Các yếu tố ảnh hưởng hiệu quả tiêm chủng nên chú ý

Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam từ hai thập kỷ qua. Thành công của công tác TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ được uốn ván sơ sinh và đang có kế hoạch tiến tới loại trừ bệnh sởi và khống chế viêm gan b ở mức dưới 1% ở trẻ 5 tuổi trong vài năm tới.

Để tiến tới mục tiêu thanh toán hay loại trừ một số bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cần có một chính sách đúng và quá trình lâu dài, liên tục. Nói cách khác phải có giải pháp duy trì bền vững cho chương trình TCMR.

Tiêm chủng mở rộng và hiệu quả

Được khởi xướng từ năm 1985, chương trình ban đầu đã triển khai 6 loại vắc-xin cơ bản cho tất cả trẻ em dưới 12 tháng tuổi là lao bại liệt bạch hầu ho gà, uốn ván và sởi. Sau hơn 25 năm triển khai hiện đã có 11 loại vắc-xin chính thức được sử dụng trong TCMR, một con số cao so với rất nhiều quốc gia có cùng điều kiện kinh tế, xã hội tương tự. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi 10 trong số 11 loại chế phẩm vắc-xin trong chương trình đã được sản xuất bởi các công ty trong nước với chất lượng bảo vệ cao.

Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ tại Trạm y tế Tân Bình, TP. Hải Dương.

Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ tại Trạm y tế Tân Bình, TP. Hải Dương.

Thực tế và kinh nghiệm của Chương trình TCMR ở Việt Nam trong hơn 25 năm qua và ở các nước trên thế giới cho thấy rõ tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Tỷ lệ mắc bệnh của nhiều bệnh truyền nhiễm có vắc-xin dự phòng đã giảm đi hàng chục đến hàng trăm lần. So với năm khởi đầu chương trình (1985), số mắc tính trên 100.000 dân của năm 2010 đã giảm rất lớn: bệnh bạch hầu giảm gần 600 lần, ho gà giảm gần 1.000 lần, uốn ván sơ sinh giảm khoảng 60 lần, sởi giảm trên 550 lần. Sau 25 năm triển khai, Chương trình TCMR ở Việt Nam ước tính dự phòng cho hơn 6,5 triệu trẻ em khỏi mắc 11 bệnh truyền nhiễm và cứu khoảng 43.000 trẻ khỏi bị tử vong do các bệnh lao bạch hầu, ho gà, uốn ván bại liệt và sởi.

Những yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả của TCMR

Để có một vắc-xin có hiệu quả bảo vệ cao cần có một số điều kiện thiết yếu sau đây:

Đối tượng phải nhận đủ liều tiêm cơ bản: Mỗi vắc-xin có liều tiêm cơ bản để tạo được miễn dịch mức cơ bản.

Đối tượng phải nhận được mũi tiêm nhắc lại đối với các loại vắc-xin có yêu cầu phải tiêm nhắc để tạo ra miễn dịch lâu dài, bền vững. Ví dụ: vắc-xin phòng sởi hay DPT phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván cần được tiêm nhắc khi trẻ đạt 18 tháng tuổi.

Cộng đồng trong cùng một khu vực địa lý nhất định (từ xã, phường trở lên) có tỷ lệ nhận mũi tiêm chủng cao, tối thiểu đạt 80% tổng dân số.

Vắc-xin có thể là đơn giá hoặc đa giá. Xu hướng hiện nay là khuyến khích sản xuất và sử dụng các loại vắc-xin đa giá, phối hợp đồng thời nhiều thành phần kháng nguyên khác nhau. Lợi thế của nó là giảm chi phí đóng gói, vận chuyển, bảo quản, giảm số mũi tiêm và số lần đi tiêm chủng; đồng thời cải thiện sự kịp thời của tiêm chủng và tạo thuận lợi cho việc bổ sung các loại vắc-xin mới vào TCMR.

Giải pháp duy trì bền vững cho TCMR

Do là một chương trình quốc gia trọng điểm có độ bao phủ toàn quốc, thường xuyên đạt hiệu quả cao nên ngân sách dành cho TCMR chủ yếu từ phía Nhà nước, Trung ương và địa phương chiếm khoảng trên 45% tổng chi phí cho TCMR, đồng thời có chiều hướng tăng dần trong vòng 10 năm lại đây với mức tăng trung bình 10,6%/năm. Ngoài ra, do mang tính nhân đạo cao cả và có sự phù hợp với nhiều mục tiêu của Liên hợp quốc nên chương trình đã tranh thủ được nhiều nguồn viện trợ, đầu tư quốc tế, chiếm gần 55% tổng chi phí. 

Do chủ trương miễn phí toàn diện với đối tượng chính là trẻ em dưới 5 tuổi nên nguồn kinh phí huy động từ người dân cho Chương trình TCMR là không đáng kể. Như vậy, với cơ cấu kinh phí như hiện nay còn đang phải dựa khá nhiều vào hỗ trợ quốc tế thì việc duy trì một chương trình sức khỏe trọng điểm quốc gia như TCMR đang thiếu đi tính bền vững. Cần có một chính sách quốc gia bền vững hơn, trong đó nguồn kinh phí hỗ trợ quốc tế cần được thay thế dần bởi ngân sách tự chủ của Nhà nước kết hợp với sự huy động hợp lý từ cộng đồng.

Để tiến tới mục tiêu thanh toán hay loại trừ một số bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm, cần có một chính sách đúng và quá trình lâu dài, liên tục. Muốn vậy phải duy trì tốt những tiêu chí sau đây:

- Duy trì thường xuyên diện bao phủ về mặt địa bàn của chương trình, bảo đảm 100% số xã phường trên cả nước (11.138) được TCMR.

- Đảm bảo thường xuyên có trên 80% (tính theo quy mô huyện) số trẻ em trong diện được tiêm theo đúng liều, đúng lịch tiêm chủng.

- Duy trì được đủ số chủng loại vắc-xin cho tiêm chủng.

- Duy trì được lịch tiêm chủng tối ưu, trong đó ngoài các mũi tiêm cơ bản cần có thêm các mũi tiêm nhắc lại vào các thời điểm thích hợp để có thể giữ vững trình độ miễn dịch cho cá thể cũng như cho quần thể.

- Duy trì và nâng cao chất lượng tiêm chủng, trước hết là bảo đảm về an toàn trong tiêm chủng (ATTC), vì đây là một trong những yếu tố có tính sống còn để giữ vững lòng tin của cộng đồng vào TCMR, qua đó giữ vững tỷ lệ trẻ được tiêm chủng đầy đủ, đúng liều, đúng lịch.

Rõ ràng đầu tư cho công tác tiêm chủng, trong đó trụ cột là TCMR chính là đầu tư có hiệu quả cho các thế hệ tương lai, đầu tư cho sự phát triển của đất nước.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật