Những dấu hiệu căn bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn

Về nguyên tắc tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi-rút đều có thể bị mắc bệnh.

Viêm não Nhật Bản, là căn bệnh cổ điển, việc xác định căn nguyên cũng đã rất rõ ràng là do một loại vi-rút gây nên. Loại vi-rút này có thể lây truyền qua muỗi đốt (các loại muỗi ở những nơi có nước thấp, trũng như ruộng lúa, ruộng nước, ao hồ…).

Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ ở lứa tuổi 2-6, chiếm 75% tổng số trẻ mắc bệnh. Bệnh có thể xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng chủ yếu vào các tháng 5, 6 và 7, tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt tăng cao.   

Không chỉ ở trẻ em, mà mới đầu mùa Hè năm nay đã xuất hiện một số ca viêm não Nhật Bản bất thường với tổn thương khá nặng ở người lớn.

Một số triệu chứng thường gặp ở người lớn bị viêm não Nhật Bản: 3 ngày đầu bệnh nhân sốt cao, rét run buồn nôn sau đó xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, đại tiểu tiện không tự chủ, yếu nửa người bên phải, sau đó hôn mê sâu dần.

(Đối với trẻ lớn: sốt cao, than đau đầu đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng. Đối với trẻ nhỏ: sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng, trẻ còn thóp có thể thấy thóp phồng căng. Riêng trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ có biểu hiện bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều, khi nặng hơn trẻ sẽ bị động kinh co giật li bì, hôn mê). 

Hậu quả để lại: Với viêm não Nhật Bản, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể hồi sức, duy trì đợi bệnh nhân tự hồi phục. Bệnh tuy khỏi nhưng vẫn để lại những di chứng - nguy hiểm nhất là di chứng thần kinh, liệt cơ…

Vì vậy, dù nguy cơ mắc viêm não Nhật Bản ở trẻ dưới 15 tuổi cao hơn nhưng người lớn cũng không nên chủ quan. Về nguyên tắc tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi-rút đều có thể bị mắc bệnh. Do đó, bất cứ trường hợp nào sốt đau đầu nhiều, nôn buồn nôn rối loạn tri giác cần đến bệnh viện ngay.

Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tiêm vắc-xin phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, tuy nhiên vẫn khuyến cáo thêm khi trẻ đã tiêm được 3 mũi đầy đủ thì vẫn nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm cho đến khi 15 tuổi. Riêng đối với người lớn, nếu chưa được tiêm vắc-xin viêm hoặc đã tiêm rồi nhưng không nhớ, tốt nhất hãy đi tiêm mới hoặc tiêm lại để phòng bệnh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật