xuyên ở nước ta, đặc biệt là vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các ca bệnh nhập viện vào mùa hè thường tăng cao, có những thời điểm tại Khoa có khoảng 15 trường hợp và đều rất nặng. Tỷ lệ tử vong do VNNB ở khoảng từ 0,3-60% tùy theo thời gian phát hiện bệnh sớm và trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não suy hô hấp trụy tim mạch và chống bội nhiễm Nhiều trường hợp trẻ được cứu sống nhưng để lại di chứng nặng nề ở hệ thần kinh như hạn chế vận động, chậm phát triển trí tuệ Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh VNNB, vì vậy điều trị trợ sức và điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Nhiều yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh

TS. Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bệnh VNNB thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm, đỉnh của bệnh thường rơi vào tháng 6 và 7. Thời điểm hiện tại đang có nhiều điều kiện cho bệnh gia tăng, đó là ổ chứa virut mang bệnh như chim, dơi đang tụ tập về các vườn đang mùa nhiều loại quả chín. Bên cạnh đó thì lợn cũng là một ổ chứa quan trọng, người dân lại có thói quen nuôi lợn gần nơi sống. Vectơ truyền bệnh là muỗi Culex đang có điều kiện sinh sôi mạnh (đồng lúa gặt xong, thời tiết nóng ẩm..) chúng hút máu của chim, dơi, lợn rồi đốt người, mang theo virut xâm nhập vào cơ thể. Nếu cơ thể không có miễn dịch thì sẽ bị mắc bệnh. Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất.

Tiêm vaccin là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Các chuyên gia dịch tễ khẳng định vaccin VNNB là biện pháp phòng bệnh chủ động, hiệu quả và quan trọng nhất. Chính vì vậy để từng bước kiểm soát được căn bệnh này ở trẻ em, từ năm 1997, vaccin này đã được chính thức đưa vào chương trình TCMR. Ban đầu là những số ít huyện có nguy cơ cao và dần dần phát triển rộng ra nhiều vùng khác trên qui mô huyện. Hiện đã có khoảng 70% số huyện trên cả nước sử dụng miễn phí vaccin này cho trẻ dưới 5 tuổi.

Do biện pháp này được triển khai hiệu quả nên hiện nay nhóm mắc bệnh không phải là nhóm tuổi dưới 5 mà thường từ 7- 15 tuổi, là nhóm ngoài độ tuổi của TCMR. TS. Trần Như Dương nhấn mạnh, để bảo vệ cho nhóm tuổi này các bậc cha mẹ nên chủ động đưa con đi tiêm phòng cho những trẻ chưa có được miễn dịch bằng vaccin. Hiện hầu hết Trung tâm y tế dự phòng huyện đã có vaccin này.

PGS.TS. Phan Thị Ngà - chuyên gia về viêm não virut của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, bên cạnh hiệu quả phòng bệnh bằng vaccin thì người dân cần có ý thức phòng bệnh hằng ngày vì không chỉ phòng chống được VNNB mà còn phòng ngừa được nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Đó là vệ sinh tốt nơi sinh sống, nên làm chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở, tránh cho muỗi từ chuồng trại có cơ hội đốt người. Khi lúa đã thu hoạch nên tháo nước ở các ruộng để muỗi Culex không có điều kiện sinh sôi. Cần nhắc nhở trẻ em không được cởi trần, tránh chơi gần chuồng trại, bụi rậm đặc biệt là lúc chiều tối - thời điểm muỗi Culex hoạt động mạnh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật