Phù não, phù phổi cấp...là những bệnh lý thường gặp khi lên cao

Mùa hè với những chuyến du lịch xa nghỉ ngơi cùng bè bạn, gia đình. Xu hướng “lên núi” được lựa chọn nhiều hơn nhất là năm nay do nhiều người vẫn còn e ngại về môi trường biển. Tuy nhiên, những người chưa quen hoặc chưa kịp thích nghi với điều kiện khí hậu trên cao sẽ có nguy cơ bị một số bệnh cấp tính có thể nguy hiểm đến tính mạng ngay trong những ngày đầu tiên khi họ lên tới một độ cao nhất định. Thông thường, ngưỡng độ cao mà các bệnh này xuất hiện là vào khoảng 2.500m. Từ 2.000 - 2.500m, bệnh cũng có thể biểu hiện nhưng ở mức độ nhẹ hơn.

Những yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến việc khởi phát các bệnh do độ cao. Nguy cơ thấp bị các bệnh này bao gồm leo chậm dưới 500m/ngày và ở độ cao dưới 2.500m; tiền sử không bị các bệnh khi leo cao với độ cao tương tự; leo nhanh trên 500m/ngày ở độ cao trên 2.500m đối với người đã được tập luyện sơ qua (được tập leo ở độ cao dưới 3.000m trong vòng một tuần trước đó).

Nguy cơ trung bình bị các bệnh độ cao bao gồm tiền sử không rõ đã bị hoặc có thể bị các bệnh khi leo cao (ví dụ như người mới leo núi lần đầu); leo nhanh trên 500m/ngày và ở độ cao trên 3.000m; tiền sử không rõ có bị chứng say khi leo cao hay không và leo nhanh vượt quá độ cao 3.000m trong vòng một ngày. Nguy cơ cao bị các bệnh khi lên cao bao gồm những người chưa có tiền sử bị các bệnh khi leo cao nhưng leo quá nhanh trên 4.000m/ngày và vượt quá độ cao 5.000m/ngày trong ngày đầu tiên. Các bệnh khi leo cao đặc biệt hay xảy ra đối với người có tiền sử bị các bệnh này trước đó như chứng say độ cao, phù phổi cấp và phù não khi leo cao.

Các bệnh khi leo cao hay xảy ra với những người leo quá nhanh trên 4.000m/ngày và vượt quá độ cao 5.000m ngay trong ngày đầu tiên.

Các bệnh khi leo cao hay xảy ra với những người leo quá nhanh trên 4.000m/ngày và vượt quá độ cao 5.000m ngay trong ngày đầu tiên.

Một số biểu hiện bệnh lý khi leo cao

Chứng say độ cao cấp tính

Đau đầu là triệu chứng chính và tăng dần khi theo độ cao. Kèm theo là các biểu hiện khác như mệt mỏi chán ăn nôn mửa rối loạn giấc ngủ (như mất ngủ căng thẳng ngủ mê mệt với ác mộng triền miên). Các biểu hiện của chứng say độ cao cấp tính xuất hiện ngay trong vòng 6 - 12h khi lên đến độ cao xấp xỉ 2.500m hoặc hơn và càng lên cao mức độ càng tăng. Ước tính, có khoảng 25% những người leo núi chưa được tập luyện làm quen với khí hậu trước khi leo bị các dấu hiệu của chứng này ở độ cao 2.500m và ít khi bị ảnh hưởng đến tiến trình leo núi. Nhưng lên đến độ cao 4.500 - 5.500m, có tới 85% số người bị ảnh hưởng và hầu như không thể tiếp tục hành trình do các triệu chứng diễn biến nặng lên.

Phù não do độ cao

Phù não do độ cao biểu hiện bằng các triệu chứng như mất vận động, rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau đau đầu ít đáp ứng với liệu pháp corticoides, nôn mửa nhiều phù não thường xuất hiện sau hai ngày leo núi và ở độ cao trên 4.000m. Có khoảng 0.5 - 1% những người leo lên độ cao từ 4.000 - 5.000m bị chứng này. Chụp cộng hưởng từ cho thấy đây là chứng phù não do rối loạn vận mạch có kèm các vi xuất huyết trong nhu mô não tập trung nhiều ở vùng thể Chai (Corpus Callosum).

Phù phổi cấp do độ cao

Khi leo tới một độ cao nhất định, người leo núi có thể bị các biểu hiện của phù phổi cấp do độ cao. Các triệu chứng biểu hiện đột ngột và tăng dần. Bệnh nhân thấy mệt nhiều, tức ngực khó thở tăng dần, tím môi, đầu chi nhịp thở nhanh nông, vật vã kích thích. Nặng hơn, bệnh nhân bắt đầu thấy ho nhiều và khạc bọt hồng hoặc trắng loãng. Nhiệt độ lạnh và thành phần không khí thiếu ôxy khi lên cao làm nặng thêm tình trạng của bệnh. Bệnh nhân sẽ tử vong nhanh chóng do suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời. Phù phổi cấp do độ cao xảy ra sau 48 giờ leo núi và ở độ cao từ trên 3.000m trở lên mà hiếm khi xảy ra ở độ cao từ 2.500 - 3.000m và nguy cơ mắc cũng như mức độ nặng tỷ lệ thuận với độ cao người leo đang ở cũng như tốc độ leo nhanh hay chậm.

Theo ước tính, chỉ có 0.2% số người leo núi bị phù phổi cấp khi lên tới độ cao 4.500m trong vòng 4 ngày, tỷ lệ này là 2% nếu họ lên tới độ cao 5.500m trong vòng 7 ngày và có thể lên tới 6 - 15% nếu chỉ leo trong vòng 1 - 2 ngày là lên tới độ cao này. Nguy cơ bị phù phổi cấp cũng tăng cao ở người đã có những yếu tố nguy cơ như trên và có tới 60% trong số này bị phù phổi cấp nếu lên tới độ cao 4.500m nhanh trong vòng dưới 2 ngày. Tỷ lệ tử vong do phù phổi cấp do độ cao có thể lên tới 50% nếu không được điều trị.

Cơ chế bệnh sinh của phù phổi cấp do độ cao chủ yếu là do rối loạn vận mạch xảy ra khi thiếu ôxy nặng từ đó khởi phát quá trình viêm tại các mao mạch phổi dẫn đến hiện tượng tăng áp lực và tổn thương mao mạch phổi. Nước, hồng cầu từ mao mạch phổi thẩm lậu và rò vào phế nang gây nên chứng phù phổi cấp.

Cần xử trí thế nào?

Điều trị các bệnh do độ cao gây nên hàng đầu là cho bệnh nhân thở ôxy 2 - 4 lít/phút, đưa bệnh nhân xuống núi càng thấp càng tốt và cho bệnh nhân nghỉ ngơi. Nếu không đỡ, cho các thuốc chống nôn, giảm đau đầu như ibuprofen, lợi tiểu bằng acetazolamide, chống phù não bằng desamethasone đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch tùy vào mức độ nặng nhẹ của triệu chứng. Trong trường hợp phù phổi cấp do độ cao, có thể dùng thêm nifedipine 60 - 80mg, uống theo chỉ định của thầy thuốc

Lời khuyên của thầy thuốc

Những người leo núi cần được tập luyện ở một độ cao trung gian khoảng 2.000m một vài ngày trước khi bắt đầu cuộc leo núi thực sự. Khi lên đến độ cao 2.500 - 3.000m, chỉ nên leo khoảng 300 - 500m/ngày và cứ 3 - 4 ngày lại nghỉ một ngày đồng thời theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu bệnh lý khi leo cao. Có thể dùng thuốc để dự phòng chứng bệnh do độ cao ở những người có nguy cơ như nguy cơ bệnh say độ cao hoặc phù não do độ cao: sử dụng desamethasone  và acetazolamide đường uống, dự phòng phù phổi cấp do độ cao bằng nifedipine thuốc ức chế 5-phosphodiesterase dexamethasone hoặc hít salmeterol tùy theo mức độ của nguy cơ.

Và cuối cùng, những người leo núi, dù là chuyên nghiệp hay nghiệp dư vẫn phải được khám xét và tư vấn bởi những thầy thuốc có kinh nghiệm trong lĩnh vực này trước khi tham gia leo núi hoặc làm việc ở những độ cao lớn.

Những người hay bị chứng say khi lên cao là những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử đã bị say khi leo cao; Leo quá nhanh, trên 625m/ngày và vượt quá độ cao 2.000m trong ngày; Tập luyện không đầy đủ (phải tập luyện ít nhất 5 ngày ở độ cao dưới 3.000m trong vòng 2 tháng trước đó); Tập luyện nhiều cũng có thể làm tăng mức độ bệnh do yếu tố thể lực ít ảnh hưởng đến việc bệnh có xuất hiện hay không, nặng hay nhẹ. Các triệu chứng sẽ tự hết sau khi điều trị hoặc người leo núi quay xuống độ cao thấp hơn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật