Suy giãn tĩnh mạch chân: Tại sao hay gặp ở nữ giới hơn

Việc thường xuyên đứng quá lâu, nhất là với giày cao gót, cũng là một trong những nguyên nhân khiến tĩnh mạch suy giãn.

Bệnh giãn tĩnh mạch chân có thể gặp ở cả nam và nữ giới, tỷ lệ ở chị em vào khoảng 70% và thường gặp ở tuổi trung niên.

Suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh do chức năng của thành mạch và các van tĩnh mạch bị suy yếu. Máu không thể trở về tim dễ dàng mà bị ứ lại ở các tĩnh mạch chân, tạo nên phản ứng viêm Theo cơ chế hoạt động thông thường, khi bước đi, bàn chân chạm đất tạo nên áp lực, đẩy máu từ tĩnh mạch gan bàn chân lên trên. Ngay lúc đó, cơ co lại, tạo thành lực ép, đẩy một phần máu lên phần trên của cơ thể.

Ngoài ra, nhờ cơ hoành máu sẽ được hút về tim nhờ lực hút tạo ra khi người hít thở. Giữa các lực hút và đẩy trên, máu được giữ lại cố định trong khoảng thời gian ngắn mà không chảy ngược xuống dưới nhờ vào hệ thống van trong lòng tĩnh mạch. Nếu quá trình trên gặp trục trặc, máu sẽ bị ứ đọng ở chân, về lâu dài gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch. Biểu hiện là đường mạch nổi lên ngoằn ngoèo, chân bị phù nề sưng tê, thường xuyên có cảm giác như kiến bò dọc cẳng chân, và bị chuột rút vào ban đêm.

Việc thường xuyên đứng quá lâu, nhất là với giày cao gót, cũng là một trong những nguyên nhân khiến tĩnh mạch suy giãn. Với phái đẹp làm công việc văn phòng, thói quen ngồi bắt chéo chân sẽ góp phần làm tổn hại tĩnh mạch chi dưới sau này.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch hội Tĩnh Mạch TP HCM, ban đầu, khi chưa có nhiều triệu chứng, bệnh nhân dễ chủ quan, lơ là, và nhầm tưởng chỉ là các biểu hiện tạm thời. Nếu không nhanh chóng phát hiện điều trị đúng cách, bệnh dễ tiến triển đến giai đoạn nặng, có thể gây ra biến chứng như hình thành các cục máu đông gây thuyên tắc phổi dẫn đến tử vong

“Khi đã bị suy giãn tĩnh mạch, tùy theo mức độ nặng nhẹ, bệnh nhân sẽ được khuyến khích thay đổi lối sống tránh đứng lâu, ngồi nhiều, tăng cường thể dục, kết hợp việc điều trị bằng thuốc có tác dụng điều trị để giảm triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển.

Bên cạnh đó, có thể mang vớ tĩnh mạch, cùng các biện pháp can thiệp, phẫu thuật tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Việc điều trị cần kiên trì vì khá mất thời gian, công sức, nên mọi người cần chủ động phòng tránh hoặc sớm nhận biết các triệu chứng ngay từ ban đầu", Phó giáo sư Hoài Nam cho biết thêm.

Để phòng tránh bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nên tập thói quen vận động, tránh đứng, ngồi một chỗ quá lâu. Nếu do nhu cầu công việc phải đứng lâu, bạn có thể nhịp chân, luân phiên thay đổi tư thế đứng chùng chân. Những bài tập thể dục nhẹ nhàng, hoặc xoa bóp đôi chân trước và sau khi ngủ cũng là cách hỗ trợ cho máu lưu thông tốt hơn. Ngoài ra, chị em cần có kế hoạch tầm soát bệnh suy giãn tĩnh mạch sớm để bảo vệ đôi chân của mình.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật