Gạo mới đến nhà, bệnh giảm! Nguyên nhân do đâu lại vậy?

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đoàn công tác gồm các chuyên gia đầu ngành thuộc 11 chuyên khoa của Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã tới Quảng Ngãi khảo sát về bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Gần 300 bệnh nhân đang điều trị ở cả BVĐK tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm y tế huyện Ba Tơ và những người từng ít nhất 1 lần nhập viện vì căn bệnh quái ác ở làng Rêu đã được các bác sĩ thăm khám toàn diện, cấp thuốc.

Đến nay, đã có gần 300 người được khám, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi, trong đó có 12 người tử vong 45 trường hợp tái phát có nhập viện lại. Những bệnh nhân tái phát đều được BV Bạch Mai khám, lập phiếu khảo sát nhằm tìm ra nguyên nhân và phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho căn bệnh này.  

Rất nhiều người khi khám lại đều cho biết họ có biểu hiện chán ăn ăn rất ít và thể lực của họ đều suy dinh dưỡng gầy còm. Như bà Phạm Thị Kê (65 tuổi, ở làng Rêu) đã nhập viện 4 lần, trong đó 3 lần ở BV tỉnh Quảng Ngãi, 1 lần ở BV Phong Quy Hòa, hiện bà chỉ có 33kg gia đình bà có 5 người bị bệnh.

Được biết, người dân H’Re ở xã Ba Điền thường ăn loại gạo ủ và xét nghiệm thấy trong đó có một số loại nấm mốc, chính quyền địa phương đã cấp cho người dân ở đây gạo mới. Theo ông Phạm Văn Bút - Chủ tịch xã cho biết: Hiện tại, trong làng Rêu đã có khoảng 40% người dân được ăn gạo mới.

Gia đình anh Phạm Văn Trói vốn có 6 người mắc bệnh: Vợ chồng anh và đứa con gái lớn, chị gái anh là Phạm Thị Thanh... Vợ anh Trói là chị Phạm Thị Rên nhập viện 2 lần, lần đầu tiên ở Trung tâm y tế huyện Ba Tơ sau 1 tháng điều trị khỏi, nhưng về nhà, chị và gia đình vẫn tiếp tục ăn gạo cũ.

Chẳng bao lâu sau, bệnh của chị Rên tái phát, xét nghiệm men gan tăng và chị đã tử vong cách đây 2 tuần. Được cấp gạo mới, từ đó gia đình anh nấu cơm bằng gạo được cấp, cả anh Trói và chị Thanh mỗi bữa đều ăn được 3 bát cơm và không còn chán ăn như trước. Gia đình anh Phạm Văn Gương và chị Phạm Thị Lấy cũng vậy. Từ 2 tháng nay, ăn gạo mới và anh đã khỏe hẳn lên, không còn chán ăn.

Phân tích diễn biến bệnh của 2 gia đình này, TS. Phạm Duệ cho biết: “Những người được coi là tái phát bệnh có thể ở 2 hình thức. Người đã điều trị ở viện đỡ men gan giảm nên được về nhà. Thế nhưng khi về nhà họ lại xuất hiện triệu chứng chán ăn mệt mỏi Hoặc có người đang điều trị bỏ dở và sau đó quay lại BV.

Vậy thì câu hỏi là tại sao những người đã điều trị khỏi, khi về nhà, trở lại sinh hoạt trong điều kiện cũ, bệnh trở lại? Kết quả xét nghiệm các mẫu đất, nước, không khí ngoại cảnh không có gì bất thường. Biểu hiện sức khỏe của những người đang ăn gạo mới, trong bữa cơm có thịt chất lượng bữa ăn giàu dinh dưỡng hơn thì sức khỏe có cải thiện. Trên cơ sở so sánh họ với những người còn ăn gạo cũ còn biểu hiện chán ăn, mệt mỏi thì có thể đưa ra giả thiết dinh dưỡng tốt là có hiệu quả cải thiện bệnh”.

Thầy thuốc làm dân vận

Tại BVĐK tỉnh Quảng Ngãi hiện có 11 trường hợp đang điều trị. BS. Phạm Ngọc Lân  - PGĐ BV cho biết: Tỉ lệ bệnh tái phát ở các bệnh nhân điều trị tại BV là 40%. Tuy nhiên, công tác điều trị cũng gặp nhiều khó khăn khi bản thân người bệnh thường nói “nhớ nhà, muốn về thăm đồng thăm rẫy”.

Nhiều bệnh nhân điều trị được khoảng 10 ngày đã muốn bỏ viện. Để động viên người bệnh yên tâm điều trị, BVĐK Quảng Ngãi đã cung cấp bữa ăn cho người thăm nuôi tại BV. Tuy nhiên, vẫn có tới 34 trường hợp trốn viện hoặc điều trị chưa ổn định nhưng không chịu điều trị tiếp tục xin về, trong đó có 2 người rất nặng đều có biểu hiện xơ gan mất bù Trong khi đó, BV chưa có điều kiện nghiên cứu tập tục, thói quen sinh hoạt của người bệnh đều là người dân tộc H’Re.

Với sự vào cuộc tổng lực của các bệnh viện đầu ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo ngành y tế, người dân huyện Ba Tơ và chính quyền địa phương hy vọng trong thời gian tới người dân H’Re ở đây sẽ thoát  khỏi nỗi ám ảnh về hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân cùng nhiều biểu hiện gầy mòn suy nhược cơ thể đe dọa tầm vóc và sức khỏe của một thế hệ tương lai. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật