Bệnh 'tê tê say say' và nỗi niềm của người dân Bình Chân

Thông tin về bệnh "tê tê say say" lại tái diễn ở xã Bình Chân, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình đã đưa bước chúng tôi về nơi đây. Đến trạm y tế xã thấy vắng hoe, hỏi chị Bùi Thị Màu, nữ hộ sinh duy nhất thường trực tại trạm được biết, cả trạm có 6 người, tất cả đã xuống các thôn, bản để chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân bị mắc bệnh "tê tê say say".

Chị Màu bộc bạch: Đã gần 3 tháng rồi chúng em không có ngày nghỉ, hiện toàn xã có 128 người ở 4/10 xóm mắc căn bệnh này. Từ khi bệnh nhân đông, cả trạm đều lao về thôn, bản trực tiếp nắm tình hình, động viên bà con yên tâm chữa bệnh, tin tưởng vào y tế.

Những nỗi niềm...

Bệnh "tê tê say say" bắt đầu tái phát tại xã Bình Chân từ tháng 5. Vậy là gần 3 tháng qua, hàng chục hộ gia đình ở các xóm Cổi 1, Dài 1, Mè 1, Mè 2, Cành 1 đều có người ốm vì căn bệnh quái ác này. Không khí nặng nề lo âu bao trùm trên nét mặt của mọi người ở khắp các thôn bản.

Trên đường dẫn chúng tôi xuống xóm Mè 1, chị Bùi Thị Khương, Trạm trưởng Trạm y tế xã Bình Chân cho biết: "Lo lắm các anh ạ, năm 2007 trở về trước, dịch đã bùng phát, cả xã đã có trên 10 người tử vong, có gia đình mất đi hai người thân vì bệnh "tê tê say say". Năm 2008, 2009 tạm thời yên ắng, giờ đây lại tái phát nên tất cả phải dồn sức chống dịch”. 

Đã có kinh nghiệm rút ra từ những năm trước, khi có người mắc bệnh, trạm y tế tập trung điều trị theo phác đồ gồm: truyền dịch tiêm hoặc uống thuốc B1, B6 và bổ sung canxi Chị Khương cho biết thêm: "Toàn xã có 128 ca mắc bệnh, trạm được hỗ trợ từ tỉnh và huyện với tổng số 40 chai dịch, 250 lọ B1, 150 lọ B6, 30 vỉ và 70 ống canxi Số lượng thuốc đó phải cân nhắc để điều trị cho những người bị bệnh nặng".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những người mắc căn bệnh này có triệu chứng khá giống nhau, nghĩa là tự nhiên người bệnh thấy mệt mỏi tê mỏi chân tay đau mỏi khớp, tức ngực khó thở cá biệt có trường hợp bị sụp mi mắt, cơ hàm hoạt động kém, sợ nước, sợ bùn...

Nhưng lúc đầu mắc bệnh triệu chứng mỗi người một khác, người thì đau đầu trước, người thì tê mỏi chân tay trước và có người thì thấy khó thở tức ngực trước, nên nhiều người không biết là mình bị mắc bệnh gì. Đơn cử như trường hợp ông Bùi Văn Pịn ở xóm Mè 1 đang đi chăn trâu tự nhiên thấy da đầu đau cứng, hoa mắt chóng mặt vội vàng về nhà.

Do người nhà không biết là bị mắc bệnh "tê tê say say" nên vội đưa lên nhờ bác sĩ phòng khám tư thị trấn huyện cấp cứu. Không rõ ở đó điều trị bằng thuốc gì nhưng hết hơn 800.000 đồng và hôm sau lại về nhà nghỉ ngơi dù sau đó khớp chân, khớp tay vẫn còn đau mỏi.

Sống chung với “tê tê say say”?

Gia đình anh Bùi Văn Quân ở xóm Mè 1 có 8 nhân khẩu thì 7 người mắc, khiến cả nhà lao đao. Anh Bùi Văn Ngự, thành viên trong gia đình cho biết: "Khi biết là mắc bệnh "tê tê say say", không còn cách nào khác là đưa nhau ra trạm y tế xã điều trị. Vừa truyền dịch, vừa tiêm và uống thuốc từ 6 - 7 ngày cũng hết 85.000 đồng/người. Nhà có 7 người đã phải tiêu mất trên 600.000 đồng, tương ứng với 130kg thóc. Với gia đình tôi, đó là một khoản tiền lớn vì thu nhập ở đây chủ yếu từ làm ruộng".

Căn bệnh này không loại trừ bất cứ ai từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, từ nhà nghèo hay nhà có "của ăn, của để". Tỷ lệ mắc nhiều nhất từ 20 - 50 tuổi, lực lượng lao động chính của mỗi gia đình. Nhiều đoàn công tác đã về Bình Chân khảo sát, tìm hiểu, lấy mẫu đất, mẫu nước, lá cây để xét nghiệm. Đặc biệt, có thời điểm Bệnh viện Nhi TW đã đưa 10 người bệnh trong xã về Viện để vừa điều trị vừa nghiên cứu.

Mấy năm nay, do tích cực làm vệ sinh môi trường nên có vẻ như bệnh đã giảm. Năm 2009, không thấy xuất hiện bệnh, khỏi phải nói người dân Lạc Sơn vui sướng đến nhường nào. Các cơ quan y tế địa phương thì hy vọng đã tìm ra "thủ phạm".

Thế nhưng đến tháng 5/2010, bệnh lại bùng phát. Giải pháp duy nhất ở huyện Lạc Sơn lúc này là chung sống với bệnh "tê tê say say". Từ người dân cho đến các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết mình để không xảy ra những trường hợp tử vong đáng tiếc như những năm trước.

Biểu hiện rõ nhất của bệnh "tê tê say say" là chân tay tê bì, mất cảm giác, đầu óc say say như người say rượu nên không làm chủ được mình, đi lại khó khăn. Bệnh nặng gây rối loạn nhịp tim dẫn đến tử vong tức thì.

Bệnh năm nay còn có một diễn biến mới, đó là sưng mi mắt buồn ngủ và tê đầu lưỡi. Bệnh này nếu biết chủ động đối phó thì không có gì nguy hiểm nhưng người mắc bệnh không được cứu chữa kịp thời có thể tử vong ngay. Bệnh được điều trị bằng cách uống vitamin nhóm B, chủ yếu là vitamin B1, người nặng phải truyền dịch. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật